Dịch vụ thử lòng người yêu đem đến thu nhập cho nhiều người. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Sau khi khảo sát, Uyển Nhi (21 tuổi, quận 8, TP.HCM) nhận định rằng 200.000 đồng là mức giá cao hơn nhiều bên khác trên thị trường.
Tuy nhiên, cô gái cho rằng mức thù lao này phù hợp với công sức mà cô bỏ ra, bao gồm xây dựng trang cá nhân, tìm hiểu sơ lược về sở thích của đối tượng mục tiêu và nhắn tin trò chuyện.
“Nhiều cá nhân bán gói dịch vụ này với mức giá vài chục nghìn đồng, nhưng nhắn tin làm quen hời hợt, khó thử lòng đối tượng. Tôi đầu tư vào nội dung cuộc trò chuyện và chấp nhận tổn thất tâm lý, mất niềm tin vào tình yêu khi đối tượng xiêu lòng”, Uyển Nhi nói.
Từ khi bắt đầu kinh doanh hồi cuối năm ngoái, đến nay Nhi thu về gần 10 triệu đồng từ dịch vụ này, coi đây là công việc làm thêm. Song, cô cũng hiểu rằng không thể gắn bó công việc này lâu dài vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.
Nhiều cá nhân cung cấp dịch vụ thử lòng người yêu thừa nhận mất niềm tin, tổn hại sức khỏe tinh thần. Ảnh minh hoạ: Pexels/Samson Katt. |
Uyển Nhi là một trong số nhiều người cung cấp dịch vụ thử lòng người yêu nở rộ trong thời gian gần đây. Theo một số cá nhân kinh doanh gói dịch vụ trên, cơ hội kiếm tiền này đến từ nhu cầu kiểm tra đối phương, sự thiếu niềm tin trong tình yêu của khách hàng.
Về phía người tiêu dùng dịch vụ, họ thể hiện sự nghi ngờ đối với mức độ trung thành của nửa kia, cho biết dùng tiền để mua niềm tin.
Nghề ‘thử lòng’
Theo báo cáo được đăng tải trên Tạp chí quốc tế về Tâm lý học Ấn Độ (The International Journal of Indian Psychology) vào năm 2022, niềm tin và sự thân mật là 2 yếu tố quan trọng nhất trong tình yêu. Sự tin tưởng phải liên tục tồn tại để đảm bảo một mối quan hệ lành mạnh.
Ngược lại, sự mất lòng tin trở thành rào cản cho các tương tác hiệu quả. Cảm giác nghi ngờ có thể phát triển từ trải nghiệm trong quá khứ của một người hoặc hành động đáng nghi của đối phương.
Sự nghi ngờ cũng dễ dàng dẫn đến những hành vi mất kiểm soát như dò hỏi, kiểm tra, tác động xấu đến mối quan hệ lứa đôi. Một số đặc tính cũng được cho là dấu hiệu nhận biết một người chung thủy hoặc không trong chuyện tình cảm.
Theo Uyển Nhi, 90% khách hàng sử dụng dịch vụ của cô là nữ giới ở đội tuổi từ 18-25. Phần lớn tìm đến cô nhờ sự giới thiệu của bạn bè, người thân.
Uyển Nhi không công khai quảng bá dịch vụ này trên tài khoản cá nhân, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng. Cô sử dụng phương pháp marketing truyền miệng, nhờ khách hàng trước giới thiệu cho khách hàng sau.
“Đối với những trường hợp nhận lại kết quả đáng buồn, dẫn đến đổ vỡ, tôi đều chia sẻ với khách hàng, động viên họ vượt qua. Từ đó, tôi có thêm bạn và được quảng cáo miễn phí”, Nhi nói.
Kiểm tra người yêu trở thành dịch vụ nở rộ trên mạng xã hội, đem đến cơ hội kiếm tiền cho nhiều người. Ảnh: NVCC. |
Mức giá 200.000 đồng mà Uyển Nhi đưa ra chỉ bao gồm thao tác nhắn tin tìm hiểu cơ bản. Khi tình huống trở nên phức tạp hơn mà khách hàng vẫn muốn tiếp tục thử lòng đối tượng tình yêu, cô sẽ yêu cầu người mua dịch vụ chi trả thêm 500.000 đồng.
Theo Uyển Nhi, loại hình dịch vụ này chưa có mức giá chung, vì thế cô đưa ra mức thù lao dựa trên thời gian, công sức bỏ ra.
Với mức giá 50.000-100.000 đồng tùy vào độ phức tạp, Phương Uyên (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ nhận hình thức kiểm tra độ chung thủy qua tin nhắn.
Cô gái 20 tuổi cho biết khách hàng của cô đa phần là học sinh, sinh viên, tìm đến qua mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau, từ kiểm tra lòng chung thủy đến tìm cách chia tay.
Để đảm bảo tính bảo mật, Uyên chỉ giao dịch và trao đổi với khách hàng qua tin nhắn, không gặp mặt trực tiếp. Cô sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội “nuôi” từ trước để tiếp cận đối tượng cần thử lòng.
