Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19 tại 4 điểm nóng của Đông Nam Á đang diễn ra như thế nào?

Bên cạnh Ấn Độ, tình hình Covid-19 tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp. Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines liên tục ghi nhận nhiều kỷ lục mới.

Liên tiếp xô đổ các kỷ lục, Ấn Độ đang là "chảo lửa" Covid-19 lớn chưa từng có của thế giới. Nhưng đó chưa phải tất cả điều mà chúng ta đang phải đối mặt.

Tại Đông Nam Á, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt, ở Campuchia, Lào hay Thái Lan - những quốc gia có biên giới giáp Việt Nam, phải kích hoạt báo động đỏ sau nhiều ngày tạm lắng.

Lào

Theo tờ Vientiane Times, chiều 27/4, Bộ Y tế Lào ghi nhận thêm 75 người mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm nCoV tại nước này lên 511. Con số này giảm so với kỷ lục 113 ca bệnh mới phát hiện vào ngày 26/4.

Thủ đô Vientiane tiếp tục là ổ dịch căng thẳng nhất với 59 ca nhiễm virus trong vòng 24 giờ qua. Tỉnh tiếp giáp với Lào, Thái Lan, Campuchia là Champasak cũng phát hiện thêm 8 ca dương tính với SARS-CoV-2. Những trường hợp còn lại ghi nhận tại Savannakhet (giáp Quảng Bình, Quảng Trị), Bokeo, Luang Prabang (giáp Điện Biên, Sơn La) và Xiengkhuang (giáp Nghệ An).

diem nong Covid-19 tai Dong Nam A anh 1

Một người đàn ông ở Lào được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: UNICEF.

Số ca nhiễm mới tại Lào có xu hướng giảm nhưng địa phương phát hiện người mắc Covid-19 tăng lên, cho thấy dịch đang lan rộng. Theo Laotian Times, toàn bộ bệnh nhân đều được theo dõi sức khỏe sát sao, hiện tại, chưa xuất hiện ca bệnh nặng hoặc tử vong.

Đến ngày 27/4, 15/18 đơn vị hành chính của quốc gia này ghi nhận bệnh nhân nhiễm nCoV. Trước tình hình này, tất cả địa phương đều phải áp lệnh phong tỏa và giới nghiêm. Riêng thủ đô Vientiane đã bị phong tỏa 2 tuần từ ngày 22/4.

Campuchia

Theo Phnom Penh Post, ngày 26/4, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 508 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, con số thấp nhất trong 3 ngày qua. Tổng số ca nhiễm ở nước này là 10.555, trong đó, 79 trường hợp tử vong.

Chiều 27/4, tờ Khmer Times cho hay 232 công nhân tại nhà máy Star Master & Frank (ở quận Ang Snoul, tỉnh Kandal) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, biến nơi này thành ổ dịch Covid-19 đáng lo. Nhà máy Star Master & Frank tạm thời bị đóng cửa.

Tỉnh trưởng Kandal cho biết tình hình hiện tại rất đáng quan ngại. Bởi quận Ang Snoul có 116 nhà máy với 60.000 công nhân. Những người này đều phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm do phải làm việc và đi lại trong các xe tải chật chội.

Tờ Khmer Times đưa tin giới chức nước này vẫn giữ nguyên các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Campuchia gia hạn thêm một tuần với các biện pháp phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao, hai điểm nóng lây nhiễm, để ngăn chặn Covid-19.

diem nong Covid-19 tai Dong Nam A anh 2

Số ca mắc mới tại Campuchia có xu hướng giảm nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại dịch Covid-19 tại đây. Ảnh: AFP.

Theo lệnh phong tỏa, không ai được phép ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa. Nhà chức trách sẽ áp dụng hình phạt nặng tay với những ai vi phạm và tịch thu tạm thời phương tiện của họ.

Campuchia từng được xem là mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả khi chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, ngày 20/2, nước này phát hiện 32 công dân Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV. Sau đó, Campuchia phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tiếp theo.

Thái Lan

Chiều 27/4, theo Reuters, Chính phủ Thái Lan ban hành quy định cấm hành khách từ Ấn Độ nhập cảnh vào quốc gia này, sau những diễn biến phức tạp tại ổ dịch lớn thứ 2 thế giới. Cùng ngày, Thái Lan trải qua "ngày chết chóc" với số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất từ trước tới nay (15 bệnh nhân), nâng tổng số người chết lên 140.

Ngoài ra, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 2.179 ca nhiễm mới. Đến ngày 27/4, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại quốc gia này đã lên tới 55.460. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trinuch Thienthong cũng cho hay nước này quyết định dời ngày khai trường từ ngày 17/5 sang 1/6 vì lo ngại đại dịch.

diem nong Covid-19 tai Dong Nam A anh 3

Các nhà sư từ Wat Matchanthikaram, đeo mặt nạ và tấm che mặt khi đi khất thực tại Bangkok trong bối cảnh Covid-19 vào tháng 4/2020. Ảnh: Adam Dean/The New York Times.

Xứ sở chùa Vàng chìm trong làn sóng Covid-19 thứ 3, bắt đầu vào đầu tháng 4, và xảy ra ngay trước ngày lễ Songkran - tết cổ truyền của người Thái. Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Opas Karnkawinpong cho biết lần bùng dịch này có sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm B117.

Chủng này được phát hiện lần đầu tại Anh và Thái Lan, ngay lập tức, virus khiến tình hình dịch tại đây diễn biến phức tạp. Thái Lan đã phát hiện người nhiễm biến chủng B117 tại 62 trên tổng số 77 tỉnh. Đặc biệt, thủ đô Bangkok - ổ dịch lớn nhất toàn quốc - buộc phải ban bố lệnh phong tỏa.

Giới chức Thái Lan cũng đóng cửa nhiều khu vực công cộng như công viên, phòng gym, rạp chiếu phim, nhà trẻ ở thủ đô Bangkok từ ngày 26/4 đến 9/5. Tuy nhiên, các trung tâm thương mại và nhà hàng vẫn được phép hoạt động. Người dân nước này lo ngại đây sẽ là các tụ điểm gây bùng phát dịch.

Theo quy định của giới chức Bangkok, mức phạt đối với người không mang khẩu trang sẽ tăng dần. Nếu vi phạm lần đầu, mức phạt sẽ là 6.000 baht. Nếu tái phạm lần hai và lần ba, mức phạt sẽ tăng lên 12.000 baht và 20.000 baht.

Bốn tháng trước, Thái Lan kiểm soát dịch tương đối thành công. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12/2020, hai làn sóng Covid-19 mới đẩy đất nước chùa Vàng vào khủng hoảng. Đến nay, Thái Lan mới chỉ tiêm chủng chưa đầy 1% dân số. Các kỷ lục mới về số ca mắc và người tử vong vì Covid-19 mỗi ngày khiến quốc gia này trở thành một trong những điểm nóng của Đông Nam Á.

diem nong Covid-19 tai Dong Nam A anh 4

Một khu chợ ở Bangkok được khử khuẩn trước khi hoạt động trở lại vào tháng 5/2020. Ảnh: The New York Times.

Philippines

Là nơi đào tạo y tá chất lượng cho nhiều bệnh viện trên khắp thế giới nhưng Philippines lại đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Nguyên nhân là tình hình dịch Covid-19 nóng hơn bao giờ hết tại quốc gia này.

Ngày 26/4, Philippines lập kỷ lục trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 2 vượt ngưỡng một triệu người nhiễm SARS-CoV-2, sau Indonesia. Theo AP, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 8.929 ca nhiễm mới trong ngày 26/4, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên 1.006.428, bao gồm 16.853 ca tử vong.

Tổng số người dân tại Philippines mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi chỉ sau 3 tháng (từ 17/1). Đặc biệt, tháng 3 có thể xem là đỉnh dịch Covid-19 tại quốc gia này khi số bệnh nhân tăng mạnh, vượt đỉnh của làn sóng ghi nhận hồi tháng 8 năm ngoái. Nguyên nhân được đưa ra là sự xuất hiện của các biến chủng nCoV mới với khả năng lây nhiễm cao.

Lệnh phong tỏa ở thủ đô Manila đang được xem xét kéo dài thêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động tiêu cực. Theo Reuters, lệnh phong tỏa thủ đô và 4 tỉnh phụ cận từ cuối tháng 3 đã cho thấy hiệu quả ngăn chặn dịch Covid-19.

diem nong Covid-19 tai Dong Nam A anh 5

Một người dân tại Manila, Philippines, tiêm vaccine vào ngày 29/3. Ảnh: Lisa Marie David/Reuters.

Số liệu thống kê từ nhóm nghiên cứu độc lập OCTA cho thấy lượng bệnh nhân mới tại Manila - tâm dịch Covid-19 của Philippines - đã giảm 20% so với tuần trước. Theo CNN, con số này thấp hơn 30% so với mức trung bình hàng ngày (5.552 ca/ngày) ghi nhận cách đây 3 tuần.

Tuy nhiên, ông Guido David, thành viên OCTA, cho biết vẫn còn quá sớm để vui mừng và kết luận tình hình dịch Covid-19 tại thủ đô đã ổn. "Chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm số ca mắc mới, nhưng nó không ổn định", vị chuyên gia trả lời CNN.

Thứ trưởng Y tế Rosario Vergeire cảnh báo số ca lây nhiễm sẽ tăng trở lại nếu Philippines nới lỏng các biện pháp hạn chế. Bà nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng dịch, bởi nó giúp hệ thống y tế tại quốc gia này có thời gian hồi phục và không gian để giảm áp lực.

Philippines cũng cấm các hoạt động di chuyển không thiết yếu, giới hạn giao thông vận tải công cộng và đóng cửa phòng gym, spa. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và tấm che mặt tại nơi công cộng.

Sự nguy hiểm của biến chủng kép khiến ca mắc tại Ấn Độ tăng kỷ lục

Biến chủng này khiến Ấn Độ hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 2 nặng nề với số người mắc và tử vong cao kỷ lục. Nó cũng đã được tìm thấy tại 10 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Covid-19 vẫn lây lan khắp thế giới

Bất chấp nỗ lực chạy đua để tiêm phòng vaccine Covid-19 ở nhiều nơi, Ấn Độ và hầu hết quốc gia trên thế giới vẫn hứng chịu tổn thất nặng từ đại dịch.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm