Tranh thủ ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Vũ Đạt (23 tuổi) và bạn gái quyết định lên quận Cầu Giấy ăn vặt.
Do không thường xuyên tới khu vực này, đôi bạn mất hơn 15 phút tìm quán ăn ưng ý, rồi quyết định dừng chân ở một quán ốc trên phố Nghĩa Tân.
"Tôi sống ở quận Ba Đình, nhà bạn gái ở quận Hai Bà Trưng nên hiếm khi đến đây. Giờ, quán quen ở khu trung tâm đã dừng phục vụ tại chỗ, chúng tôi 'lặn lội' tới quận Cầu Giấy ngồi ăn vặt, uống cà phê", Đạt chia sẻ với Zing.
Vũ Đạt và bạn gái không ngại chạy xe hơn 10 km tới quận Cầu Giấy để được ngồi tại quán ăn vặt. |
Dù phải chạy xe hơn 10 km để được ăn tại chỗ, anh không ngần ngại bởi hàng quán nơi này "có sinh khí hơn".
"Trái với cảnh vắng vẻ ở quận tôi sống, hàng quán ở Cầu Giấy nhộn nhịp hơn", anh kết luận.
Hiện tại, Cầu Giấy là một trong những quận ở Hà Nội được phép bán tại chỗ, trong khi nhiều nơi khác phải thay đổi hình thức phục vụ thường xuyên.
Song, cùng lúc đó, một số chủ cửa hàng và thực khách cũng lo lắng điều đó sẽ khó kéo dài vì tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tranh thủ ăn uống tại chỗ
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nội, Vân Anh và Xuân Mai (đều 20 tuổi, quận Cầu Giấy) đã thay đổi thói quen ăn uống, vui chơi.
Thay vì đi ăn vặt sau giờ học mỗi ngày, cả hai chủ yếu mua mang về, chỉ thi thoảng mới ngồi cà phê, chọn nơi vắng người để đảm bảo an toàn.
Đến những dịp lễ Tết, Vân Anh và Xuân Mai mới dạo phố nhiều hơn ngày thường.
Lo quận Cầu Giấy có thể chuyển sang bán mang về theo diễn biến dịch bệnh, Vân Anh (bên trái) và Xuân Mai muốn tranh thủ đi cà phê vào kỳ nghỉ lễ. |
Với 2 bạn trẻ, quy định bán mang đi ở một số quận trung tâm khiến họ có ít sự lựa chọn về địa điểm vui chơi hơn.
"Nhìn hàng quán bán mang về nhiều như vậy, tôi thấy khá buồn. Đồ ăn, thức uống take away dễ bị nguội, không ngon như khi thưởng thức tại chỗ. Người trẻ lại thích gặp gỡ bạn bè, muốn có chỗ check-in ở quán xá hơn. Giả sử quận Cầu Giấy dừng đón khách tại chỗ, chắc chúng tôi phải sang quận khác", Xuân Mai nói.
Lan Anh "đau đầu" mỗi lần tìm quán ăn uống, gặp gỡ bạn bè. |
Tương tự, Lan Anh (27 tuổi, quận Cầu Giấy) cũng "đau đầu" mỗi lần chọn địa điểm gặp gỡ bạn bè.
Hễ tìm được một quán mới có góc check-in đẹp, thực đơn hấp dẫn, cô lại phải tra cứu xem cửa hàng có nằm ở quận chỉ bán mang về hay không.
"Nhiều lần như vậy, tôi thấy có chút thất vọng, rồi lại quay về các quán ở gần nhà để hẹn gặp bạn bè. Thi thoảng, tôi cũng muốn thay đổi không khí lắm", cô nói.
Đến quán cà phê quen trên phố Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) vào dịp nghỉ lễ, cô có chút bất ngờ khi thấy khách khứa đông hơn hẳn mọi ngày.
Vì lỡ hẹn bạn, Lan Anh quyết định chọn một góc vắng người trong quán, chỉ định ngồi lại 25-30 phút.
