Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi thi đại học với 200.000 đồng

Ngày Nguyễn Thị Hồng Ngân, lớp 12 A Trường THPT Lê Anh Xuân, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre đi thi đại học, thương trò nghèo thầy cô đã quyên góp được 1,2 triệu đồng cho em làm lộ phí.

Mấy ngày nay các thầy cô đều vui khi hay tin em trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường đại học Tài nguyên - môi trường TP.HCM.

Ăn cơm từ thiện đi thi

Nhà Ngân ở sâu trong vườn, ấp Thanh Sơn 1, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc. Trời mưa, triều cường nước ngập. Con đường nhỏ xíu lầy lội đó là con đường 12 năm qua Ngân xắn quần, bấm chân đi học.

Nhưng 12 năm cắp sách đến trường, Ngân không chỉ vất vả bởi đường đi mà là cảnh nhà nghèo khó thiếu thốn đủ bề.

Ngày Ngân sắp đến kỳ thi, mẹ Ngân phát bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy cơ không thể đi đứng được nữa. Gia đình phải chạy vay 30 triệu đồng chi phí phẫu thuật cho mẹ. Thầy cô hay tin và biết Ngân có nguy cơ bỏ lỡ kỳ thi đã quyên góp cho Ngân đến trường thi.

Ngày lên đường đi thi, Ngân được tỉnh đoàn hỗ trợ chuyến xe tiếp sức đến trường nên chỉ mang theo 200.000 đồng. Bốn ngày đi thi ở TP.HCM, Ngân chi tiêu tiện tặn: ăn sáng ổ bánh mì 10.000 đồng, trưa và chiều nhận cơm chay của nhà từ thiện, nước uống được các đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tặng mỗi ngày. Chi tiêu tiện tặn, suốt bốn ngày ở TP.HCM thi đại học, Ngân còn hơn 80.000 đồng mang về nhà.

Trong những ngày chờ nhập học, Ngân cùng mẹ và em trai làm thuê. Buổi sáng nhận cắt chỉ giày cho xưởng may giày gần nhà. Chiều và đêm làm công cho xưởng sơ chế dừa trong xóm. Tất bật công việc làm thuê như vậy, mỗi ngày Ngân kiếm được 30.000 đồng. Nhưng ở Bến Tre mùa này dừa treo nên việc làm công cho cơ sở sơ chế dừa cũng không được thường xuyên, còn việc cắt chỉ giày mỗi buổi cả nhà có được tiền công khoảng 12.000 đồng. Số tiền này dành mua gạo cho ba thành viên của gia đình.

Gia đình Ngân thuộc diện hộ nghèo, ở trên mảnh đất chỉ vỏn vẹn cái nền nhà. Căn nhà này cách đây ba năm là nhà lá lụp xụp xiêu vẹo, nay là căn nhà tình thương của chương trình 167. Có được nhà tình thương là niềm vui của gia đình nhưng cái ăn, cái mặc, việc học hành vẫn là nỗi lo không dứt.

Đảm đang từ nhỏ

Hồng Ngân làm thuê cho cơ sở sơ chế dừa kiếm tiền nhập học.

Cha của Ngân lúc sinh thời làm nghề thợ lặn vớt phế liệu dưới đáy sông Bến Tre, chẳng may vớt phải trái nổ và mất lúc Hồng Ngân 8 tuổi. Từ khi cha mất mẹ trở thành lao động chính trong gia đình,vừa làm mẹ vừa làm cha. Bà làm thuê nhiều việc để nuôi con ăn học từ sáng sớm đến tối mịt. Vất vả như vậy nhưng thu nhập hằng tháng không hơn 1,5 triệu đồng. Cuộc mưu sinh đã oằn nặng trên đôi vai người mẹ nên bà sinh nhiều bệnh tật.

Thương mẹ vất vả, từ năm lớp 8, sau giờ học Hồng Ngân đảm đương hết việc nhà, sau đó đến xưởng giày phụ mẹ làm tạp vụ, mỗi buổi chủ trả 5.000 đồng. Thấy gia đình nghèo, chủ cho Ngân nhận giày về nhà cắt chỉ và dán nhãn, mỗi đêm Ngân hoàn thành được hai bao, tiền công 12.000 đồng phụ giúp mẹ. Ở quê nghèo này còn nhiều gia đình thiếu việc làm, việc nhận giày về nhà, cắt chỉ, dán nhãn phải xếp hàng mới có.

Nhà nghèo, suốt 12 năm đến trường Hồng Ngân chưa được một lần mặc đồng phục mới. Áo quần Ngân mặc là của bà con lối xóm thương cho về sửa lại. Mẹ Ngân - bà Lê Thị Ngọc Dung nói trong nghẹn ngào nước mắt: “Con của người giàu có sáng đi học ăn bánh, hủ tiếu, còn con mình chưa được một lần ăn quán, không biết tô hủ tiếu, tô phở ra sao. Có hôm nhìn con đi học về, bánh xe đạp xẹp lép, không có tiền vá, dắt bộ về nhà mà mẹ ứa nước mắt”.

Hồng Ngân thi đậu là niềm vui lớn của gia đình nhưng bên cạnh là nỗi lo không nhỏ. Nhà nghèo, lo cái ăn cái mặc còn quá vất vả, mẹ Ngân đã có lần nghĩ đến cho Hồng Ngân học tốt nghiệp lớp 12 rồi thôi. Bà định giữ con gái lớn ở nhà đi làm thuê phụ mẹ nuôi em trai ăn học. Nhưng nay Hồng Ngân thi đậu đại học, con đang vui với tương lai rộng mở, bắt con nghỉ học thì lòng mẹ không đành.

Còn với Ngân, trong những ngày này, lên TP.HCM đi học là nỗi lo tiền bạc, việc làm thêm chưa có lời giải cứ đeo đẳng bên mình.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm