Chia sẻ với Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là nước láng giềng, việc quản lý các trường hợp nhập cảnh trái phép là vấn đề mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 rất quan tâm.
Khó khăn ở biên giới phía Tây Nam
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta hiện nay?
- Tình hình Covid-19 trên thế giới đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là ở nước châu Á, Đông Nam Á. Ngay tại các nước láng giềng của chúng ta là Campuchia tình hình dịch Covid-19 cũng diễn biến rất phức tạp, số ca mắc đang tăng lên nhanh.
Điều này tạo nên sự ảnh hưởng lớn trong công tác phòng, chống dịch ở nước ta. Nguyên nhân là một số người Việt, Việt kiều tại Campuchia, người lao động tại nước bạn… có xu hướng hồi hương. Họ có thể trở về bằng đường chính ngạch hoặc cũng có thể nhập cảnh trái phép.
Lực lượng bộ đội biên phòng ngày đêm chốt chặn, kiểm soát khu vực biên giới tại cửa khẩu Hà Tiên, Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Giám. |
Việc quản lý các trường hợp nhập cảnh trái phép là vấn đề mà Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 hết sức quan tâm. Gần đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp, làm việc với 10 tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Campuchia để có chỉ đạo rõ ràng, quyết liệt, cụ thể.
- Với đặc điểm địa lý đặc thù ở khu vực Tây Nam bộ, phương án phòng, chống dịch Covid-19 có điểm khác biệt gì với địa phương khác?
- Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, đường biên cũng khá khó phân định do là dân cư ở biên giới 2 nước có mối giao hòa với nhau từ xưa đến nay. Điều kiện tự nhiên ở khu vực biên giới cũng khá dễ dàng cho các trường hợp xâm nhập trái phép vào Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tìm mọi cách để đem về nguồn vaccine lớn hơn phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn
Chính vì điều này, bên cạnh lực lượng bộ đội biên phòng, công an và người dân để xây dựng chốt chặn biên giới, chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng là chúng ta phải xây dựng được thế trận lòng dân. Nghĩa là vận động sự tham gia của cả hệ thống chính trị để xây dựng bức tường, dựa vào người dân để phát hiện, thông báo chính quyền khi có trường hợp xâm nhập trái phép.
Chúng ta cũng sẽ có biện pháp trong công tác ngoại giao khi làm việc với các tỉnh ở nước bạn chung đường biên giới, vận động người dân ở lại và tuân thủ theo chính sách của nước chủ nhà.
- Hiện nay một số tỉnh Tây Nam Bộ chưa triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19. Chúng ta bảo vệ lực lượng này như thế nào trước mối nguy cơ lớn từ bên ngoài?
- Chúng tôi đã đôn đốc các tỉnh biên giới phía Tây Nam phải đặc biệt đưa công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 cho lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn và lực lượng y tế để đảm bảo an toàn nhất cho anh em. Hy vọng trong thời gian tới, các địa phương sẽ sử dụng thật tốt nguồn vaccine mà Bộ Y tế đã phân bổ về. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tìm mọi cách để đem về nguồn vaccine lớn hơn để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong nước.
Khu vực biên giới tại các tỉnh Tây Nam Bộ nhiều đường mòn, lối mở, người nhập cảnh trái phép dễ dàng xâm nhập. Ảnh: Hoàng Giám. |
Sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch xấu nhất
- Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chuẩn bị cho kế hoạch ứng phó với tình hình dịch hiện nay như thế nào?
- Bộ Y tế đã xây dựng 5 kịch bản ứng phó dịch Covid-19. Kịch bản này chúng ta đã chuẩn bị từ đầu mùa dịch. Trong giai đoạn 1, chúng ta đã chuẩn bị 4 kịch bản, trong đó, tình huống lớn nhất là trên 50.000 người mắc Covid-19.
Sau đó, đến gần giai đoạn 2, chúng ta đã bổ sung kịch bản xấu nhất là trên 100.000 người nhiễm virus. Lúc này, ngành y tế có thể dự phòng được các biện pháp hỗ trợ điều trị, hô hấp và nguồn nhân lực. Các biện pháp được xây dựng rất chi tiết.
Chúng ta phải tiếp tục tăng cường cao độ việc kiểm tra đeo khẩu trang trong các dịp lễ hội, nơi tập trung đông người.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch ở Campuchia và đường dây nhập cảnh trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác đến các tỉnh tiếp giáp Campuchia ở biên giới Tây Nam để kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo việc phòng, chống dịch.
Thông qua đó, chúng tôi đặt ra hai vấn đề rất quan trọng cần làm. Thứ nhất là người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Chúng ta phải tiếp tục tăng cường cao độ việc kiểm tra đeo khẩu trang trong các dịp lễ hội, nơi tập trung đông người. Ngoài ra, công tác khử khuẩn, giữ khoảng cách cũng phải được đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thứ 2 là kiểm soát được người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam thông qua nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường hệ thống của chiến sĩ biên phòng, công an, dân quân tại các chốt.
Chúng ta cũng cần tuyên truyền cho người dân. Mỗi nhà là một pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ trên mặt trận chống Covid-19. Khi phát hiện những người lạ đến địa bàn, họ có trách nhiệm phải báo cáo với chính quyền địa phương. Chúng ta cũng cần xây dựng và tăng cường các đội, tổ Covid-19 cộng đồng để đi đến từng ngõ, gõ từng nhà, nhắc nhở người dân phát hiện và khai báo người lạ xâm nhập vào địa phương của họ.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia chuẩn bị 5 kịch bản, sẵn sàng ứng phó trong tình huống dịch xấu nhất. Ảnh: Duy Hiệu. |
- Chiến lược "bốn tại chỗ" được áp dụng thành công từ những ngày đầu chống dịch Covid-19. Trong tình hình hiện tại, phương án này có sự thay đổi như thế nào khi nhiều tỉnh, thành xây dựng bệnh viện dã chiến?
- "Bốn tại chỗ" là phương châm xuyên suốt trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam từ những ngày đầu chống dịch đến nay. Chúng ta sẵn sàng, tiếp nhận, đón bệnh nhân nặng từ các địa phương về một số cơ sở có đủ điều kiện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và một số địa phương lân cận khác.
Phương châm “bốn tại chỗ” ở đây có nghĩa là chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở y tế để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nhẹ, trung bình để điều trị tại địa phương. Việc xây dựng các bệnh viện, tôi không nói là bệnh viện dã chiến, là mở rộng thêm cơ sở y tế, trưng dụng cơ sở cũ để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong trường hợp số lượng người bệnh ít, chúng ta có thể trưng dụng một đơn nguyên, một khoa. Trường hợp nhiều bệnh nhân, chúng ta có thể sử dụng một bệnh viện để tập trung phương tiện, trang thiết bị, con người.
- Việc giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 của các bệnh nhân nhập cảnh có ý nghĩa thế nào trong chiến lược chống dịch ở biên giới Tây Nam?
- Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) và Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene trong mẫu bệnh phẩm của trường hợp mắc Covid-19 nhập cảnh từ Campuchia.
Với kết quả giải trình tự gene, chúng ta có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ, khả năng lây lan bệnh, khả năng phát bệnh cũng như mức độ nặng của chủng virus này. Từ đó có thể giúp Bộ Y tế điều chỉnh phác đồ chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.