Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi thuyền ra bãi giữa sông Hồng tặng gạo cho người khó khăn

Không chỉ hỗ trợ những người lao động khó khăn trên bờ, chị Nghiêm Thị Thanh (Hà Nội) còn tìm hiểu, giúp đỡ những hộ dân sống lênh đênh trên thuyền dọc hai bờ sông Hồng.

Ngày 14/8, cùng bạn chở theo hàng tạ nhu yếu phẩm, chủ yếu là gạo, nước mắm, rau củ, đồ ăn khô, chị Nghiêm Thị Thanh (sinh năm 1987, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) di chuyển đến khu vực gần bãi giữa sông Hồng.

Chuyển hết đồ xuống một chiếc thuyền nhỏ, chị nhờ người chèo, cẩn thận tiếp cận những hộ dân sống trên thuyền gần đó.

"Các cụ ơi, con mời các cụ nhận quà ạ. Hôm nay có quà của các mạnh thường quân gửi tặng mọi người ạ, chúc các cụ nhiều sức khỏe nhé", vừa nói, chị Thanh vừa nhanh tay đưa các túi thực phẩm cho bà cụ trên thuyền.

Cứ như vậy, di chuyển thêm một lúc, chị và nhóm hoàn thành trao 13 suất quà cho các hộ khó khăn sống trên thuyền ở khu vực này, phần lớn là người già, neo đơn. Trước đó, với khoảng 10 hộ khác sống sát bờ, chị cũng đã tặng các phần nhu yếu phẩm tương tự.

"Vì sống ở gần khu vực này, tôi biết có nhiều người sống trên các con thuyền hay căn nhà lụp xụp ven sông Hồng. Thường ngày, họ kiếm sống bằng việc đánh bắt tôm cá, đem lên bờ bán rồi mua thực phẩm. Thời gian này, cuộc sống vốn khó khăn của họ lại càng chật vật", chị Thanh nói với Zing.

Vì vậy, khi tiến hành chương trình phát nhu yếu phẩm hỗ trợ người nghèo, chị nhanh chóng tìm hiểu, tiếp cận rồi tự mình trao cho nhóm người này.

Trao quà tận tay người cần

Trao tặng nhu yếu phẩm cho các hộ dân sống ven sông Hồng chỉ là một phần trong chương trình thiện nguyện bắt đầu từ ngày 31/7 của chị Nghiêm Thị Thanh.

Cụ thể, khi phường Chương Dương phải thực hiện phong tỏa do có ca mắc Covid-19, chị Thanh nhận thấy khu vực nơi mình sinh sống có nhiều lao động nghèo, ngoại tỉnh, chủ yếu làm công việc tay chân như bốc vác, nhặt phế liệu, bán hoa quả rong. Khi thực hiện giãn cách, phong tỏa, họ mất nguồn thu nhập, tiền dành dụm hầu như không có để xoay xở.

Vì vậy, chị bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, nhận nhu yếu phẩm rồi đem chia vào các túi, mỗi túi khoảng 10 kg rồi phát cho những người cần.

Thời gian đầu, chỉ có một mình chị Thanh trực tiếp nhận đồ, vận chuyển đem phát. Sau đó, một số người bạn, nhóm thương binh trong phường và thậm chí người từng nhận đồ tặng của chị bắt đầu góp sức hỗ trợ.

Hàng ngày, sau khi nhận thực phẩm quyên góp, chị Thanh lên danh sách, dự tính số người sẽ được quà rồi đi tặng. Bên cạnh rau củ, gạo, mắm, muối, đồ khô, những hôm nhận được các suất xôi nóng hổi hay bánh mì, chị xuất phát sớm hơn để kịp đưa cho mọi người ăn sáng.

Ngoài nhu yếu phẩm tặng người khó khăn, mỗi buổi, hàng trăm chai nước ép hoa quả cũng được chị giúp mạnh thường quân gửi đến thành viên các chốt trực trên địa bàn.

Buổi chiều, công việc sẽ hoàn tất vào khoảng 17h30. Đến tối, chị đều thống kê, ghi lại hoạt động trong ngày rồi báo cáo lại với lãnh đạo phường.

"Có những ngày, tôi tự tay phát khoảng 300 suất quà cho mọi người, mỗi suất 10 kg, ngõ nào phải phong tỏa chặt thì gửi lại đầu ngõ để mọi người tự ra lấy. Dù vất vả, song việc này giúp tôi nhớ kỹ hơn những khu vực đã phát, không bỏ sót hay tặng nhầm".

tang qua cho nguoi dan xom chai Ha Noi anh 6

Chị Thanh luôn nỗ lực hết sức để chuyển các phần quà nhà hảo tâm quyên góp đến tay người cần.

Sinh sống tại phường Chương Dương 14 năm nay, vì tính chất công việc bận rộn, chị Thanh không có nhiều cơ hội giao du, tiếp xúc với nhiều người dân khu vực này trừ một số hộ sát nhà. Bởi vậy, người phụ nữ sinh năm 1987 rất bất ngờ khi phát hiện cách nơi cô sống đôi lúc chỉ khoảng 500 m, có những mảnh đời khó khăn đến như vậy.

"Có trường hợp 3 đứa trẻ sống với người bác ở phố Bạch Đằng, bố mẹ đi làm ăn xa. Trong con ngõ nhỏ, nơi ở của 3 anh em trên căn gác xép nhỏ tối tăm, ẩm thấp và chật hẹp. Thực sự tôi thấy rất thương".

Vốn không phải người chuyên làm thiện nguyện, cứu trợ, chị Thanh chia sẻ bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm song luôn tâm niệm sẽ làm hết sức mình để phần nào giúp được người cần kíp.

Có lúc, gặp trường hợp khó khăn quá, lại đúng lúc đã phát hết quà, chị xúc gạo, lấy bó rau nhà vừa được tặng đem luôn cho người đó.

Đối với chị Thanh, hoạt động thiện nguyện này không thể được triển khai nếu không có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân như chị Hoài Nguyễn và bạn bè, Hải Uyên (nhóm Cho Là Nhận) hay những gói xôi của anh Phạm Duy Cường. Ngoài ra, các bạn trong tổ cung ứng, các chú thương binh lái xe ba gác cũng là những thành viên hỗ trợ chị rất nhiều trong việc vận chuyển, đưa đồ đến tay người dân.

"Nhà tôi có 8 thành viên cùng sinh sống, trong đó có cả em đâu đang mang thai, bố mẹ già và trẻ nhỏ. Lúc mới bắt đầu hoạt động này, tôi cũng lo, sợ có thể đem virus về gây ảnh hưởng gia đình. Sau đó, tôi may mắn được mọi người ủng hộ, động viên. Tôi rất biết ơn vì sức khỏe vẫn tốt và luôn chú trọng việc mặc đồ bảo hộ an toàn".

Tính đến 15/8, chị Thanh đã phát được khoảng 1.300 suất quà cho các hộ dân khó khăn trong khu vực phong tỏa. Thời gian tới, nếu tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân và điều kiện di chuyển cho phép, chị vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trao những cân gạo, bó rau đến người nghèo.

Ông chủ, giám đốc thành tài xế, bốc dỡ đồ cứu trợ Hà Nội ngày dịch

Hoạt động thiện nguyện nhiều năm, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên nhóm Đại đoàn kết biết mình không thể đứng ngoài công tác hỗ trợ chống dịch.

Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm