Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không trụ nổi khi liên tục phải đóng, mở quán vì dịch

Phải dừng bán tại chỗ theo quy định mới nhất, nhiều chủ hàng ăn, quán cà phê tại một số quận ở Hà Nội thêm chật vật, khó tìm cách xoay xở sau nhiều đợt gián đoạn kinh doanh.

Nhìn lượng khách có mặt lác đác lúc 9h sáng 26/12, chị Thúy Hiền, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) thở dài. Đây cũng rất có thể là những vị khách cuối cùng quán được phục vụ trực tiếp trong ngày hôm nay bởi từ 12h, nơi này sẽ phải tạm dừng bán tại chỗ theo bản cập nhật mới nhất về cấp độ dịch của UBND Hà Nội.

Theo đó, các nhà hàng, quán ăn khu vực quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm sẽ bắt đầu dừng bán tại chỗ từ 12h ngày 26/12, quận Hoàng Mai và Ba Đình từ 12h ngày 27/12.

“Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, tôi vẫn rất buồn, chán chường khi nghe thông báo vào tối qua. Năm nay, việc đóng - mở liên tục hoặc bị giới hạn phương thức phục vụ theo diễn biến dịch bệnh khiến quán tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Sau lần này, nếu phải đóng hay ngừng bán tại chỗ thêm một đợt nữa, chắc tôi và nhiều hộ kinh doanh khác sẽ không trụ nổi”, chị Hiền nói với Zing.

hang quan chi ban mang ve anh 1

Chị Thúy Hiền lo lắng tình hình kinh doanh của quán trước quy định dừng phục vụ tại chỗ.

Chán chường

Vì có view nhìn thẳng ra hồ Tây, quán của chị Hiền chủ yếu thu hút khách đến trải nghiệm không gian, dùng đồ uống tại chỗ. Vì vậy, chị cho biết việc chỉ còn được bán mang về gần như giáng một đòn mạnh vào việc kinh doanh của quán.

“Tôi thấy may ra chỉ có các quán như trà sữa là lượng đơn giao hàng nhiều, còn những nơi chủ yếu kinh doanh không gian như chúng tôi rất ít. Ở đợt trước, tôi cố gắng duy trì việc bán mang về nhưng doanh thu chẳng thấm vào đâu. Ví dụ khi bình thường, doanh thu một ngày có thể là vài triệu đồng song khi dừng phục vụ tại chỗ, con số chỉ còn vài trăm nghìn, thậm chí không đủ trả tiền điện nước”.

Sáng hôm qua (25/12), chị Hiền vừa nhập lượng lớn hoa quả tươi làm đồ uống để chuẩn bị bán vào 2 ngày cuối tuần. Đến tối nghe được thông báo của thành phố, suy nghĩ “phải làm sao với số nguyên liệu đã mua” cứ quanh quẩn trong đầu chị.

hang quan chi ban mang ve anh 2

Hàng bánh giò trên phố Thụy Khuê lo không bán được hết số bánh đã chuẩn bị từ hôm qua, trước khi nghe thông báo dừng phục vụ tại chỗ.

“Mỗi đợt đóng, mở theo quy định, tôi lại mất thêm một khoản tiền để vệ sinh quán, mua cây cảnh, nguyên liệu mới thay cho số đã hết hạn sử dụng. Không có doanh thu nhưng tiền thuê mặt bằng, Internet, thuế, hỗ trợ nhân viên tôi vẫn phải lo”.

Thông thường, quán của chị mở cửa từ 8h đến 0h, lượng khách đông nhất sẽ vào khung giờ 20h-0h. Vì vậy, ngay từ khi chỉ còn được mở bán đến 21h hàng ngày, quán đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn, phải cắt giảm nhân viên, ca sáng từ 3 người nay còn 1 người, ca tối còn 2 người thay vì 4, 5 như mọi khi.

Chán chường cũng là tâm trạng của chủ một quán bánh giò ở đầu phố Thụy Khuê vào sáng 26/12. Bà cho biết trong gần 20 năm hoạt động, quán chưa từng đối mặt khó khăn lớn như thế này.

“Hôm nay là cuối tuần, khách đến ăn sáng sẽ muộn hơn mọi khi, tôi không biết có thể bán được bao nhiêu chiếc trước 12h nữa, đành hy vọng vào những đơn hàng buổi chiều vậy”.

Bà cũng cho biết thời gian qua, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khách quen cũng đến quán mua bánh mang về thay vì ngồi lại. Tuy nhiên, việc phải ngừng phục vụ tại chỗ cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của quán.

Hụt hẫng

Từ 10h, lượng khách kéo đến các quán cà phê mạn hồ Tây ngày càng đông. Nhiều người tranh thủ hẹn bạn bè vì không biết quán sẽ dừng bán tại chỗ trong bao lâu.

Nhóm bạn của Anh Đức (17 tuổi, quận Long Biên) hẹn nhau đi chơi từ 7h. Sau khi ăn sáng, cả nhóm quyết định ngồi uống cà phê ở quán trên đường Nguyễn Đình Thi.

