Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đi tìm việc nhưng bị hỏi ‘bố mẹ làm gì’, ‘thích hóng drama không’

Bị nhà tuyển dụng hỏi những câu quá riêng tư, Ngọc Phấn không thoải mái nhưng vẫn cố lịch sự trả lời, còn Ngọc Ánh thẳng thừng chất vấn mục đích của họ khi khai thác thông tin đó.

Từ khi đi làm, Ngọc Ánh (25 tuổi), nhân viên marketing tại TP.HCM, có nhiều trải nghiệm đi phỏng vấn tìm việc.

“Tôi từng nhận vài câu hỏi khá kỳ cục”, cô kể.

Ánh lấy ví dụ cô từng nhận được câu hỏi không liên quan đến chuyên môn như: “Bố mẹ em làm nghề gì? Thu nhập được bao nhiêu?”, “Em có người yêu chưa? Chưa có thì tính khi nào cưới?”, “Nếu lấy chồng, em thích mẫu đàn ông như thế nào?”.

Phong van tuyen dung anh 1

Ngọc Ánh từng gặp nhiều câu hỏi có phần soi mói đời tư từ người phỏng vấn tuyển dụng.

Thậm chí, có nhiều câu khiến Ánh bối rối vì không biết trả lời ra sao: “Nếu trưởng phòng và giám đốc bất đồng quan điểm, em sẽ chọn đứng về phía ai?”, “Nếu sếp muốn em nghe ngóng tình hình trong nhóm đang xảy ra xung đột gì, em có sẵn sàng làm những việc như đọc trộm tin nhắn đồng nghiệp không?”.

Hay “Em là người gốc miền Trung, việc nói tiếng địa phương có cản trở cho sự nghiệp của em không?”, “Em có thích ‘hóng’ drama không?”.

Trải nghiệm của Ánh không phải là cá biệt.

Nhiều người tìm việc cho biết khi đi phỏng vấn, những câu hỏi khiến họ không thoải mái thường đào khoét quá sâu về đời tư thay vì liên quan đến chuyên môn công việc đang ứng tuyển.

Nhiều câu hỏi đời tư

Cuối tháng 2, khi còn học môn cuối cùng trước khi tốt nghiệp, Ngọc Phấn (22 tuổi, hiện làm phụ tá tại nha khoa tại TP.HCM) đã đi tuyển dụng vị trí content marketing (tiếp thị nội dung) của một công ty ở quận Tân Phú.

Trước buổi hẹn phỏng vấn, Phấn tìm hiểu khá kỹ về công ty và kiến thức marketing vì không phải dân chuyên ngành. Tuy nhiên, cô bất ngờ khi HR không hỏi câu nào về chuyên môn, mà tập trung khai thác chuyện cá nhân.

Cụ thể, Phấn được hỏi: “Nhà em chắc dạng có điều kiện rồi nhỉ?”, “Em có bạn trai chưa? Bạn trai em bao nhiêu tuổi? Học chung với em hay sống chung? Quê cùng nhau hả? Khi nào kết hôn?”.

Phong van tuyen dung anh 2

Ngọc Phấn bị hỏi nhiều thông tin về đời tư ngay lần đầu đi phỏng vấn tìm việc.

“Lúc đầu, tôi thấy khá bình thường. Sau đó, HR ngày càng đào sâu vào đời tư của tôi. Tôi khá bối rối khi lần đầu đi phỏng vấn mà gặp trường hợp như vậy. Tôi hơi khó chịu vì câu hỏi có phần tò mò và soi mói, nhưng với tinh thần là người đi tìm việc, tôi vẫn cố trả lời lịch sự”, cô kể.

Gần cuối buổi phỏng vấn, Phấn nhận thêm các câu hỏi từ HR như: “Em có vốn riêng không? Bao nhiêu? Em có vốn đó từ đâu?”.

Trong khi đó, lúc Phấn hỏi lại vài câu về công việc, nhiệm vụ, người phỏng vấn lại tỏ ra mất kiên nhẫn và không có thiện chí trả lời. Điều này khiến cô khá khó hiểu.

Trao đổi với Zing, chị Trần Ngọc Thảo, nhà sáng lập cộng đồng HR Talks, Giám đốc tuyển dụng tại một tập đoàn ở Hà Nội, nhận định việc ứng viên gặp những câu hỏi riêng tư của nhà tuyển dụng không hề hiếm.

Theo chị, có 2 luồng ý kiến về điều này. Đầu tiên, lý giải của người đặt câu hỏi là “muốn tìm hiểu thêm về ứng viên để có cơ sở đưa ra quyết định có chọn họ hay không”.

Chị Ngọc Thảo nhận định việc nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về đời sống cá nhân của ứng viên là khá phổ biến.

Một lý giải khác cho rằng “có những vị trí nhạy cảm như trợ lý, thư ký hoặc đòi hỏi làm ca đêm, nếu ứng viên chưa có người yêu hay chồng/vợ sẽ đỡ phiền phức, cản trở công việc,…”.

Thực tế, ở một số nước, nếu nhà tuyển dụng hỏi những câu về đời sống cá nhân khi phỏng vấn, ứng viên có quyền khởi kiện vì xâm phạm quyền riêng tư.

