Làm việc trong ngành tài chính, Jas Chua (31 tuổi, sống ở Singapore) bị ốm do làm việc trong nhiều giờ liền và gặp căng thẳng thường xuyên. Tối đa mỗi ngày, Chua làm việc 12 giờ, mỗi tuần 5 ngày. Thậm chí vào cuối tuần, cô vẫn bận rộn đọc email vì công việc không bao giờ kết thúc.
Điều này khiến Chua kiệt sức rồi phải mất vài tuần mới có thể hồi phục. Cô cho biết mỗi khi đạt đến giai đoạn kiệt quệ, cô rất khó để hồi phục khả năng làm việc 100% như trước.
Thông thường, mức làm việc của cô từ những lần hồi phục sau trận ốm chỉ đạt 70-75%. Chưa kịp lấy lại tinh thần làm việc, những cơn ốm định kỳ lại ập đến, Chua lại phải mất nhiều tuần để bắt kịp tốc độ làm việc. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như một vòng luẩn quẩn.
Năm 2021, Chua từ bỏ công việc để bắt đầu khởi nghiệp. Cô đồng sáng lập một công ty thương mại điện tử quy mô nhỏ. Kể từ tháng 7/2022, công ty của Chua bắt đầu áp dụng chính sách làm việc 4 ngày/tuần.
Nhân viên sẽ được nghỉ làm vào thứ 4, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Những tuần có ngày nghỉ lễ theo lịch của nhà nước sẽ không được áp dụng chính sách này.
Nhiều ứng viên hứng thú với chính sách làm việc 4 ngày/tuần. Arh: CNBC. |
Thay đổi lịch làm việc đã tạo sự thay đổi lớn trong công ty của Jas Chua. Nhân viên có động lực làm việc, chất lượng công việc cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, nhiều ứng viên nộp đơn ứng tuyển vào công ty vì hứng thú với chính sách làm việc 4 ngày/tuần.
"Chúng tôi trở thành một công ty hướng đến chất lượng làm việc, thay vì tập trung vào thời gian rồi buộc nhân viên phải ngồi ở công ty từ 9h sáng đến 18h", Chua nói với Channel News Asia.
Người lao động vừa ủng hộ vừa lo lắng
Tháng 9 vừa qua, BBC đưa tin nhiều công ty ở Anh đang thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần và có khả năng áp dụng vĩnh viễn sau khi chương trình thí điểm dài 6 tháng kết thúc.
Trong số 73 công ty tham gia, 41 công ty trả lời khảo sát khi đang chạy thử nghiệm. Khoảng 86% trong số những công ty trả lời khảo sát cho biết họ có thể giữ nguyên phương án giờ làm này sau khi kết thúc thử nghiệm.
Tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global đã khởi xướng thử nghiệm tại Anh, Bắc Mỹ, Ireland, Australia và New Zealand. Giám đốc điều hành Charlotte Lockhart cho biết tổ chức đang thực hiện chương trình tại các quốc gia khác và sắp sửa hướng đến châu Á, những mục tiêu đầu tiên là Singapore và Hàn Quốc.
Người lao động Singapore bày tỏ sự ủng hộ. Trong một cuộc khảo sát với 1.000 người lao động về phương án đi làm 4 ngày mỗi tuần, 81% trả lời "muốn" và 37% nói "rất muốn".
78% người làm khảo sát nói rằng họ muốn giảm bớt một ngày làm việc vì họ coi việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một lợi ích chính đáng. 47% tin rằng chính sách này sẽ giảm bớt tình trạng kiệt sức ở người lao động.
Tuy nhiên, người lao động Singapore cũng có những lo lắng nếu công ty áp dụng lịch làm việc mới. 65% người nói rằng họ vẫn phải trả lời email hoặc các yêu cầu công việc khẩn cấp vào ngày nghỉ. 59% lo lắng về nguy cơ bị cắt giảm lương hoặc giờ làm việc sẽ bị kéo dài.
Các công ty không dám tiên phong
Hiện tại Singapore có rất ít công ty cung cấp lịch làm việc kiểu mới. Theo dữ liệu của JobStreet, chưa đến 1% công việc trên nền tảng này cho phép người lao động làm việc 4 ngày mỗi tuần.