“Chúng mình định đi chơi đến tối nhưng giờ phải thay đổi kế hoạch hoặc về sớm hơn. Cũng khá buồn vì thật ra bán mang về cũng được nhưng ngồi trực tiếp nói chuyện sẽ vui hơn”, Đức nói.

hang quan chi ban mang ve anh 3

Nhóm của Anh Đức hụt hẫng khi nghe tin quán cà phê phải dừng phục vụ tại chỗ từ 12h.

Trong tình hình dịch phức tạp, Anh Đức cho biết cả nhóm không có nhiều lựa chọn đi chơi ngày cuối tuần do nhiều hàng quán ở các quận khác đã dừng phục vụ tại chỗ. Rạp phim ở Hà Nội chưa mở lại, 4 chàng trai dự định sang Bắc Ninh xem nhưng cháy vé chưa đặt được.

“Nếu các quận mà đóng hết hàng quán thì chúng mình có lẽ sang nhà nhau chơi hoặc ở nhà chơi game. Cũng buồn nhưng tình hình chung thì chấp nhận”, nam sinh nói.

Tương tự, tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ, cũng là sáng cuối cùng các quán cà phê khu vực quận Tây Hồ còn được phục vụ tại chỗ, Hải Quỳnh (quận Hai Bà Trưng) và Phi Long (quận Ba Đình) chọn một góc vắng người tại quán quen trên đường Nguyễn Đình Thi.

Khi nghe về quy định phòng chống dịch mới nhất của thành phố, hai người có chút bất ngờ song cho rằng đây là điều cần thiết để kiểm soát tình hình.

“Số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội những ngày qua luôn đứng đầu cả nước, bọn mình cũng thấy khá lo. Hy vọng các biện pháp mới của thành phố đem lại hiệu quả”.

Hy vọng tình hình sớm được kiểm soát

6h30, chị Thu Trang, chủ quán bún riêu trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) mở hàng như mọi ngày. Tuy nhiên, thay vì bán tới 19h mới nghỉ, chị cho biết từ khoảng 11h30 sẽ bắt đầu thu dọn quán để chuyển sang bán mang về, ngừng nhận khách ngồi tại chỗ.

Chia sẻ với Zing, chị Trang cho hay: “Tôi mới chuyển quán về đây 3 tháng, trong đó tháng đầu chỉ bán mang về, vừa được phục vụ tại chỗ khoảng 2 tháng thì lại phải ngừng. Hôm qua, lúc nghe tin tức, tôi không quá bất ngờ vì hàng quán các quận khác cũng đóng hết rồi, đến lượt mình thì chỉ là sớm hay muộn”.

Trước đó, chị Trang đăng thông báo cho khách quen về việc dừng bán tại chỗ qua mạng xã hội. Tuy nhiên, sáng nay, nhiều trường hợp khách vào ăn, chủ quán nói mới biết về quy định mới.

“Tôi không bị ảnh hưởng nhiều vì bình thường, quán bán tới 12h là đông nhất, còn từ chiều đến tối chỉ túc tắc. Từ mai, nguyên liệu sẽ phải giảm bớt đi tùy lượng khách. Bán qua app cũng hơi lo, không biết sẽ thế nào. Nhưng quán tôi có lẽ đỡ hơn hàng phở vì ship về ăn vẫn ngon, còn phở thì mọi người thích được trần ăn tại chỗ hơn”, chị nói.

Kinh doanh được 2 năm nay, chị Trang cho biết đợt dịch thứ 4 là khoảng thời gian khó khăn nhất với chị, đặc biệt sau đợt giãn cách xã hội kéo dài. Tình hình càng ngày càng khó khăn khi lượng khách giảm nhiều, doanh thu chỉ còn 50% so với trước đây.

“Từ nửa tháng nay, khách quen của tôi chủ yếu qua mua mang về hoặc đặt ship vì sợ dịch, ngồi ăn tại quán chỉ có khách vãng lai. Tôi may mắn vì còn có lượng khách ổn định từ trước, chứ ai mới mở quán chắc không trụ nổi”, chị nói.

Hàng ngày, ngoài chị Trang, quán có một nữ nhân viên lớn tuổi làm việc. Chồng chị thường ra giúp lúc cao điểm.

“Dừng bán tại chỗ nhưng tôi vẫn phải để cô làm việc vì khó khăn như này cho nghỉ sao được, nhất là khi dịp Tết cận kề. Mong sao đợt này chỉ đóng 7-10 ngày, qua đợt Tết Dương lịch cho đỡ tập trung đông người. Chứ còn một tháng nữa là Tết Nguyên đán rồi, như này làm sao sống được”, chị Trang chia sẻ.

“Dừng hoạt động mà dập hẳn được dịch thì cũng cố gắng chứ cứ phập phù thế này thật sự rất mệt mỏi”, chị nói thêm.

Nữ điều dưỡng sẽ đón Tết trong bệnh viện dã chiến

Sau 4 tháng làm tình nguyện viên chống dịch từ Bắc vào Nam, Thủy Tiên lại nhận nhiệm vụ tại khu điều trị F0 ở Hà Nội khi thời điểm năm mới gần kề.

Ánh Hoàng - Thảo Thu

Bạn có thể quan tâm