Ðó là công việc mà không ít người ao ước. Thế nhưng, thường xuyên làm việc trong phòng kín với nhiều loại thiết bị, máy móc, nhân viên văn phòng phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe đặc thù sau đây.
Thiếu oxy, dị ứng và các bệnh lây truyền
Những vách tường kín bưng, không có cây xanh, ánh nắng, khí trời... là nguyên nhân của hiện tượng thiếu oxy thường xuyên. Tình trạng làm việc dễ buồn ngủ, thiếu tập trung thường là hệ quả của việc thừa khí carbonic và thiếu oxy.
Những người làm việc văn phòng thường cảm thấy căng thẳng thần kinh. |
Trong các văn phòng có rất nhiều bụi từ vụn giấy, máy móc, thảm, nệm... Lượng bụi trú ngụ và phát tán bất cứ khi nào là nguyên nhân gây kích ứng da và chứng dị ứng. Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp của nhân viên văn phòng.
Thảm văn phòng là nơi tích lũy bụi và các sinh vật nhỏ li ti như bọ chét, ve cùng các mầm bệnh khác. Nhiều người cùng hít thở trong một không gian hẹp nên các bệnh có đặc tính lây truyền sẽ phát tán rất nhanh. Chỉ cần một người bị cúm hắt hơi, người xung quanh sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm cúm. Các nấm mốc có điều kiện phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm của văn phòng.
Bàn phím cũng là ổ chứa vi khuẩn, là nơi mà bàn tay tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên nhất. Bàn phím chứa số lượng vi trùng cao gấp 150 lần giới hạn cho phép. Nguy cơ lây nhiễm cao cho những ai quên rửa tay sau khi gõ bàn phím máy tính và vừa gõ máy tính vừa ăn vặt, đặc biệt là những ai không có thói quen lau chùi bàn phím và chuột máy tính.
Viêm đường hô hấp
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người làm việc trong phòng điều hòa có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp gấp 2,5 lần so với người làm trong môi trường thông thoáng tự nhiên. Không khí ít lưu thông cùng với bụi nhà, bụi giấy…, máy lạnh không được vệ sinh thường xuyên là nguyên nhân phát sinh vi khuẩn có hại cho hệ hô hấp. Các chứng viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản rất dễ hỏi thăm nhân viên văn phòng.
Bệnh về mắt
Hầu hết văn phòng đều dùng ánh sáng đèn gây nhức mỏi mắt. Mắt thường xuyên “dán” vào màn hình vi tính sẽ làm cho bạn mau mỏi mắt, ngứa mắt, đỏ mắt, rối loạn về thị lực và thậm chí có thể làm cho bạn đau đầu, chóng mặt. Hiện tượng căng thẳng và mỏi mắt (mỏi cơ mắt) không phải chỉ do thị lực kém mà nguyên nhân có thể là do mắt bị khô. Khi sử dụng máy vi tính, người ta chớp mắt 10 lần mỗi phút, ít so với khi nói chuyện bình thường. Từ đó khiến cho lớp “phim nước mắt” (có nhiệm vụ giữ ẩm ở mặt trước nhãn cầu) bị bốc hơi nước nhanh. Và khi lớp “phim nước mắt” không khỏe thì tầm nhìn của bạn sẽ giảm và không được sắc nét. Màn hình máy tính gây bức xạ tới mắt và cơ thể. Sợi thủy tinh nhân tạo trong nhiều vật liệu văn phòng có thể gây ngứa da, đỏ mắt và viêm kết mạc. Trong mọi trường hợp, cho mắt nghỉ ngơi vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Stress và tăng huyết áp
Căng thẳng thần kinh do áp lực công việc là vấn đề muôn thuở của nhân viên văn phòng, là một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Các tiếng động của máy móc văn phòng, chuông cửa, điện thoại, thiết bị báo động, tiếng gõ bàn phím, máy in, các mệnh lệnh thường xuyên và các yêu cầu nghiêm ngặt của công việc... làm tăng thêm sự căng thẳng, gây gánh nặng tâm lý, lâu ngày dẫn tới stress... Điều đáng ngại là nếu không kiểm soát được, stress thành mạn tính và sẽ gây những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cơ thể như: mệt mỏi, mất ngủ, tăng huyết áp, béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ…
Tính căng thẳng của công việc càng làm cơ thể tiết nhiều hơn cathecholamine và corticoide-những chất tiền đề cho co mạch và tăng huyết áp. Cuộc sống ít vận động làm cholesterol lắng đọng ngày càng nhiều trong mạch máu, gây xơ cứng thành mạch. Đây chính là thủ phạm của tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Quá tải bức xạ điện từ
Máy vi tính, điện thoại, máy photocopy, bộ phát sóng wifi và tất cả những thiết bị điện đặt dưới chân sẽ tạo ra lớp điện từ bao vây bạn. Từ đó, nhiều người làm văn phòng thường xuyên than phiền rằng họ cảm thấy đau đầu, nhức mỏi và bị kích ứng da, mắt khi làm việc.
Các vấn đề về xương khớp
Làm việc tại bàn giấy nhiều giờ liền, khi sử dụng chuột máy tính, cổ tay của bạn tì vào cạnh bàn, chèn ép các dây thần kinh ở cổ tay là nguy cơ gây ra hội chứng ống cổ tay. Hơn nữa, có đến 60% bệnh nhân mắc các chứng rối loạn cơ, xương, khớp (đau lưng, vai và cổ) là người làm văn phòng. Thủ phạm chính được xác nhận đó là chiếc ghế làm việc không đúng quy cách. Thiết kế của chiếc ghế sẽ dẫn đến tư thế ngồi sai, làm tăng trọng lượng chịu đựng lên cột sống và cơ bắp của bạn. Về lâu dài sẽ dẫn đến trẹo khớp và chèn ép dây thần kinh cột sống. Đau cổ-đau lưng cũng là một trong những bệnh nghề nghiệp rất thường gặp ở nhân viên văn phòng, làm cho bạn đau lưng, mỏi lưng, đau cổ, đau đầu hoặc cảm giác căng sau gáy.
Chứng suy tĩnh mạch chân
Đây là chứng bệnh khá phổ biến đối với nhân viên văn phòng. Theo khảo sát thực tế thì tỷ lệ suy tĩnh mạch mạn tính rất cao, một trong những nguyên nhân chính là do bị giãn tĩnh mạch.
Bệnh trĩ
Những ai ngồi lâu và công việc căng thẳng rất dễ bị bệnh trĩ. Do đó, bạn không nên ngồi quá lâu và chịu đựng áp lực công việc mà không biết cách giải tỏa.
Lời khuyên của thầy thuốc
Làm việc trong phòng kín nhưng mọi người cũng nên tranh thủ giờ nghỉ ăn trưa để mở cửa phòng làm việc, cho không khí lưu thông, giảm thiểu mầm bệnh. Nên hút bụi, vệ sinh thảm trải nhà, lau chùi máy móc thường xuyên. Thêm vào đó, bạn cần nhớ nguyên tắc 20-20 khi ngồi làm việc. Tức là cứ 20 phút ngồi liên tục thì đứng lên 20 giây và thực hiện động tác vươn người hoặc lắc lư cơ thể. 20 giây rời khỏi chiếc máy tính cũng giúp bạn giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi đồng thời giúp cơ thể tăng cường lưu thông máu. Uống nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể. Hàng ngày, sau giờ làm việc, nên tham gia các môn thể dục thể thao tập luyện nhẹ nhàng để rèn luyện cơ thể. Nên có thời gian thư giãn hợp lý để giải tỏa áp lực công việc và tăng năng suất lao động.