Do đó, nhà sáng lập cộng đồng HR Talks cho rằng nhà tuyển dụng nên tập trung vào khai thác kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu ứng viên từng đạt được để tìm ra người phù hợp với yêu cầu công việc.

Có quyền từ chối

Theo chị Ngọc Thảo, trong trường hợp gặp câu hỏi không liên quan chuyên môn hoặc soi mói đời tư từ nhà tuyển dụng, việc ứng viên không thoải mái là điều dễ hiểu. Họ sẽ từ chối hoặc trả lời cho qua.

Điều này sẽ làm giảm sự hứng thú của ứng viên vào buổi phỏng vấn. Một số khác có thể cho rằng người phỏng vấn không chuyên nghiệp hoặc yêu cầu dừng phỏng vấn.

“Nhiều người phỏng vấn lý giải cho trường hợp đặt những câu hỏi này là ‘stress interview’ (phỏng vấn áp lực). Tuy nhiên, đây là điều hiểu sai. Phỏng vấn áp lực là loại phỏng vấn mà người phỏng vấn tạo ra tình huống mà khi ấy, ứng viên dựa vào tình huống đó để xử lý công việc, mối quan hệ để đưa ra kết quả theo ứng viên là phù hợp”, chị lưu ý.

Phong van tuyen dung anh 3

Diễm Phúc cho rằng sự chuyên nghiệp của người phỏng vấn sẽ tạo ấn tượng và trải nghiệm tốt cho ứng viên.

Trước đây, khi đi tìm việc, Diễm Phúc, hiện là HR tại công ty xuất nhập khẩu ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), từng lập tức hủy ứng tuyển khi gặp câu hỏi kém duyên từ người phỏng vấn tuyển dụng.

Quan điểm của cô là phản hồi một cách lịch sự, nhưng cương quyết trong những trường hợp như vậy.

Về phía nhà tuyển dụng, Phúc cho rằng nên có sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn chuyên nghiệp để tạo trải nghiệm thoải mái cho ứng viên.

Như tại công ty của Phúc, các buổi họp nội bộ nhằm nâng cao chất lượng phỏng vấn khi tuyển dụng ứng viên được tổ chức đều đặn một tuần hoặc một tháng một lần.

“Bất cứ khi nào phòng tuyển dụng đi phỏng vấn cùng ban chuyên môn, nếu phát hiện bất kể dạng câu hỏi nào chưa được khéo léo, công ty sẽ lập tức họp và đưa ra phương án giải quyết. Chúng tôi còn liệt kê những dạng câu hỏi không nên đặt ra cho ứng viên”, cô cho biết.

Ngoài ra, để nâng cao trải nghiệm của ứng viên khi tìm tới, công ty Phúc luôn có quy trình tuyển dụng rõ ràng và chuyên nghiệp, từ khâu tư vấn online, sơ vấn điện thoại, gửi email mời phỏng vấn, đón phỏng vấn trực tiếp tại công ty (gọi hỗ trợ chỉ đường, mời nước và đồ ăn nhẹ như kẹo, trò chuyện với ứng viên trước giờ phỏng vấn để giảm căng thẳng,...), gửi email thông báo kết quả và đón ứng viên tới nhận việc.

“Thị trường tuyển dụng hiện tại cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, bộ phận nhân sự - tuyển dụng nên hoạt động chuyên nghiệp và để lại trải nghiệm tốt cho tất cả ứng viên, kể cả họ có phù hợp công việc hay không”, cô bày tỏ.

Phong van tuyen dung anh 4

Nhiều người không ngại từ chối trả lời hoặc dừng phỏng vấn khi gặp câu hỏi không phù hợp từ nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Thực tế, khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi quá riêng tư, Ngọc Ánh thường thẳng thắn trao đổi và hỏi mục đích của họ là gì.

“Tôi nghĩ HR được coi là bộ mặt của công ty cũng không sai. Ví như nếu người phụ trách nhân sự có cuộc gọi hẹn phỏng vấn rõ ràng, email phản hồi chỉn chu,... cho thấy phần nào công ty làm việc cũng chuyên nghiệp. Khi đi phỏng vấn, tôi thường có một số cảm quan về sếp, HR, vị trí của công ty,... để phần nào cân nhắc giữa các quyết định nhận việc”, cô nói.

Theo quan điểm của Ngọc Phấn, nơi có thể gắn bó đơn giản là phù hợp với năng lực bản thân. Việc có phù hợp hay không được thể hiện trước hết qua quá trình phỏng vấn hoặc trao đổi với nhà tuyển dụng. Do đó, việc HR đặt câu hỏi phù hợp cho ứng viên rất quan trọng.

“Khi nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi quá sâu và có phần soi mói, mọi người có thể cân nhắc không cần trả lời”, cô nói.

Vượt qua cú sốc bị cắt giảm, nhanh chóng tìm công việc mới

Công ty cắt giảm nhân sự đột ngột ngay trước Tết, Ngọc Ánh cùng nhiều đồng nghiệp rơi vào cảnh lao đao. Tìm việc mới giữa làn sóng sa thải cũng không hề dễ dàng.

Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng

‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm