Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi tiểu hằng trăm lần mỗi ngày, kiệt quệ vì bệnh lạ

Đã từng thức trắng 2 đêm liền vì căn bệnh “mót tiểu”, anh Nguyễn Đức Thiện trú tại Hoàng Mai, Hà Nội khốn khổ vì không tìm ra bệnh lạ.

Mất ngủ vì chứng đi tiểu liên tục

Trên tay cầm cả chồng hồ sơ khám bệnh ở hầu hết tất cả các bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng như những chẩn đoán của nhiều bác sĩ nổi tiếng nhưng anh Thiện vẫn không biết được bệnh của mình.

Anh Thiện kể cách đây hai năm, anh bị chứng tiểu đêm nhiều lần. Ban đầu chỉ 3, 4 lần rồi số thời gian đi tiểu nhiều lên, có khi lên đến vài chục lần. Đi tiểu nhiều khiến anh mắt ngủ, khủng hoảng tột độ. 

Anh Thiện đi khám ở nhiều nơi. Có nơi bác sĩ chẩn đoán viêm đường tiết niệu kê thuốc kháng sinh về uống nhưng cũng không ăn thua. Lại có bệnh viện khẳng định không viêm nhiễm. 

Những chẩn đoán bác sĩ kê cho anh Thiện.

Những chẩn đoán bác sĩ kê cho anh Thiện.

“Tôi khám ở bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán viêm tiết niệu và kê kháng sinh uống. Tôi nhớ có cả thuốc ngủ nhưng không ăn thua, bệnh cứ tăng dần lên, sức khỏe ngày càng suy giảm. Tôi đến bệnh viện lớn thứ ba để khám nhưng mọi xét nghiệm đều chẩn đoán bình thường.

Khám nhiều nơi không ra bệnh, vợ chồng anh Thiện hoang mang “Tôi đi khám khắp nơi. Nơi bảo viêm, nơi bảo không viêm. Uống thuốc chống viêm mãi không khỏi. 

Tôi suy sụp vô cùng vì không thể ngủ nổi, thậm chí tôi không đi làm vì suốt ngày chỉ muốn đi tiểu. Vợ tôi được một người mách giống bệnh của chồng cô ấy là do stress nên sinh ra đi tiểu nhiều. 

Tôi nghĩ có khi mình bị thế thật và đi khám bác sĩ tâm thần. Vị bác sĩ tâm thần không cần chẩn đoán gì, ông ấy ghi đơn luôn cho tôi. Toa thuốc mua hết hơn 1 triệu đồng nhưng thực sự là tấm bi kịch. Tôi uống thuốc bị tác dụng của thuốc thần kinh khiến chân tay đờ đẫn, ánh mắt vô hồn. Thấy tác dụng phụ ghê gớm quá, tôi sợ hãi bỏ thuốc trị trầm cảm mà bác sĩ đó ghi”.

Trong chặng đường đi tìm bệnh tật của mình, có nhiều lần anh Thiện cảm thấy bất lực và mất niềm tin vào bác sĩ. Anh kể mình khám ở bệnh viện Việt Đức, bác sĩ đầu cho bệnh nhân đi chụp UIV nhưng khi tôi mang kết quả về thì vị bác sĩ đó có việc ra ngoài. Một bác sĩ khác tiếp nhận bệnh nhân, ông không đọc kết quả, nghe bệnh nhân kể qua tình hình và kê đơn thuốc luôn. 

Đơn thuốc khác.

Đơn thuốc khác.

Khi nhận đơn thuốc, anh Thiện nhớ rõ cảm giác “Tôi định không mua thuốc mà ra về vì thấy bác sĩ chỉ kê mà không xem kết quả chụp. Nhưng ra đến cổng bệnh viện, tôi quay lại nhà thuốc mua vì hi vọng bác sĩ của bệnh viện có một đơn thuốc tốt. Nhưng kết quả vẫn ở tình trạng cũ, thậm chí nặng hơn, tôi đi tiểu cả trăm lần/ngày”.

Uống thuốc lao 9 tháng bệnh càng nặng

Anh Thiện lại đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an khám và lấy thuốc đông y về uống. Tháng này qua tháng khác, bệnh không đỡ. Hành trình khám chữa bệnh của anh có lúc tưởng chừng như sụp đổ vì không ở đâu tìm ra bệnh. Tại Bệnh viện Hữu Nghị, anh Thiện được chụp CT, kiểm tra bàng quang, cấy nước tiểu nhưng kết luận vẫn bình thường, không có gì bất thường. 

Khi đứng bên bờ vực thẳm của căn bệnh “buồn đi tiểu”, anh Thiện tìm đến vị giáo sư chuyên về tiết niệu nổi tiếng. Ông kết luận anh bị lao bàng quang và khuyên anh nên uống thuốc kiên trì. Anh Thiện về nhà tìm mọi thông tin về chứng lao bàng quang và lần đầu tiên trong hành trình chữa bệnh anh nhận được một chẩn đoán theo anh là thuyết phục. 

Anh kiên trì uống thuốc lao. Hai tháng, 3 tháng, 4 rồi 6 tháng bệnh không tiến triển mà tần suất đi vệ sinh tăng lên nhiều hơn trước. Kết quả tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương kiểm tra lại âm tính với lao. Điều đó khiến anh Thiện như đứng bơ vơ giữa các chẩn đoán khác nhau. Anh không thể biết rõ ràng mình bị bệnh gì. 

Anh bảo “Không biết bệnh gì nhưng lại đang có bệnh khiến tôi suy sụp và khủng hoảng, không thể có một giấc ngủ, công việc gác lại và tìm kiếm thông tin về chứng bệnh lạ. Có lúc, tôi đã bảo vợ hay là đi nước ngoài chữa bệnh chứ anh không chịu được nữa rồi”.

Đến cuối tháng 11/2014, anh Thiện quyết định đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị sau khi anh đọc được bài viết về bệnh hẹp niệu đạo của bác sĩ Nguyễn Đình Liên khoa ngoại. Anh Thiện tìm đến phòng khám mang theo cả một xấp hồ sơ khám bệnh của gần 10 nơi anh đã khám và các loại đơn thuốc bác sĩ đã kê. Tại bệnh viện Đại học Y, bác sĩ đã thông tiểu và nội soi bàng quang. Kết quả chẩn đoán anh bị viêm bàng quang.

“Nhìn trên hình ảnh, tôi còn thấy rõ các ổ viêm bàng quang của mình. Tôi thấy chắc chắn bệnh của mình và tôi tin rằng tôi chỉ bị viêm bàng quang và hẹp niệu đạo như bác sĩ chẩn đoán. Khi thông tiểu, tôi đau buốt đến tận óc và phải nằm ở phòng thủ thuật cả tiếng đồng hồ”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên người trực tiếp điều trị của anh Thiện cho biết anh bị hẹp niệu đạo và viêm bàng quang nên bác sĩ đã nong niệu đạo, đặt xông niệu đạo, mở thông bàng quang. 

Ngoài ra, bác sĩ cho anh Thiện sử dụng kháng sinh trị viêm và yêu cầu bệnh nhân tập nhịn tiểu. Bệnh nhân đã kiểm soát được số lần đi tiểu và tình hình bệnh tiến triển nhanh chóng. 

Anh Thiện sẽ được bác sĩ theo dõi thêm. Về phía bệnh nhân sức khỏe hồi phục hơn rất nhiều. Bệnh nhân có thể ngủ được và tâm lý thoải mái vì không còn bị những cơn buồn tiểu chi phối.

http://infonet.vn/di-tieu-hang-tram-lan-moi-ngay-nguoi-dan-ong-kiet-que-vi-benh-la-post154096.info

Theo Khánh Ngọc/ Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm