Cô gái Trung Quốc tố cáo cô đã bị lừa để nhận việc tại một công ty phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: SCPM. |
Theo SCMP, cô gái họ Chen đã nhận lời làm nhân viên lễ tân của một công ty, song, lúc phỏng vấn họ đã đặt câu hỏi về sở thích của cô đối với phẫu thuật thẩm mỹ.
Ban đầu, Chen nghĩ điều này là chuyện bình thường vì “đó là một công ty phẫu thuật thẩm mỹ, những câu hỏi đó có vẻ không có gì lạ”.
Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng lao động, hai đồng nghiệp của cô ở công ty này liên tục gây áp lực, buộc Chen phải phẫu thuật thẩm mỹ. Họ hứa hẹn điều này sẽ thúc đẩy triển vọng nghề nghiệp của cô.
Mặc dù Chen cố phản bác bằng nhiều lý do như chưa tốt nghiệp đại học và không đủ khả năng phẫu thuật thẩm mỹ. Khi Chen giải thích tài chính của mình rất eo hẹp, các đồng nghiệp vẫn tiếp tục gây áp lực buộc cô phải vay tiền theo hình thức trả góp.
Cuối cùng, Chen bị thuyết phục đi tư vấn tại một phòng khám khác. Cô vay 25.000 nhân dân tệ (tương đương 3.500 USD) để sửa mũi và cô sẽ phải trả trong hai năm tới.
“Mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến tôi thậm chí không có cơ hội từ chối”, cô gái tiếc nuối nhớ lại.
Điều bất ngờ là sau khi hồi phục và trở lại công việc, thái độ của mọi người đối với cô thay đổi, kể cả người sếp. Công việc của cô cũng được chuyển từ lễ tân sang tư vấn. Cô liên tục bị đồng nghiệp chỉ trích vì kém chuyên môn.
Họ nói rằng tôi đã phá hoại các khách hàng tiềm năng và cho rằng tôi đang khiến họ mất tiền, cô nói thêm.
Đến thời điểm này, Chen mới nhận ra lời mời làm việc của cô có thể là một cái bẫy.
“Công ty không cần nhân viên lễ tân và tôi cho rằng lời mời làm việc chỉ là mồi nhử để dụ tôi vay tiền để phẫu thuật. Sau khi điều trị, họ bắt đầu tìm lý do để sa thải tôi”, cô nói.
Đến ngày 10/12, Chen thôi việc. Lúc này, cô lại càng bàng hoàng hơn khi hợp đồng đã ký có nhiều điều khoản khác biệt. Mức lương thực tế của cô chỉ là 3.000 Nhân dân tệ (420 USD), chứ không phải 4.100 nhân dân tệ như đã hứa ban đầu. Trong 6 ngày làm việc, cô chỉ được trả 690 Nhân dân tệ.
“Tôi muốn bắt đầu đi làm khi còn trẻ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình, nhưng thay vào đó, cuối cùng tôi lại phải gánh khoản nợ hàng chục nghìn nhân dân tệ. Cách duy nhất là kiếm tiền và trả dần dần”, Chen nói với hãng truyền thông địa phương Fengmian News.
Câu chuyện của cô gây được tiếng vang lớn, khiến cộng đồng mạng bức xúc.
Một người dùng trên mạng bình luận: “Đây không phải là tuyển dụng nhân viên; nó đang thu hút khách hàng”.
Người khác nói: “Các công ty lừa dối sinh viên cuối cùng sẽ sụp đổ. Họ không có lương tâm!”
“Những công ty như thế này cần được điều tra kỹ lưỡng. Chúng làm hại mọi người, đặc biệt là những người mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm. Doanh nghiệp không nên lợi dụng sự hồn nhiên của sinh viên”, từ ý kiến trên mạng.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.