Năm học 2020-2021, cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình cho phép các trường lựa chọn bộ sách phù hợp, bao gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Cánh diều.
Tuy nhiên, việc thay đổi chương trình và sách giáo khoa khiến nhiều học sinh, phụ huynh gặp khó khăn khi tiếp cận bài giảng.
Số lượng sách giáo khoa đồ sộ khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh: Ngọc Minh. |
Vất vả học đọc, viết chữ
Con chị Hiền năm nay vào lớp 1. Nhà trường chọn bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Chị Hiền bình luận trên Zing, trong khi các bạn khác biết chữ đơn và cách ghép vần, con chị vẫn “đánh vật” với bảng chữ cái.
Bà mẹ hy vọng con mình sẽ được học chương trình nhẹ nhàng nhất có thể. Tuy nhiên, vào ngày họp phụ huynh, chị được phát tài liệu gồm 6 trang A4, giới thiệu khối lượng kiến thức trẻ sẽ học trong học kỳ 1.
“Đọc hết 6 trang A4, điều duy nhất đọng lại trong tôi là thương con quá”, chị Hiền nói.
Dù đã học trước từ tháng 3, con bạn đọc Hồng Phước vẫn “phát hoảng” với khối lượng bài tập trên lớp. Mỗi ngày đi học, con chị mang 5 kg sách vở đến lớp. Tối về nhà, bé lại khóc, không muốn học bài.
Bản thân chị không muốn ép con học quá nhiều nhưng sợ con không học thì không theo kịp các bạn.
Một độc giả khác có hai con đang học lớp 3 và lớp 1. Mỗi tối, trẻ phải học đến 11 giờ mới hoàn thành khối lượng bài tập được giao. Không chỉ áp lực bài vở, trẻ phải đối mặt với nhiều nội quy khắt khe của nhà trường.
Lượng kiến thức lớn, tốc độ học quá nhanh khiến nhiều trẻ áp lực, chán nản. Độc giả Ngọc Minh thông tin, đến tháng 10 trẻ phải hạ cỡ chữ và chuyển sang viết bút mực. Điều này có thể gây khó khăn cho nhiều trẻ viết chữ chưa thành thạo.
Bên cạnh việc học chữ, trẻ phải làm quen với những môn học khác như Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ Thuật. Một độc giả có cháu vào lớp 1 tâm sự cháu bé không thể tiếp thu những kiến thức trên lớp. Điều này khiến cả nhà bối rối theo vì không biết hướng dẫn trẻ học thế nào cho hợp lý.
Không chỉ áp lực về khối lượng và tốc độ dạy học, nhiều phụ huynh còn phàn nàn về nội dung bộ sách giáo khoa mới.
Độc giả Châu Văn Huy nhận xét nội dung sách giáo khoa mới không hay, khó đọc, nhiều kiến thức không liên quan đến cuộc sống thực tế. Chưa kể mỗi ngày trẻ phải “cõng” một lượng sách khổng lồ đến lớp. Phụ huynh lo lắng điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
“Trẻ đi học mà mang cặp sách như vác cả quả núi trên lưng”, một người bình luận.
Đề xuất giảm tải chương trình
Là giáo viên, chị Tường Vi nhận xét sách giáo khoa mới chương trình Tiếng Việt 1 quá cao siêu, không phù hợp với học sinh. Chị cho rằng bộ sách giáo khoa mới chỉ có sự thay đổi chứ không thật sự đổi mới.
Trẻ nên đọc, học viết và tiếp thu kiến thức qua các bài đọc gần gũi về giáo dục đạo đức, tình yêu quê hương gia đình, đất nước.
Độc giả Lê Lâm đề xuất cần thống nhất bộ sách giáo khoa với lượng kiến thức vừa đủ. Học sinh lớp 1 cần được tạo hứng thú học tập thay vì nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong một học kỳ.
Một phụ huynh khác nhận xét bộ sách giáo khoa mới có nhiều cuốn dư thừa, cần được loại bỏ. Đặc biệt, sách Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Tự nhiên và Xã hội chỉ nên dùng cho giáo viên tham khảo.
Bên cạnh đó, phụ huynh khác đề xuất giáo viên không nên giao bài tập về nhà cho học sinh. Trẻ cần có thời gian vui chơi, thư giãn, học thêm các kỹ năng mới.
Trẻ lớp 1 chỉ nên học vừa đủ, có thời gian cuối tuần để vui chơi. Thầy cô nên truyền đạt những kiến thức phù hợp với lứa tuổi, không nên đặt áp lực thành tích lên trẻ.
"Người lớn đừng bắt trẻ con học nhiều quá, hãy cho các con môi trường vừa học vừa chơi để tạo hứng thú", độc giả bình luận.
Bạn có ý kiến gì về chủ đề Dạy Tiếng Việt 1 cho trẻ? Hãy chia sẻ quan điểm của mình bằng cách gửi bài viết về địa chỉ toasoan@zing.vn hoặc để lại bình luận dưới bài viết.