"Tôi thường chọn những quán cà phê vắng người hơn để an toàn. Giờ chỉ có vài quận được bán tại chỗ, giới trẻ như tôi cũng ít lựa chọn hơn".
Buôn bán trong lo lắng
Gần 14h, hàng bún riêu trên phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) của bà Hằng vẫn có khá nhiều lượt khách ghé ăn. Ngay bên cạnh, quán bánh bao chiên cũng của gia đình bà kín bàn hơn một nửa.
“Từ khi nhiều quận phải ngừng bán tại chỗ, có vẻ như một số người dồn về khu này ăn uống nên quán tôi có nhiều khách hơn đợt trước một chút. Dù vậy, doanh thu chắc chắn vẫn chưa thể hồi phục được như khi chưa có dịch”, bà nói với Zing.
Bà Hằng không khỏi lo lắng khi thấy nhiều quận lân cận phải chuyển sang bán hàng mang về. |
Là hàng ăn có thâm niên hơn 30 năm, bà Hằng cho biết trong dịch, quán nhà bà may mắn vẫn có được một lượng khách ổn định.
Tuy nhiên, những ngày qua, nghe tin nhiều khu vực lân cận chỉ còn được bán hàng mang về, bà Hằng cũng không tránh khỏi lo lắng song xác định “còn được phục vụ tại chỗ ngày nào hay ngày đó”.
Theo bà, nếu số ca mắc Covid-19 cộng đồng ở quận Cầu Giấy tăng lên, việc hàng ăn uống chuyển sang bán mang về là chuyện sớm muộn.
“Bây giờ nếu có thông báo, tôi cũng không bất ngờ bởi 2 năm nay, việc như vậy không phải lần đầu tiên. Tôi cũng may mắn hơn nhiều hộ kinh doanh là bán ngay tại nhà, đỡ được khoản lớn tiền mặt bằng. Nếu không, khi chỉ còn được giao hàng, dù lượng khách ổn định tới đâu cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng doanh thu”.
Bà Hằng cảm thấy may mắn khi việc kinh doanh tại quán vẫn ổn định nhờ được đón khách tại chỗ. |
Không may mắn như bà Hằng nên chị Quỳnh Chi, chủ quán bún đậu cùng trên phố Tô Hiệu, rất sốt ruột mỗi khi nghe tin hàng quán ở quận này, quận kia không còn được bán cho khách ăn tại chỗ. Đặc biệt, chị sợ thông báo xuất hiện đột ngột khiến mình không kịp trở tay.
“Có đợt phải ngừng bán đột ngột quá trong khi đã lỡ nhập nguyên liệu, tôi và gia đình phải tự ăn và nhờ người quen ‘giải cứu’ bớt. Thời gian này, hôm nào tôi cũng liên tục theo dõi tin tức để nắm được tình hình”, chị kể.
Ngày nào chị Chi cũng theo dõi tin tức để không bị động nếu phải chuyển đổi hình thức kinh doanh. |
“Chắc điều an ủi duy nhất là quán tôi không quá bị ảnh hưởng bởi quy định đóng cửa vào 21h bởi bún đậu thường không có khách ăn khuya, tôi vẫn đóng sớm từ trước. Nhưng dù thế nào, tôi cũng đang rất lo”.
Vừa khai trương cơ sở mới được hơn một tháng nay song các nhân viên tại một quán cà phê ở đường Trần Đăng Ninh cũng làm việc trên tinh thần “có thể phải bán mang về bất cứ lúc nào” nếu quận Cầu Giấy nâng cấp độ dịch.
“Hai năm nay, người làm ngành dịch vụ như chúng tôi đã quen với việc này. Hiện, nhân viên phục vụ tại quán đa phần là người Hà Nội hoặc các bạn sinh viên tỉnh khác không về quê tránh dịch”, nữ quản lý quán cho biết.
“Không chỉ tôi và chắc tất cả người làm trong ngành dịch vụ ăn uống đều mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để việc kinh doanh ổn định hơn. Nếu được phép, quán chúng tôi sẽ mở xuyên Tết Nguyên đán sắp tới”.