BA.5 là một nhánh của Omicron. Có thể nói, Omicron là biến chủng có nhiều nhánh phụ, dòng phụ nhất hiện nay. Sau BA.2, đến lượt BA.5 lại trở thành chủng gây ra làn sóng lây nhiễm lan rộng trên toàn cầu.
Nhiều quốc gia lại "lập kỷ lục"
Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc Covid-19 vào cuối tháng 6 tăng 52%, mức tăng trưởng là 37% sau mỗi tuần. Tại Mỹ, ước tính khoảng 80% ca nhiễm hàng ngày do BA.5 gây ra, theo Reuters. Chỉ trước đó hai tuần, con số này là 65%. Điều đó cho thấy BA.5 đang phát tán với tốc độ rất nhanh.
Australia cũng vừa chứng kiến số ca nhập viện vì Covid-19 cao kỷ lục - khoảng 5.450 người hôm 24/7. Số người tử vong cũng vượt mốc 100 ca, lần đầu tiên sau nhiều tháng. Nhật Bản cũng xác nhận hơn 200.000 ca mắc mới mỗi ngày - con số cao nhất trong vòng vài tháng trở lại đây.
BA.5 không phải biến chủng mới. Lần đầu tiên nó được phát hiện là vào tháng 1, sau đó WHO theo dõi từ tháng 4. Dữ liệu của WHO cho thấy các ca nhiễm nCoV trên toàn thế giới đã tăng trong 4 tuần liên tiếp.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Mỹ. Ảnh: NBC News. |
Triệu chứng thay đổi
Các bác sĩ lâm sàng cho biết nhiều triệu chứng của BA.5 tương tự những biến chủng trước đó như nghẹt mũi, nhức đầu, ho và sốt. Song, một nghiên cứu ở Anh cũng cho thấy người nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn so với Delta. Một số triệu chứng của người nhiễm BA.5 và Omicron cũng đã thay đổi.
Trong thông cáo báo chí về nghiên cứu của mình, Zoe Health cho biết người đã nhiễm Omicron ít phải nhập viện hơn so với Delta. Các triệu chứng cũng kéo dài trong thời gian ngắn hơn, trung bình là 6,87 ngày, so với 8,89 ngày trước đây.
Các biến chủng nCoV trước đó thường khiến người mắc mất khứu giác. Nghiên cứu mới từ Zoe Health phát hiện triệu chứng này chỉ xuất hiện ở chưa đến 20% bệnh nhân và thường vài ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Các triệu chứng nghiêm trọng khác từng phổ biến như sốt, đau đầu, sương mù não và đau mắt giờ đây ít phổ biến hơn ở người nhiễm Omicron. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể xảy ra.
Tiến sĩ Claire Bocchini, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Texas cho biết trẻ em có xu hướng gặp nhiều triệu chứng về tiêu hóa hơn như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy so với người lớn. Bà cũng bắt gặp nhiều tình trạng trẻ bị viêm thanh khí phế quản hơn. Mayo Clinic định nghĩa viêm thanh khí phế quản là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, gây cản trở hô hấp và tạo ra những tiếng ho gầm gừ trong cổ họng.
Tiến sĩ Bocchini nhấn mạnh: “Chắc chắn đây là bệnh nhiễm trùng mà phụ huynh có con nhỏ cần chú ý. Đa số trẻ không cần nhập viện nhưng vẫn có một số trẻ bị bệnh nặng và gây ra những biến chứng khó lường", USA Today dẫn lời.
Người dân đeo khẩu trang xếp hàng tại Cơ quan An sinh Xã hội Nam Phi (SASSA) ở Cape Town để nhận tiền trợ cấp của chính phủ ngày 11/5/2020. Ảnh: AP. |
Bài học từ các quốc gia
Các chuyên gia cho rằng BA.5 là biến chủng "tồi tệ nhất" bởi nó có những đột biến giúp lây lan nhanh hơn và đe dọa ngay cả người đã tiêm vaccine. Nếu có bất kỳ lý do nào để lạc quan trong cuộc chiến chống BA.5, chúng ta có thể tìm thấy ở những quốc gia nơi mà làn sóng Covid-19 do chủng này gây ra đã đạt đến đỉnh.
Một trong những quốc gia đó là Nam Phi, nơi BA.5 bắt đầu "xâm chiếm" vào cuối tháng 3, khiến 50% ca mắc là chủng này và phần còn lại chủ yếu nhiễm BA.4. Điểm đặc biệt và cũng khá bất thường đó là số ca bệnh hay người nhập viện không tăng cao như khi Omicron lần đầu tiên xuất hiện ở Nam phi vào mùa đông năm 2021.
Một nhóm chuyên gia Nam Phi sau đó so sánh những người nhiễm bệnh trong giai đoạn BA.5 bùng phát mạnh với nhóm nhiễm bệnh trước đó vào năm 2020. Họ giải thích nguy cơ bị bệnh nặng do BA.5 không tăng cao hơn so với Omicron đợt đầu (BA.1). Các tác giả cũng lưu ý mức độ miễn dịch cộng đồng cao hơn nhờ vaccine và tự nhiên làm tăng khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Nhưng kinh nghiệm của các quốc gia khác không như vậy. Bồ Đào Nha chứng kiến số ca mắc, nhập viện và tử vong cao hơn nhiều khi BA.5 xuất hiện từ đầu tháng 5. Tỷ lệ tử vong thậm chí còn cao hơn Nam Phi 3-10 lần trong vài tháng qua.
Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt giữa hai quốc gia có thể liên quan độ tuổi trung bình của dân số. Độ tuổi trung bình của người dân Bồ Đào Nha là 45, trong khi Nam Phi là 28.
Ngoài ra, Bồ Đào Nha có mức độ tiêm chủng tăng cường cao, khiến làn sóng Omicron BA.1 ít nghiêm trọng hơn Nam Phi. Nhưng vào thời điểm BA.5 xuất hiện, phần lớn khả năng miễn dịch có thể đã bị suy yếu, khiến người dân Bồ Đào Nha có khả năng miễn dịch cộng đồng kém hơn Nam Phi.
Mỹ cũng có đợt tăng ca mắc nghiêm trọng khi Omicron mới xuất hiện. Điều đó đồng nghĩa người Mỹ có một số khả năng bảo vệ chống lại BA.5. Nhưng chúng ta cũng không nên "chào đón" việc lây nhiễm như một cách xây dựng khả năng miễn dịch. Bởi chi phí của nó quá lớn so với lợi ích mang lại. Người dân sẽ liên tục bị ốm, nghỉ làm, thậm chí hệ lụy lâu dài từ hậu Covid-19 là vấn nạn với xã hội.
Thay vào đó, các chuyên gia nhấn mạnh chúng ta nên thận trọng hơn khi phải đối mặt với nhiều chủng phụ né tránh được miễn dịch như BA.5. Đeo khẩu trang ở nơi công cộng đông người và đi tiêm phòng vẫn là hai biện pháp cần thiết.