Fangzi (20 tuổi) quyết định tìm kiếm một công việc thực tập vào đầu năm 2022. Giống như hàng triệu thanh niên khác tại Trung Quốc, cô quyết định tìm đến nền tảng việc làm Boss Zhipin.
Sau một hồi tìm kiếm, Fangzi bắt gặp bài đăng tuyển vị trí trợ lý giám đốc bán hàng của một công ty. Quá trình ứng tuyển ban đầu của Fangzi khá suôn sẻ, cô được mời phỏng vấn vào buổi chiều cùng ngày nộp hồ sơ và bắt đầu công việc vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, Fangzi bắt đầu cảm thấy bất an.
Trong cuộc phỏng vấn, quản lý hỏi cô còn độc thân không. Khi Fangzi hỏi điều này có liên quan công việc hay không, người quản lý kia lảng tránh. Nhưng đến khi bắt đầu công việc, quản lý bắt đầu cưa cẩm Fangzi rồi gửi cho cô loạt tin nhắn ẩn ý.
"Anh ta nói tôi nên nhiệt tình hơn và phải ôm anh ta khi ở văn phòng. Anh ta còn hỏi tôi còn trinh hay không rồi hỏi về sở thích tình dục của tôi", Fangzi kể với Sixth Tone.
Những ngày tiếp theo, tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Trong một bữa ăn tối cùng công ty, người quản lý đó cố tình chuốc rượu Fangzi rồi đòi đưa cô về nhà. Fangzi từ chối.
Sáng hôm sau, anh ta đe dọa sẽ ngừng đào tạo cho cô trừ khi cô đồng ý ngủ với anh ta. Thậm chí, người này còn đòi trừ lương Fangzi do cô có "hành động không thể chấp nhận được".
Chiều hôm đó, Fangzi nghỉ việc và chia sẻ trải nghiệm kinh hoàng của mình lên Wechat. Cùng lúc đó, cô tham gia một phong trào trực tuyến nhằm bêu tên những ông chủ lạm dụng nhân viên và gây áp lực cho các trang web việc làm để loại tên những kẻ đó ra khỏi nền tảng.
Quảng cáo của Boss Zhipin ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone. |
Bị dụ đến nhà thổ làm việc
Quấy rối và lạm dụng không phải chuyện hiếm gặp ở nơi làm việc tại Trung Quốc. Trong nhiều lĩnh vực, văn hóa phân biệt giới tính và lạm dụng vẫn còn ăn sâu vào tư tưởng dù Trung Quốc đã ban hành luật chống quấy rối nơi làm việc.
Tong Lao, người sáng lập của Girls, Don't Be Scared - một trang mạng xã hội tập trung vào vấn đề an toàn, quyền giáo dục giới tính cho phụ nữ với hơn 5 triệu người theo dõi ở Trung Quốc - cho biết dù mại dâm là hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc, tình dục vẫn được dùng như một loại giao dịch, thậm chí được coi là một loại tài nguyên.
Những nền tảng việc làm của Trung Quốc như Boss Zhipin cũng trở thành tay nối dài cho việc lạm dụng này. Nhiều công ty sử dụng các nền tảng để "săn mồi", quấy rối tình dục lao động nữ, thuê phụ nữ trẻ để ngủ với quản lý hoặc khách hàng, hoặc thuê phụ nữ với cái mác là người mẫu hoặc vũ công nhưng thực tế họ sẽ phải làm công việc liên quan tình dục.
Trong nhiều trường hợp, các nhà tuyển dụng sử dụng cách nói uyển chuyển để các ứng viên nữ biết rõ bản chất công việc mà họ đang tuyển dụng.
Ling Dang, người dùng Boss Zhipin đến từ Phúc Kiến, cho biết cô đã nhận được một tin nhắn từ nhà tuyển dụng, người này liên tục hỏi cô: "Cô có ăn kem không?".
Chỉ khi Ling lên mạng tìm thử, cô mới hiểu "ăn kem" chứa đựng hàm ý tình dục.
Các nhà tuyển dụng cũng nêu những gợi ý như ứng viên bắt buộc phải mang tất lưới màu đen, hỏi ứng viên có "hướng ngoại" không hoặc nói rằng họ sẵn sàng tự đào tạo và phát triển ứng viên.
"Nhiều phụ nữ kể với tôi về các bài đăng tuyển người mẫu trên các nền tảng tuyển dụng. Những bài đăng này trông có vẻ như họ đang tìm người mẫu, nhưng thực tế là sau khi phỏng vấn, ứng viên mới biết họ đã ứng tuyển cho công việc mại dâm", Tong thông tin.
Tong cũng đề cập đến huachang, một kiểu hộp đêm tuyển dụng vũ công nữ. Thực tế, những nơi như vậy không khác gì nhà thổ. Khách đến đây có thể trả tiền để các vũ công bồi rượu, trò chuyện, hay thậm chí là đi khách sạn.
Ban đầu, những người ứng tuyển vào huachang sẽ được đào tạo khiêu vũ và catwalk. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, quản lý sẽ gây áp lực, bắt ép họ phải bán dâm để kiếm tiền.