Dựa trên thông tin do khách hàng cung cấp, Uyên sẽ đánh giá tình huống và đưa ra mức giá phù hợp. Sau khi khách hàng chuyển khoản, cô tiến hành lên kịch bản trò chuyện với đối tượng cần thử lòng sao cho chân thật nhất.
Thông thường, cô chỉ mất khoảng 1-2 ngày để quan sát và ghi nhận kết quả cho khách. Sau khi hoàn thành quá trình kiểm tra, Uyên sẽ tổng hợp tất cả thông tin, bằng chứng thu thập được và chụp màn hình tin nhắn gửi cho khách.
Gen Z khẳng định không nhận những yêu cầu quá tiêu cực hoặc vi phạm pháp luật, dù được trả thêm tiền.
Công việc làm thêm này giúp Uyên có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí. Tuy nhiên, cô cũng nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn bị lăng mạ hoặc bị tấn công trên mạng nếu đối tượng phát hiện.
Mới đây, Phương Uyên nhận được yêu cầu đặc biệt từ một khách hàng tại TP.HCM. Người phụ nữ này muốn Uyên đóng giả “người thứ ba” để tạo cớ chia tay với bạn trai có tính gia trưởng và xu hướng bạo lực. Với mong muốn giúp khách hàng thoát khỏi mối quan hệ độc hại, Uyên đã nhận lời.
Trải qua gần một năm hoạt động, Phương Uyên đã “thử lòng” khoảng 50 nam giới. Bên cạnh những người vững vàng trước mọi cám dỗ, không ít trường hợp đã lung lay khi Uyên tiếp cận. Thực tế này khiến Uyên không khỏi thất vọng, mất niềm tin vào tình yêu.
Người yên tâm, kẻ đổ vỡ
Trong một lần lướt mạng xã hội, Hải Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bắt gặp dịch vụ “test người yêu” với giá chỉ vài chục nghìn đồng. Dù tin tưởng người bạn trai đã quen được gần 7 tháng, cô vẫn tò mò về phản ứng của anh khi bị mời gọi.
Mặc dù có nhiều lời mời kiểm tra miễn phí sau khi cô ngỏ lời hỏi dịch vụ, sinh viên 18 tuổi quyết định chọn một tài khoản có phí với giá 50.000 đồng, tin rằng “tiền nào của nấy”.
Sau khi chuyển khoản, Hải Anh gửi thông tin trang cá nhân của bạn trai cho người cung cấp dịch vụ.
“Tôi không tránh khỏi cảm giác bất an, đặc biệt khi từng chứng kiến nhiều chàng trai trên mạng xã hội thừa nhận độc thân khi bị thử lòng”, cô bộc bạch.
Trước những mở đầu đầy ẩn ý của “người lạ”, bạn trai cô trả lời một cách lịch sự nhưng dứt khoát, không hề có dấu hiệu bị câu kéo. Chỉ trong vòng một tiếng, nửa kia của Hải Anh đã chặn tài khoản lạ mặt.
Khi được đọc đoạn tin nhắn, cô cũng thừa nhận rằng người cung cấp dịch vụ có cách nói chuyện khá khéo léo, tự nhiên, dễ dàng lôi kéo các đối tượng mục tiêu.
“Bỏ ra 50.000 đồng xem như một khoản đầu tư xứng đáng để củng cố niềm tin vào tình yêu của chúng tôi”, Hải Anh chia sẻ.
Quyết định sử dụng dịch vụ thử lòng khiến nhiều cặp đôi "đường ai nấy đi". Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Không may mắn như Hải Anh, Thu Huyền (22 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nhận về kết quả đáng buồn khi sử dụng dịch vụ kiểm tra mức độ chung thủy của bạn trai.
Sau khi phát hiện ra người yêu tương tác với một cô gái lạ trên mạng xã hội, Huyền sinh nghi nhưng chưa có đủ chứng cứ để buộc tội đối phương. Cô tìm đến một tài khoản cung cấp dịch vụ thử lòng, trao đổi sơ lược thông tin và lập tức chuyển khoản 100.000 đồng cho người này.
Tuy nhiên, sau khi gửi ảnh chụp màn hình tin nhắn chào hỏi với bạn trai Huyền, người bán dịch vụ lập tức chặn tài khoản của cô. Đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản ảo khiến cô không thể truy tìm và đối chất.
Sau đó Thu Huyền tiếp tục tìm kiếm các bên khác. Cô đồng ý sử dụng dịch vụ của một cá nhân nhận thanh toán sau.
Bạn trai cô ban đầu tỏ ra dè dặt, cẩn trọng, nhưng dần cởi mở hơn và chủ động tán tỉnh sau khoảng 1 tuần. Để tránh đau lòng hơn, cô gái yêu cầu người cung cấp dịch vụ ngừng nhắn tin, thanh toán tiền và kết thúc giao dịch.
Sau đó, Thu Huyền mang bằng chứng ra chất vấn nửa kia. Tuy nhiên, bạn trai trách ngược cô, cho rằng Huyền thiếu sự tin tưởng, đồng thời khẳng định đoạn hội thoại trên chưa đủ đánh giá lòng chung thủy của một người. Quyết định chia tay được đưa ra sau khi cả 2 to tiếng.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.