Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng quán đóng cửa sớm, giới trẻ Hà Nội hết chỗ ngồi đón năm mới

Nhiều nhà hàng, quán cà phê tại Hà Nội thực hiện bán mang về hoặc đóng cửa lúc 21h khiến nhiều người chưng hửng, không có nhiều lựa chọn tận hưởng ngày cuối năm.

“Không nhận khách nữa đâu chị ơi, 21h quán đóng cửa rồi ạ”.

Khoảng 20h15 ngày 31/12, Diệp và hai cô bạn, cùng ở quận Cầu Giấy, thất vọng khi bị một quán lẩu trên phố Tô Hiệu từ chối vì đã gần tới giờ đóng bếp.

Dù có hẹn trước sẽ cùng đi ăn tối, nhóm bạn chủ quan không đặt bàn trước và tập trung muộn vì có một người bận đột xuất.

“Đói quá, chắc hỏi thêm 1-2 quán nữa trên phố này mà vẫn bị từ chối, bọn mình sẽ về nhà một thành viên rồi gọi ship đồ ăn, chứ sau 21h, hàng quán đóng cửa, bọn mình cũng gần như chẳng còn chỗ nào có thể ngồi lại”, Diệp nói với Zing.

Không chỉ nhóm của Diệp, vào tối cuối cùng của năm 2021, nhiều bạn trẻ đành về nhà sớm hơn, bị hạn chế các lựa chọn ăn uống, giải trí thay vì có thể tham gia các chương trình, hoạt động chào đón năm mới như mọi năm vì tình hình dịch bệnh.

gioi tre het cho don nam moi anh 1

Từ khoảng 20h, nhiều hàng quán tại quận Cầu Giấy đã bắt đầu ngừng nhận khách trong ngày cuối năm.

Không biết đi đâu sau 21h

Năm nay, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa cũng như các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật và đếm ngược (countdown) chào năm mới dương lịch. Bên cạnh đó, quy định chỉ bán hàng mang về hay mở cửa đến 21h ở một số quận cũng khiến không khí ngày cuối năm trầm lắng hơn hẳn các năm trước.

Theo ghi nhận của Zing, sau khoảng 20h, phần lớn hàng ăn trên nhiều con phố ở quận Cầu Giấy, một trong những quận còn được phục vụ ăn uống tại chỗ, đã dừng nhận khách để đảm bảo việc đóng cửa vào 21h.

Sau khi tập luyện ở công viên Cầu Giấy, Quang Đăng, Quốc Đạt và vài thành viên một nhóm nhảy cùng ăn nhẹ bên ngoài một cửa hàng tiện lợi lúc 21h15, tranh thủ trò chuyện trước khi về.

gioi tre het cho don nam moi anh 2

Nhóm của Quang Đăng không thể cùng nhau đón năm mới như mọi năm vì tình hình dịch bệnh.

Mọi năm, cả nhóm thường hẹn nhau đi ăn uống rồi ngồi quán cà phê đêm tán gẫu đến rạng sáng, trải qua khoảnh khắc chuyển giao năm mới cùng nhau.

“Năm nay, bọn mình cũng có ít lựa chọn hơn vì các hàng quán đều đóng cửa sớm, chỉ còn cửa hàng tiện lợi. Các chương trình ca nhạc hay đếm ngược cũng không tổ chức, đường phố sau 21h vắng vẻ hẳn, trái ngược với mọi năm. Hôm nay bọn mình cũng sẽ về sớm, một phần vì chán, một phần vì cũng lo ngại dịch bệnh”.

Cách nhóm Quang Đăng không xa, Ngọc Khánh và Phương Anh (cùng 21 tuổi, quận Cầu Giấy) cũng dựng xe bên vỉa hè để ngồi trò chuyện vì “không còn chỗ vui chơi”.

“Tranh thủ ngày cuối năm, bọn mình cũng rủ nhau ra ngoài ăn tối. Hai đứa đi ăn khá muộn vì bận việc riêng, rời khỏi quán ăn đã là 20h30 rồi. Giờ đó quán xá đều bắt đầu dọn dẹp, bọn mình chẳng biết ngồi đâu nữa”, Phương Anh kể.

gioi tre het cho don nam moi anh 3

Phương Anh, Ngọc Khánh tranh thủ ghé cửa hàng tiện lợi trước khi về nhà ngày cuối năm.

Vốn ưa thích những nơi náo nhiệt, đôi bạn có thói quen đón năm mới cùng bạn bè, dự chương trình đếm ngược và ngồi trò chuyện tới 2-3h. Nhưng năm nay, cả hai đành chọn cửa hàng tiện lợi làm nơi ăn mừng.

“Không có pháo hoa, không có đám đông huyên náo nên không khí trầm buồn hẳn”, Khánh nhận xét.

Rời khỏi quán lẩu trên phố Tô Hiệu lúc 20h30, Tùng và Huệ (quận Cầu Giấy) cũng có chút tiếc nuối khi phải rời bàn sớm, không kịp ghé quán cà phê ngồi trò chuyện, đón giao thừa.

Thời điểm này năm ngoái, đôi bạn đang có mặt ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, háo hức đếm ngược tới 0h và vỡ òa cùng đám đông. Năm nay, cả hai có chút chán chường khi thấy cảnh đường phố vắng vẻ, hàng quán tối đèn.