Xiao Yu là một nạn nhân của kiểu tuyển dụng "treo đầu dê bán thịt chó này". Cô được một nhà tuyển dụng ở Hồ Nam tiếp cận và nói rằng câu lạc bộ đang tuyển dụng nhân viên nữ.
Xiao cho biết bài đăng tuyển dụng rất bình thường, không có điểm đáng ngờ. Nhưng khi cô được người tuyển dụng kết bạn trên WeChat, người này bắt đầu nói với Xiao rằng cô có thể tìm được một người bạn trai giàu có khi làm việc ở đó.
Người tuyển dụng đã gây áp lực, buộc Xiao phải đến quán bar làm việc. Dù người kia không nói rõ về nhiệm vụ công việc, Xiao cảm thấy công việc có vẻ nguy hiểm nên đã từ chối.
Sau đó, Xiao Yu kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội, một số người dùng khác - cũng được nhà tuyển dụng này tiếp cận - xác nhận câu lạc bộ mà Xiao vừa đề cập là một huachang.
Nạn nhân chưa được bảo vệ
Phụ nữ Trung Quốc không có nhiều công cụ để tự bảo vệ bản thân khỏi những tình huống như trên. Việc báo cáo sự cố thông qua các kênh nội bộ của công ty hoặc luật pháp thường không mang lại hiệu quả.
Năm 2005, Trung Quốc ban hành luật cấm quấy rối tình dục và bổ sung một điều khoản mới vào Bộ luật Dân sự, buộc người sử dụng lao động phải hành động để ngăn chặn hành vi quấy rối tại nơi làm việc kể từ năm 2020.
Những điều luật này có mục đích tốt nhưng thường không hiệu quả khi áp dụng vào thực tế và vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Aaron Halegua, một luật sư chuyên về luật lao động của Trung Quốc, cho biết những luật này yêu cầu người sử dụng lao động phải ngăn chặn và chấm dứt quấy rối tình dục, nhưng luật lại không quy định người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không thực hiện.
Nhiều năm gần đây, Trung Quốc ghi nhận hàng loạt vụ án lạm dụng tình dục, nạn nhân vẫn chưa tìm được công lý bảo vệ bản thân.
Zhou Xiaoxuan, một nạn nhân bị MC nổi tiếng Zhu Jun quấy rối tình dục, đã thua kiện vì tòa lấy lý do là "thiếu bằng chứng".
Năm 2021, một nhân viên của Alibaba tố cáo sếp tấn công tình dục cô trong chuyến công tác. Kẻ bị tố cáo bị công ty sa thải sau khi cảnh sát bắt giữ vì hành vi cưỡng bức. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Alibaba cũng sa thải người tố cáo và nói rằng cô đã lan truyền thông tin sai lệch và làm tổn hại danh tiếng công ty.
Phụ nữ Trung Quốc tìm cách lên tiếng, tố cáo người quấy rối. Ảnh minh họa: Entrepreneur. |
Tìm cách lên tiếng trên mạng
Vì không được bảo vệ, nhiều phụ nữ Trung Quốc tìm cách tố cáo vụ việc lên mạng xã hội. Dù việc đăng đàn tố cáo lên mạng không giúp họ tìm được công lý, họ vẫn có thể vạch trần những kẻ quấy rối, đồng thời cảnh báo phụ nữ về những công ty "săn mồi" và gây áp lực, buộc những nền tảng việc làm như Boss Zhipin phải hành động.
Tuy nhiên, những chiến dịch này lại không đạt hiệu quả cao. Các bài đăng có nội dung nêu rõ về nữ quyền thường bị xóa với lý do "kích động phe phái về giới tính".
Do đó, các cá nhân bắt đầu chuyển hướng, đăng bài tố cáo bằng cách sử dụng những hashtag ẩn ý như "bài tuyển dụng công việc kỳ lạ", "HR kỳ lạ". Đồng thời, những người tham gia chiến dịch phản ánh trực tiếp lên Boss Zhipin, yêu cầu nền tảng này phải xóa tài khoản của những kẻ lạm dụng.
Chiến dịch bắt đầu mang lại hiệu quả rõ ràng. Tháng 8/2022, một người dùng Weibo tố cáo một nhà tuyển dụng ở Quảng Châu đang sử dụng Boss Zhipin để thuê phụ nữ trẻ hành nghề mại dâm. Bài đăng này bắt đầu lan truyền trên Weibo và thu hút 10 triệu lượt xem.
Vài tuần sau, Boss Zhipin thông báo nền tảng đã đưa 200.000 công ty vào danh sách đen. Những công ty này bị tố cáo quấy rối tình dục phụ nữ, đăng tải những bài viết, hình ảnh khiêu dâm hoặc có hành vi quấy rối khác.
Nền tảng cũng đang xem xét các khiếu nại của người dùng. Ví dụ, Ling Dang tố cáo với Boss Zhipin việc cô được hỏi có "ăn kem" không. Ngay lập tức, tài khoản của công ty này bị khóa. Xiao Yu cũng thành công trong việc đưa nhà tuyển dụng huachang vào danh sách đen của Boss Zhipin.