Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm trắng tay của người trẻ

Cuộc sống, công việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều người trẻ xem 2021 là một năm khó khăn chưa từng thấy song cũng giúp họ rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm.

Nhiều người coi dịp cuối năm là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng thành quả sau một năm dài làm việc.

Thế nhưng với không ít người trẻ, đây vẫn là lúc họ buộc mình kiếm tiền. Suốt năm dài 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hầu hết đều phải “chơi” quá lâu mà không có nguồn thu nhập. Đến cuối năm, nhìn lại khoản tiết kiệm trống rỗng và bao kế hoạch dở dang, họ chỉ biết thở dài.

Zing trò chuyện cùng 5 bạn trẻ làm việc trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh và lắng nghe tâm sự của từng người.

Nguyễn Thanh Tùng (chủ quán bar, Thanh Hóa)

Năm 2019, khi cùng bạn bè mở quán bar, tôi không thể ngờ dịch bệnh lại xuất hiện. Đặc biệt trong năm 2021, chúng tôi thật sự lao đao, khốn khổ vì không có cách nào kinh doanh ổn định.

Tôi còn nhớ làn sóng dịch thứ 4 bùng phát nghiêm trọng vào khoảng cuối tháng 5. Đến tháng 7, địa phương tôi yêu cầu đóng cửa quán ăn, nhà hàng. Khi đó, tôi không kiếm được chút tiền nào nhưng vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng, điện, nước và Internet.

Thời gian giãn cách xã hội tại nơi tôi ở chỉ kéo dài hơn một tháng. Tuy nhiên, sau đó mọi người đều có tâm lý đề phòng dịch bệnh, chẳng còn ai muốn vào bar nữa cả.

Đặc biệt, thế mạnh của quán chúng tôi là tổ chức sự kiện đông người. Phải đảm bảo quy định giãn cách, chúng tôi không thể tổ chức sự kiện, gần như không làm được gì khác.

Có người hỏi tôi rằng “dịch bệnh như thế có làm tôi nghèo đi không?”. Tôi xin trả lời là “rất nghèo”. Vấn đề kinh tế khiến tôi stress nhiều, nhất là khi việc kinh doanh của quán không chỉ là kiếm tiền cho tôi mà còn cho những người bạn bè khác.

Chúng tôi đã cố gắng nghĩ ra nhiều biện pháp để duy trì việc kinh doanh như bán mang đi, tăng cường quảng cáo trên fanpage… nhưng dường như không mang lại nhiều hiệu quả. Chưa khi nào tôi thấy bạn bè của mình thất nghiệp nhiều như thế.

Nhưng rồi tôi tự an ủi rằng không riêng mình chịu tình cảnh như vậy. Ở những nơi khác thuộc vùng dịch, người ta còn khó khăn hơn tôi rất nhiều.

Năm 2022, tôi mong tình hình dịch bệnh sẽ khả quan hơn để tất cả ngành nghề kinh doanh, dịch vụ được trở lại hoạt động bình thường. Nếu không, tôi sợ rằng mình không cầm cự được thêm nữa.

Lê Kim Phụng (vũ công, TP.HCM)

Ngoài vũ công, tôi còn kinh doanh online và là giáo viên mầm non. Vì vậy, ngay từ năm 2020, tôi đã cảm nhận được sự tác động của đại dịch.

Đến năm 2021, mọi thứ thực sự trở nên tồi tệ. Các lớp học nhảy, trường mầm non đóng cửa, show diễn sự kiện không còn, việc tập luyện cùng anh em nhóm nhảy cũng không thể tiếp tục khi thành phố trở thành điểm nóng Covid-19.

nguoi tre kho khan vi dich anh 3

2/3 công việc của Kim Phụng phải tạm ngừng trong thời gian dịch bùng phát.

Trong nhà, tôi là trụ cột tài chính, chăm lo cho ba mẹ và đứa con nhỏ. Năm 2019, tôi còn vay tiền ngân hàng mua nhà, đến giờ vẫn chưa thể trả hết. Áp lực tài chính thực sự khiến tôi chật vật. Nhiều lúc, tôi phải vay mượn người thân quen để cầm cự nốt công việc kinh doanh online cuối cùng.

Trong thời gian thành phố giãn cách xã hội, tôi tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch ở khu phố. Nhờ khoảng thời gian này, tôi ngẫm ra nhiều điều, nhìn nhận cuộc sống khác hơn và học được tinh thần lạc quan từ mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, tôi cũng quen nhiều bạn mới là tình nguyện viên, dân quân, bộ đội. Những khoảng thời gian trò chuyện ngắn ngủi trong ca làm việc giúp vực dậy tinh thần tôi rất nhiều.

2021 chắc chắn là một năm tồi tệ đối với tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy bản thân còn may mắn khi không bị nhiễm bệnh, gia đình cũng còn đông đủ, khỏe mạnh. Đó mới là điều đáng quý nhất. Một số người bạn của tôi đã không may mất người thân vì Covid-19.