Sau một hồi bàn bạc, Tùng và Huệ quyết định chạy xe dạo phố, tận hưởng không khí một chút trước khi trở về nhà.

“Tiết trời lạnh, khô ráo như vậy rất hợp dạo phố, vui chơi, nhưng lại chẳng có pháo hoa, hàng quán rục rịch dọn dẹp từ 20h. Mình chỉ mong rằng năm sau, dịch bệnh sẽ qua đi để niềm vui được trọn vẹn”, Huệ cười, nói.

Hy vọng vào năm sau

Bên cạnh một số nơi may mắn có lượng khách cao hơn bình thường, 31/12 vẫn là một ngày kinh doanh ảm đạm đối với nhiều hàng quán tại Hà Nội, cả ở khu vực chỉ bán mang về và được phục vụ tại chỗ.

Hơn 19h30, Đức Anh (21 tuổi), nhân viên một quán cà phê trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm), bắt đầu dọn dẹp cửa hàng, chuẩn bị kết thúc một ngày làm việc.

“Năm ngoái, cả con phố Tống Duy Tân đều sáng đèn, quán xá nườm nượp khách khứa, quán tôi cũng không ngoại lệ. Mọi người thường ngồi uống cà phê, đợi qua thời khắc chuyển giao năm mới rồi mới trở về nhà”, nam nhân viên nói.

Hơn 2 tháng nay, Đức Anh dọn về sống ở quán, một mình trông nom và phục vụ đồ uống mang đi. Do lượng khách hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, anh thấy rầu rĩ khi phải “ngồi không” cả ngày.

Chia sẻ với Zing, chàng trai sinh năm 2000 cho biết anh chỉ hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ ổn định trở lại trước Tết Nguyên đán, để hàng quán được hoạt động trở lại.

“Năm 2021 quá khó khăn, nên tôi quyết định ở lại Hà Nội làm việc xuyên Tết Dương lịch, thậm chí có thể là cả Tết Âm lịch để có thêm thu nhập, dù ít hay nhiều. Giờ, tôi chỉ nhớ cảm giác bận rộn, được trò chuyện với khách thôi”.

Nhìn dãy bàn ghế cả tầng 1 trống trơn, chị Vân Anh, chủ quán ăn trên đường Khúc Thừa Dụ (quận Cầu Giấy) cũng thở dài. Ngày cuối năm, quán chị chỉ có 3 bàn đặt trước vào bữa tối.

“Tầm này năm ngoái, quán tôi tấp nập lắm, khách đặt bàn trước cũng nhiều. Năm nay vì dịch nên khách ít, buổi trưa hầu như không có, tối thì lác đác vài người quen, những ngày tới không biết sẽ như thế nào”.

gioi tre het cho don nam moi anh 8

Tối cuối cùng của năm, quán chị Vân Anh vắng khách, ít bàn đặt trước.

Khai trương từ tháng 1/2020, quán chị Vân Anh chưa kịp thu lại vốn đầu tư thì liên tiếp đối mặt các đợt dịch Covid-19. Tiền mặt bằng 70 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhân viên, đầu tư trang trí, điện, nước… các khoản cần chi cứ đều đặn phải bỏ ra song thu lại chẳng được bao nhiêu. Trong đợt dịch trước chỉ được bán mang về, chị quyết định tạm đóng cửa luôn vì chủ yếu kinh doanh món nhậu, khách gọi ship không nhiều.

“Hôm nay đã ít khách, lại phải đóng sớm theo quy định, tôi cũng không hy vọng gì nhiều”.

gioi tre het cho don nam moi anh 9

Chị Thùy bất ngờ khi lượng khách ngày cuối năm lác đác, không bằng cả ngày thường.

Tương tự chị Vân Anh, chị Vũ Thùy, chủ quán trà chanh trên đường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) khá buồn trước lượng khách ghé quán ít ỏi trong ngày cuối năm.

“Tôi những tưởng hôm nay sẽ đông hơn ngày thường song hoàn toàn ngược lại, thậm chí ít hơn một số ngày trong tuần gần đây. Có thể hôm nay mọi người ưu tiên ăn các món nóng như lẩu, nướng mất nhiều thời gian hơn nên không đi uống nước sau bữa tối nữa”.

Chị Thùy nhận định ngoài các quy định của thành phố, dịch bệnh khiến thói quen ăn uống của khách hàng thay đổi nhiều nên các dịp lễ Tết, tình hình dường như không có nhiều khác biệt so với bình thường.

20h45, thanh toán cho lượt khách cuối cùng, chị Thùy và nhân viên cũng bắt đầu dọn dẹp để đóng cửa, kết thúc ngày kinh doanh cuối cùng của năm 2021.

“Hy vọng trong năm tới, dịch bệnh mau chóng được kiểm soát để nhịp sống người dân và cả kinh doanh hàng quán trở lại bình thường, đó là điều tôi và cả nhiều người nữa mong mỏi nhất”.

Một năm trắng tay của người trẻ

Cuộc sống, công việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều người trẻ xem 2021 là một năm khó khăn chưa từng thấy song cũng giúp họ rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm.

Ánh Hoàng - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm