![]() |
Tại Việt Nam, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, một phần nguyên nhân là lối sống và nhịp sinh hoạt thiếu khoa học. Ảnh: Freepik. |
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhưng tại khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, các bác sĩ lại đón nhận hai ca bệnh đặc biệt. Hai thiếu niên, một nam, một nữ, vừa tròn 15 tuổi, nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, nói đớt, méo miệng - những dấu hiệu điển hình của đột quỵ.
Đột quỵ ở tuổi niên thiếu hay mới ngưỡng 20, 30 - điều hiếm gặp nhưng nay đã trở thành một thực trạng đáng lo ngại.
"Có lẽ không ai ngờ, thiếu niên 15 tuổi lại đột quỵ"
Đối với trường hợp nữ sinh, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường như nói đớt, méo miệng, người thân đã lập tức đưa em đến bệnh viện. Nhờ đó, quá trình thăm khám, chẩn đoán và can thiệp được thực hiện kịp thời.
Ngược lại, trường hợp nam thiếu niên lại diễn biến phức tạp hơn. Ban đầu, nam sinh được đưa đến một cơ sở y tế địa phương nhưng không xác định được nguyên nhân chính xác. Mãi đến 2-3 ngày sau, khi các triệu chứng không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn, gia đình mới đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115.
"Có lẽ các bác sĩ tại cơ sở y tế trước đó cũng không ngờ rằng một thiếu niên 15 tuổi lại bị đột quỵ", PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Qua thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ xác định cả hai bệnh nhân đều bị hẹp động mạch não, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây ra đột quỵ. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, tình trạng hẹp động mạch não có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở người châu Á, đặc biệt liên quan đến yếu tố di truyền, gene và chủng tộc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hẹp động mạch não chiếm đến 30-50% các trường hợp đột quỵ thiếu máu não ở người châu Á. Đây là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ đột quỵ não sớm ở người trẻ có xu hướng gia tăng, trong khi nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về nguy cơ này.
Sau khi được xử trí lấy huyết khối và điều trị, theo dõi sát sao, cả hai bệnh nhân đang hồi phục tích cực.
Trước đó, một thanh niên 32 tuổi cũng được đưa đến khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, chỉ số huyết áp lúc này đã 220 mmHg, gần chạm ngưỡng tối đa.
![]() |
Ngày càng nhiều người trẻ nhập viện vì đột quỵ. Ảnh: Shutterstock. |
Theo gia đình, bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp nhưng thường xuyên bỏ thuốc. Sau cú sốc mất mẹ, anh rơi vào trạng thái đau buồn, mất ngủ nhiều đêm. Thời tiết lạnh cuối năm cùng tinh thần căng thẳng, cộng thêm việc không kiểm soát huyết áp đúng cách, đã khiến huyết áp tăng vọt, dẫn đến vỡ mạch máu não. Dù bác sĩ đã nỗ lực hết sức, phép màu không xảy ra.
Ba trường hợp trên được ghi nhận là những bệnh nhân trẻ đột quỵ mà các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 từng tiếp nhận. Không chỉ gây bất ngờ, những ca bệnh này còn là lời cảnh báo rõ ràng về thực trạng độ tuổi được phát hiện đột quỵ ngày càng trẻ hóa, không còn chỉ xảy ra ở người cao tuổi như trước đây.
Gia tăng bệnh nhân đột quỵ sau Tết
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngày vừa qua, các bác sĩ khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, đã tiếp nhận 380 ca đột quỵ, trong đó 80% bị nhồi máu não, 20% còn lại do xuất huyết não.
Dù số lượng ca bệnh cao, phần lớn người bệnh may mắn hồi phục tốt, nhiều trường hợp đã được xuất viện hoặc chuyển sang cơ sở điều trị khác. Hiện tại, khoa vẫn theo dõi và điều trị tích cực cho một số bệnh nhân nặng.
So với đợt Tết Nguyên đán năm 2024, bệnh viện tiếp nhận gần 300 bệnh nhân đột quỵ. Lượng bệnh nhân trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 15-20% .
“Thông thường, trong dịp Tết, bệnh nhân chủ yếu đến từ TP.HCM và các khu vực lân cận. Trong khi đó, vào những ngày thường, bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều trường hợp từ các tỉnh thành khác chuyển đến, khiến số ca tăng lên đáng kể”, vị chuyên gia thông tin.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Không khí làm việc khẩn trương tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong dịp Tết. Ảnh: Nguyên Hà. |
Tại phía Bắc, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận tổng cộng 566 ca đột quỵ trong kỳ nghỉ Tết, chiếm 15% số ca cấp cứu của viện. Số trường hợp đột quỵ trong dịp Tết và những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.
ThS.BS Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết số ca đột quỵ gia tăng đột biến trong dịp Tết một phần do nhiều cơ sở y tế hạn chế hoạt động. Điều này khiến bệnh nhân không thể được xử trí kịp thời tại tuyến dưới, buộc phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại đi khám sát Tết khiến nhiều người tự ý dùng lại thuốc theo đơn cũ hoặc thậm chí ngừng điều trị, không tuân thủ phác đồ của bác sĩ. Điều này làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, khi các chỉ số sức khỏe không được kiểm soát chặt chẽ.
"Trong dịp Tết, thói quen sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, ăn nhiều đồ chiên rán và uống rượu bia là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đáng chú ý, số bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện do đột quỵ chiếm tới 45% trong tổng số ca. Đây là con số đáng báo động", bác sĩ Minh Anh nhấn mạnh.
![]() |
Thói quen uống rượu bia có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Ảnh: Jernih. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 160.000 ca tử vong do đột quỵ, bao gồm tắc mạch não và xuất huyết não. Đáng lo ngại, cứ 3 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thì có 2 trường hợp không qua khỏi hoặc phải sống chung với di chứng lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng cho biết đột quỵ thường xuất phát từ các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch… Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nhóm bệnh này chỉ còn chiếm khoảng 90% tổng số ca đột quỵ, trong khi 10% còn lại có liên quan đến lối sống kém lành mạnh ở người trẻ.
Những yếu tố nguy cơ mới ngày càng phổ biến, bao gồm áp lực cuộc sống, căng thẳng kéo dài, sử dụng thuốc lá, bia rượu và chất kích thích. Đây đều là những tác nhân làm tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc vỡ mạch máu não.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ, một vấn đề đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân phớt lờ hoặc không nhận ra dấu hiệu cảnh báo sớm, dẫn đến chậm trễ trong cấp cứu. Theo thống kê, 90% trường hợp đột quỵ có biểu hiện rõ ràng như: Liệt hoặc yếu nửa người; mất cân bằng, đi lại khó khăn.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu tinh vi hơn có thể dễ dàng bị bỏ qua, ngay cả với bệnh nhân và đôi khi cả bác sĩ, chẳng hạn:
- Méo nhẹ nửa miệng
- Yếu nhẹ thoáng qua
- Suy giảm thị lực, nhìn mờ thoáng qua
Việc không nhận diện kịp thời khiến nhiều bệnh nhân không đến bệnh viện trong "thời gian vàng" (3,5-4 giờ đầu) - giai đoạn có thể can thiệp hiệu quả nhất, giảm nguy cơ để lại di chứng nặng nề.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo ngay khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn giảm nguy cơ biến chứng và di chứng nặng nề về sau.
Kẻ thù giấu mặt đáng sợ của vòng hai
Nhiều người cho rằng ăn nhiều mỡ động vật và thịt đỏ là nguyên nhân gây béo bụng. Ngoài chất béo, carbohydrate cũng là một trong những thứ khiến vòng hai ngày càng quá khổ.