Trong khi đó, điểm trúng tuyển nhóm ngành Y Dược giảm sâu, nhiều trường đại học dự kiến tuyển bổ sung đợt 2.
Điểm chuẩn ngành Sư phạm tăng
Tính đến 5h ngày 16/9, gần 200 trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn năm 2022. Bức tranh điểm chuẩn đã cơ bản lộ diện.
Trong số các trường đã công bố điểm trúng tuyển, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn giữ mức điểm chuẩn cao kỷ lục. Dù không có ngành chạm đỉnh 30 điểm/3 môn (khối C00) như năm ngoái, trường vẫn nằm trong top trường có nhiều ngành điểm chuẩn ở mức rất cao của năm nay.
Nhóm ngành đang có điểm chuẩn cao nhất năm nay thuộc khối Khoa học xã hội, với các ngành Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, Báo chí... điểm chuẩn dao động từ 29,9 đến 29,95 điểm.
Bức tranh điểm chuẩn đại học năm 2022 có gì thú vị? Ảnh: Lao Động. |
Đáng chú ý, nhóm ngành Sư phạm đã vươn lên xếp ở vị trí số 2 trong top các ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay.
Điểm chuẩn của ĐH Hồng Đức năm 2022 gần "chạm trần". Hai ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là ĐH sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và ĐH sư phạm Lịch sử chất lượng cao là 39,92 điểm (thang điểm 40).
Ngoài ra, ngành ĐH sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn đạt mức 29,75 điểm (thang điểm 30).
Điểm chuẩn của ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cũng tăng cao, ngành Giáo dục tiểu học có điểm chuẩn là 28,55.
Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, có 3 ngành lấy điểm chuẩn là 28,5 gồm Giáo dục chính trị - tổ hợp C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả 3 ngành cao hơn năm ngoái 0,25-1 điểm.
Đây là điều đã được các chuyên gia dự báo trước khi số điểm giỏi thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn tăng và phổ điểm môn Lịch sử đẹp hơn so với năm ngoái.
Xếp thứ 3 là nhóm ngành Công nghệ thông tin. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin của ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang có điểm chuẩn cao nhất trong số các trường kỹ thuật đến thời điểm này với 29,15 điểm.
Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin (Việt - Nhật) tại ĐH Bách khoa Hà Nội là 27,25 điểm; ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy điểm chuẩn ngành này là 27,9. Như vậy, thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn mới có cơ hội đỗ.
Ngoài ra, điểm chuẩn của khối ngành Kinh tế, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kiểm toán, Thương mại điện tử, Marketing... cũng có điểm chuẩn cao, dao động trong khoảng 28-28,20 điểm.
Điểm chuẩn ngành Y Dược giảm, nhiều trường dự báo tuyển bổ sung
Dù thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn cao trong năm nay, điểm trúng tuyển nhóm ngành Y Dược tại các trường đại học vẫn giảm sâu. Trong đó, điểm chuẩn ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) dao động từ 24,25 đến 27,3, giảm so với năm ngoái từ 0,85-1,15 điểm.
Điểm chuẩn trúng tuyển ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương năm nay dao động từ 19-25,4 điểm. Trong đó, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất trường với 25,4 điểm (giảm 0,7 so với năm 2021). Tiếp theo là ngành Kỹ thuật Xét nghiệm y học với 22 điểm (giảm 1,9 so với năm 2021). Ngành Điều dưỡng có điểm chuẩn thấp nhất là 19 điểm và giảm 2 điểm so với năm 2021.
Tại ĐH Y tế Công cộng, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, mức điểm chuẩn năm nay của trường nằm trong khoảng 15-21,5 điểm, giảm gần 2 điểm so với năm 2021 ở hai ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Đặc biệt, điểm chuẩn của ĐH Y Dược Hải Phòng năm nay rơi vào 19,1-26,2 điểm, giảm 0,6-3 điểm so với năm 2021. Đặc biệt, có 3 ngành Điều dưỡng, Y dược dự phòng và Y học cổ truyền giảm 2-3 điểm về sát điểm sàn.
TS Nguyễn Hải Ninh - Phòng Quản lý Đào tạo Đại học (ĐH Y Dược Hải Phòng) - cho biết đây là thực trạng chung của các trường Y Dược năm nay do điểm môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khá thấp.
"Nhiều trường Y Dược năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu ngay từ khi lọc ảo với ngành Y học dự phòng và Điều dưỡng, dự kiến tuyển bổ sung vào đợt 2.
Ví dụ, với ngành Điều dưỡng của ĐH Y Dược Hải Phòng năm nay, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường là 618, kết quả lọc ảo trả về số thí sinh trúng tuyển đến sát điểm sàn chỉ 140-160/200 chỉ tiêu của ngành này.
Tương tự ngành Y học dự phòng với 249 thí sinh đăng ký xét tuyển, qua các vòng lọc ảo chỉ trả về 32-47/60 chỉ tiêu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển với điểm sát điểm sàn", TS Nguyễn Hải Ninh thông tin.
ĐH Y Hà Nội là một trong những trường top đầu đào tạo về Y Dược và được nhiều thí sinh hướng tới, chưa công bố điểm chuẩn nhưng trước đó, lãnh đạo nhà trường đã đưa ra dự báo.
Ông Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội - cho biết điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay giảm 0,5-1 điểm, tùy từng ngành. Ngành cao điểm nhất là Y đa khoa và không có ngành nào tăng điểm so với năm ngoái.
Điểm thi THPT 2022
Nam sinh tốt nghiệp điểm cao nhất Bách khoa tự trách vì đỗ đại học
Là người duy nhất trong số 3 anh em trai được đi học đại học, thế nhưng, Dương nhiều lần tự trách vì bản thân mang thêm gánh nặng cho gia đình.
Hơn 11.500 thí sinh tranh suất sớm vào trường Sư phạm
Sáng 11/5, hơn 11.500 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để tranh suất vào các trường Sư phạm trên cả nước.
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024
Cả nước có 1.067.391 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2023 khoảng 43.300 em.
Tỷ lệ chọi vào trường chuyên Hà Nội giảm mạnh, có lớp giảm hơn một nửa
Theo số liệu thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, tỷ lệ chọi vào 4 trường THPT chuyên và có lớp chuyên của thành phố giảm mạnh.
IDP lên tiếng vụ cấp 56.200 chứng chỉ IELTS không hợp lệ
Bộ GD&ĐT nói 56.200 chứng chỉ IELTS do IDP cấp không hợp lệ, song đơn vị này khẳng định số chứng chỉ này được 12.000 tổ chức trên toàn thế giới công nhận.