Bà Chew Siew Mee, Giám đốc điều hành JobStreet, cho biết những công việc cung cấp lịch làm việc như vậy chủ yếu là các vị trí cấp thấp trong lĩnh vực bán hàng và dịch vụ. Các nhà tuyển dụng áp dụng cách sắp xếp này để tuyển dụng nhân lực làm việc theo ca.
"Tại Singapore, đây là một phương thức làm việc tương đối mới. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ phải mất một thời gian nữa, kiểu làm việc 4 ngày/tuần mới được áp dụng rộng rãi", bà Chew nói.
Nói về vấn đề này, bà Candy Choong, Phó chủ tịch của Levin Group, nói rằng các công ty công nghệ sẽ không áp dụng phương án 4 ngày làm việc. Lý do là hầu hết công ty công nghệ tại Singapore đang mở rộng quy mô và thận trọng với các nguồn tài chính.
Phó chủ tịch nhấn mạnh hiện nay chưa có bằng chứng kinh tế nào cho thấy lịch làm việc 4 ngày/tuần sẽ thúc đẩy năng suất và doanh thu. Do đó, các công ty chưa thể nhìn thấy lợi thế để tiên phong cải cách.
Các công ty công nghệ ở Singapore không áp dụng phương án 4 ngày làm việc. Ảnh: Adam Webb. |
PropertyGuru là công ty hiếm hoi tại Singapore cho phép nhân viên tự chọn, điều chỉnh lịch làm việc. Nhân viên có thể chia 40 giờ làm thành 4 ngày mỗi tuần hoặc 9 ngày trong 2 tuần. Cách sắp xếp này vẫn đảm bảo nhân viên được giữ nguyên mức lương, không bị trừ tiền.
Giám đốc nhân sự Genevieve Godwin chia sẻ những thách thức do dịch Covid-19 gây ra đã cho công ty cơ hội nhìn lại cách làm việc. Do đó, công ty muốn áp dụng chính sách mới một cách năng động, phù hợp.
Bên cạnh quyền tùy chỉnh lịch làm, công ty này cho phép người lao động làm việc bán thời gian. Đây là một phần thuộc chương trình Future of Work do công ty phát động.
Những phương án thay thế
Nói về những phương án cải thiện giờ làm cho người lao động, bà Chew Siew Mee đề xuất bên cạnh phương án làm việc 4 ngày, công ty có thể thử những cách khác để sắp xếp giờ làm linh hoạt hơn cho người lao động.
Ví dụ, công ty có thể áp dụng hình thức làm việc kết hợp (online và offline), hoặc cho người lao động nghỉ có lương để học thêm kỹ năng mới, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nhân viên cũng cần nhận được chế độ nghỉ phép đa dạng hơn như nghỉ vào ngày sinh nhật, nghỉ phép năm không giới hạn. Một số công ty tại Singapore đã triển khai phương án này sau đại dịch.
Microsoft Singapore là một ví dụ điển hình của công ty biết sắp xếp lịch làm việc linh hoạt. Nhân viên công ty này không đi làm vào sáng thứ 2 nên họ không phải lo lắng chuẩn bị cho các cuộc họp từ chủ nhật.
Công ty này còn tổ chức ME-days vào một ngày thứ 6 hàng tháng. Đây là ngày nhân viên được dành thời gian để tự học, tham gia các lớp học hoặc dành thời gian cho gia đình. Nhân viên cũng được cấp thêm 5 ngày hạnh phúc và 3 ngày tình nguyện vào cuối kỳ nghỉ hàng năm.
Salesforce, một công ty công nghệ tại Singapore, lại áp dụng chính sách "Flex Team", cho phép các nhóm tự quyết định thời gian, địa điểm và cách làm việc dựa trên nhu cầu và các dự án đang thực hiện.
Bà Cecily Ng, Phó chủ tịch của Salesforce, cho biết bên cạnh những người quan tâm chính sách làm việc 4 ngày, nhiều nhân viên tại công ty bà lại thích làm việc theo khung giờ linh hoạt trong 5 ngày làm việc mỗi tuần, thay vì bị bó buộc thời gian khi đi làm trong 4 ngày theo chính sách mới.
"Áp đặt một mô hình với tất cả nhân viên không phải là cách hiệu quả để thu hút nhân tài, thậm chí điều này có thể gây phản tác dụng, bà Cecily Ng nhấn mạnh.