Chỉ trong 2 ngày, Sỹ Thắng, quản lý quán cà phê có 2 cơ sở tại quận Thanh Xuân và quận Đống Đa, trải qua hai cảm xúc trái ngược.
Tối 31/12/2021, anh và các nhân viên mừng rỡ khi nghe tin hàng quán ở quận Đống Đa sẽ được phục vụ tại chỗ trở lại thì đến 2/1, thông báo cơ sở kinh doanh ăn uống ở quận Thanh Xuân chỉ bán mang về khiến mọi người hụt hẫng.
“Quán tôi là cà phê sân thượng, chủ yếu kinh doanh không gian, lại ở trên cao nên chỉ được bán mang về đồng nghĩa với việc ngừng kinh doanh luôn. Hoa quả, nguyên liệu tươi đã nhập đành dồn sang bên còn lại bán tiếp. Tôi không nhớ hai cơ sở của quán thay phiên nhau đóng - mở như vậy đã bao nhiêu lần rồi nữa, thực sự mệt mỏi nhưng cũng chẳng thể làm gì khác”.
Không chỉ Thắng, sự lo lắng khi liên tục phải thay đổi hình thức kinh doanh cũng là tâm trạng chung của nhiều chủ hàng ăn, uống tại nhiều quận ở Hà Nội trước diễn biến dịch Covid-19.
Bên cạnh khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, điều động nhân viên, tình trạng này còn khiến các hộ kinh doanh liên tục lâm vào thế bị động, ảnh hưởng doanh thu.
Mỗi khi ngừng bán, Thắng phải sắp xếp lại công việc cho nhân viên cả hai cơ sở. |
Được bán nhưng vẫn lo
Ban đầu, quán của Thắng cũng thử bán mang về nhưng không khả thi nên mới ra quyết định đóng cửa. Đối với người làm quản lý như anh, việc cơ sở nào được mở bán tại chỗ hay ngược lại cũng đều kéo theo nhiều việc phải xử lý.
“Để đón khách tại chỗ không phải cứ mở là mở luôn được, chúng tôi phải dọn dẹp, huy động nhân viên, chăm chút lại cây cảnh và nhập thêm hàng rồi kế hoạch chạy quảng cáo, thu hút khách cũng bị ảnh hưởng”.
Mỗi khi một trong hai cơ sở tạm đóng cửa, Thắng thu xếp cho nhân viên tại đó chia ca làm việc với nhân viên bên còn lại để đảm bảo ai cũng có lương. Dịp lễ Tết đã gần kề, anh không muốn thu nhập của mọi người bị ảnh hưởng.
Nguyên liệu tươi như hoa quả chưa kịp bán được quán đem sang cơ sở còn lại chế biến tiếp. |
“Giờ, tôi chỉ mong sao tình hình sớm được kiểm soát, việc kinh doanh ở các quận trở lại bình thường. Nếu được phép, quán tôi sẽ mở xuyên Tết Âm lịch như mọi năm, hy vọng gỡ gạc được thêm chút nào hay chút đó”.
Được phục vụ tại chỗ trở lại từ ngày đầu tiên của năm mới song bà chủ quán bún chả ở đầu đường Láng (quận Đống Đa) cũng vừa mừng vừa lo. Mừng vì không còn phải nhìn cảnh bàn ghế xếp chồng, phủ bụi trong quán, lo vì không biết khi nào lại bất ngờ nhận thông báo bán mang về như những lần trước.
“Đợt này, tôi cũng xác định chỉ bán ngày nào hay ngày đó bởi đã quá quen với việc đóng - mở hay giới hạn hình thức kinh doanh liên tục trong thời gian qua. Mấy hôm nay cũng vui vì được mở lại nhưng tôi cứ thấp thỏm, xem tin tức trên điện thoại liên tục, biết đâu quy định lại thay đổi bất ngờ”, người phụ nữ quê Phú Thọ nói với Zing.
Vui vì được mở bán tại chỗ, chủ quán bún chả ở đường Láng vẫn thấp thỏm, sợ phải bán mang về tiếp. |
Từ Phú Thọ đến Hà Nội kinh doanh 10 năm nay, bà chủ hàng bún chả khẳng định đây là khoảng thời gian khó khăn nhất bà từng đối mặt. Hơn một năm nay, bà cùng người con trai phụ giúp quán phải về quê 3 lần nghỉ dịch, tiền lời hầu như không có.
“Tiền thu được từ việc bán mang về chẳng đáng là bao, chưa kể bây giờ cũng chỉ được mở cửa đến 21h, quy định thì thường xuyên thay đổi. Lắm lúc, tôi nghĩ hay là dẹp quán, đi làm thuê cho đỡ phải nặng đầu suy nghĩ”.
Mọi năm, bà thường bán đến 29/12 âm lịch, mùng 2 Tết đã quay lại mở hàng. Tuy nhiên năm nay, hai mẹ con dự định nếu tình hình tiếp tục không khả quan sẽ nghỉ từ 25/12 âm lịch.
Lo phải dừng bán ngay trước Tết
Nghe tin về việc được phục vụ tại chỗ từ ngày 31/12/2021 nhưng phải 2 ngày sau, Minh Ngọc - chủ tiệm sữa chua dẻo trên đường Tây Sơn - mới bắt đầu đón khách trở lại.
“Sáng mùng 1, tôi thấy quán xá xung quanh có khách ngồi ăn song phải tự đọc báo và xác nhận lại mới vội dọn dẹp cửa hàng, mua thêm nguyên liệu để hôm sau bán tại chỗ. Với tôi, đó là tin mừng đầu năm”, chủ quán chia sẻ với Zing.
Bên cạnh niềm vui khi được đón khách ăn tại chỗ, anh Ngọc tỏ ra lo lắng khi tình hình dịch còn phức tạp. Vừa mở bán, chủ quán vừa nơm nớp vì “biết đâu ngày mai lại phải bán mang về”.
“Quận Đống Đa được cho phục vụ tại chỗ 2 ngày thì quận Thanh Xuân lại phải bán mang đi. Nhìn cảnh đó, tôi cũng lo lắm, không biết tình hình này còn kéo dài bao lâu. Gần Tết, người dân có nhu cầu vui chơi nhiều hơn nên tôi cũng mong được đón khách”.
Anh Ngọc lo ngại việc được bán tại chỗ sẽ không kéo dài lâu vì tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. |
Trước dịch, cửa hàng anh thường đông đúc vào tầm chiều và tối muộn, lúc người trẻ vừa đi ăn về và cần tìm nơi ngồi trò chuyện, ăn nhẹ. Vì thế, khi phải đóng cửa trước 21h và bán mang đi, việc kinh doanh ở quán bị ảnh hưởng nặng nề.
“Tôi mất nhiều khách, doanh thu từ vài triệu đồng mỗi ngày giảm xuống còn vài trăm nghìn đồng. Tôi không dám nhập nhiều nguyên liệu tươi vì hiếm người tới mua. Giờ, tôi mở cửa cầm chừng, chỉ mong có khách để duy trì chứ không mong sinh lãi nữa”, chủ quán nói.
Khoảng 11h30 ngày 3/1, quầy nguyên liệu của bà Hà - chủ quán phở trên phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) - đã trống hơn phân nửa. Tuy nhiên, thay vì nhập thêm như mọi ngày, chủ quán chỉ cố bán nốt vì sắp dừng nhận khách tại chỗ.
“Tôi không bất ngờ khi nghe tin phải bán mang đi, vì tình hình dịch bệnh căng thẳng và nhiều quận khác đã áp dụng quy định này. Tôi chỉ buồn và lo lắng cho việc kinh doanh về sau”, bà Hà thở dài.
Còn nửa tiếng nữa mới tới giờ dừng nhận khách tại chỗ, song quán phở của bà Hà chỉ còn một vị khách đang dùng bữa. Sáng nay, lượng khách tới ăn cũng không đông như mọi khi, vì đa số đều chuyển sang dùng bữa ở nhà, hoặc sang quận khác ăn tại chỗ.
Bà Hà lo ngại việc ngừng bán tại chỗ ở quận Thanh Xuân sẽ kéo dài. |
Đây là lần đầu tiên bà Hà mở bán mang về suốt 2 năm đại dịch. Bà dự định thử bán vài ngày xem hiệu quả kinh doanh ra sao, nếu không sẽ tiếp tục tạm nghỉ cho tới khi được phục vụ tại chỗ.
“Các món như phở, bún nên dùng tại chỗ để tiện cho cả người bán và người mua. Nhưng do tôi đã quen với nhịp bán hàng vài tháng qua, giờ lại tạm nghỉ thì sợ mất khách, phải ‘làm lại từ đầu’. Tôi chỉ nhập 1/2 lượng nguyên liệu thường ngày, mua thêm hộp để thử bán mang về”, bà kể.
Chủ quán không kỳ vọng nhiều vào doanh thu từ hình thức này vì không quen sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Dù vậy, bà vẫn muốn thử vì “không còn cách nào khác”.
“Nghỉ bán một ngày mà tôi có nhiều khoản phải lo: tiền thuê nhà, nguyên liệu, nhân viên… Nếu không buôn bán, những khoản này sẽ trở thành gánh nặng lớn. Mình bán ít thì nhập ít, buôn bán cầm chừng như vậy xem sao”.