Khoảng thời gian cuối năm, mọi thứ đã bắt đầu ổn định trở lại ở TP.HCM. Tôi và anh em nhóm nhảy đang tích cực tự tập luyện để chuẩn bị cho những sự kiện có thể nhận trong tương lai và tham gia một cuộc thi vũ đạo. Hy vọng sang năm mới, mọi thứ sẽ dần trở lại bình thường.

Phạm Hoàng Anh (kinh doanh homestay, Đà Lạt)

Mở homestay từ năm 2017, chưa khi nào tôi ngừng kinh doanh lâu như thế này. Bắt đầu từ tháng 4, khi thấy tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng, tôi cho đóng cửa homestay ngay, trước cả khi địa phương yêu cầu, để bảo đảm an toàn đầu tiên là cho mình và sau là mọi người xung quanh.

nguoi tre kho khan vi dich anh 4

Hoàng Anh chủ động đóng cửa homestay sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.

Ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ là cần đóng 1-2 tháng là cùng, xem đây như giai đoạn nghỉ ngơi. Nhưng đến hiện tại, tôi vẫn chưa kinh doanh lại và có khả năng sẽ đóng cửa đến hết Tết Nguyên đán.

Trong lúc nghỉ, tôi chăm sóc khu vườn nhỏ ngay tại homestay rồi mở luôn một shop hoa và chậu cây nhỏ để kiếm thêm. Ngoài ra, cũng nhờ khoảng thời gian Đà Lạt vắng bóng khách, tôi có cơ hội ngắm nghía, cảm nhận nơi này nhiều hơn.

Đối với tôi, 2021 là năm khó khăn nhưng cũng là lúc để mọi người sống chậm lại, trân quý sức khỏe, tình cảm gia đình và đôi khi là bước khỏi vùng an toàn để thích nghi với tình hình.

Tống Đình Sơn (nhân viên spa, Hà Nội)

Trong năm 2021, suốt 6 tháng spa tại Hà Nội đóng cửa là 6 tháng tôi ở nhà “chơi dài”, không có thu nhập. Những tháng đầu tiên, tôi sinh hoạt nhờ khoản tiền tiết kiệm, trong lòng rất lo lắng không biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt.

nguoi tre kho khan vi dich anh 5

Sơn phải chi tiêu tiết kiệm trong khoảng thời gian không thể đi làm.

Nhưng những tháng về sau, khi tiền dự trữ vơi dần, tôi bắt đầu suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn. Tôi tìm kiếm công việc online mong có thêm thu nhập, nhưng không cách nào ổn định. Ngay cả việc ăn uống hàng ngày tôi cũng đều phải chắt bóp, tính toán từng bữa rất đau đầu.

Không những vậy, việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn tới các kế hoạch tương lai của tôi. Tôi nghĩ rằng mình còn trẻ, số tiền đi làm dành dụm được sẽ dành để đi học cải thiện bản thân hoặc đầu tư. Nhưng giờ đây, không một dự định nào của tôi hoàn thành vì đại dịch, tôi như bắt đầu lại từ con số 0.

Cuối năm, khi Tết Nguyên đán cận kề, tôi cần một khoản tiền để chi tiêu. Nhìn lại số dư tài khoản hạn chế, công việc vẫn chưa thể hồi phục, tôi rất bất an. Sang năm mới, tôi chỉ mong có thể đi làm lại bình thường, kiếm lại số tiền đã mất. Dịch bệnh đã làm tôi lãng phí mất một năm trời cho sự nghiệp.

Hoàng Minh Nhật (huấn luyện viên cá nhân, Hà Nội)

Từ khoảng tháng 5, khi phòng gym phải đóng cửa, tôi cũng mất luôn nguồn thu nhập duy nhất.

nguoi tre kho khan vi dich anh 6

Minh Nhật hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát.

Lúc đầu, tôi nhận thêm công việc giao hàng để trang trải song không gắn bó được lâu.

Sau đó, tôi chỉ biết dành phần lớn thời gian ở phòng trọ, loanh quanh với 4 bức tường. Thi thoảng, tôi nhận dạy kèm online cho khách song thu nhập không thể đủ để trang trải như bình thường.

Thời gian qua, ngoài tài chính, tinh thần và cả năng lượng của tôi bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng rồi tôi nhận ra suy nghĩ tiêu cực cũng chẳng thể thay đổi được gì. Tôi bắt đầu học nấu ăn, sống lành mạnh hơn, coi như đây là thời gian để làm mới bản thân, nghỉ ngơi sau thời gian dài.

Năm nay, tôi cũng học được một chữ "nhẫn", nhìn nhận mọi thứ một cách bình tĩnh, đa chiều hơn.

Năm mới, chắc chắn không chỉ tôi mà mong ước của nhiều người khác là dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường. Tôi cũng hy vọng có thể triển khai kế hoạch kinh doanh, thử sức ở lĩnh vực mới.

Không trụ nổi khi liên tục phải đóng, mở quán vì dịch

Phải dừng bán tại chỗ theo quy định mới nhất, nhiều chủ hàng ăn, quán cà phê tại một số quận ở Hà Nội thêm chật vật, khó tìm cách xoay xở sau nhiều đợt gián đoạn kinh doanh.

Ánh Hoàng - Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm