Đọc bài “Tăng 8,25 điểm sau phúc khảo” những người tham gia chấm tuyển sinh ngót 30 năm nay - thấy lòng muộn phiền với ngổn ngang cảm xúc, thật lòng muốn được sẻ chia.
Việc sau phúc khảo nhiều bài thi được tăng điểm, từ đó dẫn đến hiện tượng nhiều thí sinh từ rớt thành đậu thật ra cũng là việc không có gì lạ trong thi cử.
Vì công việc phúc khảo trong công tác thi cử không ngoài mục đích minh định lại điểm thực chất của bài thi, và kết quả điểm số bài làm dẫu tăng hay giảm điểm đều nhằm giải tỏa sự hoài nghi về kết quả bài thi của thí sinh.
Thí sinh dự thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2014. |
Nhưng việc một bài làm từ kết quả sơ khảo là 0 điểm, sau phúc khảo tăng lên thành 6 điểm là một sự chênh lệch quá lớn, dù với bất cứ lý do gì, nguyên nhân nào cũng khó chấp nhận được, không chỉ từ phía thí sinh và gia đình mà cả từ phía hội đồng thi, ban chấm thi.
Trước hết, những bài thi trắc nghiệm bị sót điểm do “thí sinh tô bút chì cứng, tô không đều, tô mờ” dẫn đến “máy quét không nhận dạng được, không chấm câu đó”.
Tất nhiên có lỗi từ thí sinh nhưng dứt khoát không thể chối bỏ trách nhiệm của cán bộ coi thi. Các cán bộ coi thi đã chỉ dẫn từng thí sinh trong buổi học quy chế thi về loại bút chì, cách tô đen các ô trong phiếu trắc nghiệm một cách nghiêm túc, đầy đủ chưa?
Trong từng buổi thi trắc nghiệm, các cán bộ coi thi đã bao quát khắp phòng thi, sâu sát đến từng thí sinh, nhắc nhở các em tô kín, tô đậm các ô trong phiếu trắc nghiệm chưa hay để mặc thí sinh muốn tô thế nào thì tô, đậm hay nhạt, kín hay hở, không cần lưu tâm?
Tiếp theo, việc các bài thi tự luận bị mất điểm vì giám khảo “chấm sót ý, khác nhau về quan điểm chấm” - đặc biệt là với môn ngữ văn - thì có thể hiểu và thông cảm được.
Tuy nhiên, số lượng bài thi tự luận chênh lệch điểm vì nguyên nhân này sẽ không nhiều, số điểm chênh lệch là không đáng kể, và hai giám khảo chấm bài thi đó hoàn toàn có thể thống nhất theo các quy định hết sức cụ thể về việc xử lý các bài thi chênh lệch điểm theo quy chế thi hiện hành (quy định xử lý các bài thi chênh lệch điểm qua hai lần chấm từ 0,5 điểm trở lên).
Điều đáng lưu tâm là nguyên nhân chênh lệch điểm thứ hai: “cán bộ lên sai điểm, lên nhầm điểm”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên về lời lý giải nguyên nhân các bài thi tự luận được tăng điểm từ 0 lên 6 sau phúc khảo của một trưởng phòng đào tạo trường đại học: “Đây là lỗi sai cơ học, khi xem lại bài thi của thí sinh là nhận ra ngay. Điểm tổng của bài thi là đúng nhưng khi cán bộ lên điểm vào phiếu số 4 lại ghi nhầm số 6 thành số 0. Số 6 và số 0 ghi khá giống nhau nên cán bộ lên điểm đã bị nhầm, dẫn đến kết quả sai lệch như vậy".
Cần lưu ý trên tờ giấy làm bài thi của thí sinh có 2 hai ô ấn định rõ ràng là ô điểm bằng số và ô điểm bằng chữ sát cạnh nhau. Khi cán bộ chấm thi lên điểm vào phiếu số 4 (thường được gọi nôm na là biểu 4) thì phải lấy điểm từ nguồn là điểm ghi trên bài thi. Bên cạnh đó, trong biểu 4 cũng phân chia rõ hai cột kế cận nhau lần lượt là điểm bằng số và điểm bằng chữ.
Nhiệm vụ người lên điểm từ bài thi vào biểu 4 không phải chỉ đơn thuần đọc phần điểm bằng số trong bài thi, mà còn phải đối chiếu kỹ với phần điểm bằng chữ.
Do đó, nói rằng do “số 6 và số 0 giống nhau” nên lên điểm vào biểu 4 bị nhầm là lời biện bạch khó lòng chấp nhận.
Sự nhầm lẫn đó chỉ có thể xảy ra khi giám khảo chỉ xem phần điểm bằng số mà không quan tâm đối chiếu với phần điểm bằng chữ trên bài thi.
Cũng cần thấy thêm rằng các thí sinh sau khi hoàn thành bài thi, ra khỏi phòng thi sẽ đối chiếu với đáp án mà bộ đã công bố, có thể dự đoán kết quả bài làm của mình, tuy chưa thể hoàn toàn chính xác nhưng ít nhất cũng đánh giá được 50% điểm số, nhất là đối với những thí sinh có học lực từ loại khá trở lên.
Vậy nên, việc tiếp nhận kết quả bài thi là 0 điểm so với bài làm của mình “tương đối được” quả là một cảm giác ngỡ ngàng, ngạc nhiên, hoài nghi, thậm chí bị sốc… đối với thí sinh.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nghĩ đến những hệ lụy của việc chấm nhầm, chấm sót dẫn đến bài thi bị mất điểm, thậm chí có bài từ 6 điểm rơi tuột xuống thành 0 điểm (điểm liệt).
Trong nhiều trường hợp, dẫu các môn thi còn lại thí sinh làm bài thi đạt điểm rất cao, tổng điểm thi không hề nhỏ, nhưng có một môn bị điểm liệt thì thí sinh đó sẽ không được xét tuyển sinh vào trường đại học. Đó là một thiệt thòi, mất mát, thậm chí quá kinh khủng trong bước ngoặt đầu đời của học sinh.
Ngoài ra cũng nên xem xét giả thuyết: còn bao nhiêu em học sinh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa không có điều kiện kịp thời tiếp cận kết quả thi để làm đơn phúc khảo khi không đồng thuận, đành phải ngậm ngùi chấp nhận kết quả bài thi chưa chính xác, dẫn đến tình trạng “từ đậu thành rớt” đầy oan uổng mà bài báo đã nêu - mà lỗi này không phải do các em gây nên?
Vậy nên vấn đề còn lại đáng phải suy ngẫm với những người coi thi, chấm thi là không chỉ đảm bảo chính xác ở khâu chấm bài (chấm đúng, chấm đủ các ý, các câu trong bài làm) mà còn ở cả công đoạn cuối cùng - lên điểm vào biểu 4, tưởng chừng nhẹ nhàng, đơn giản, mà thực chất là vô cùng quan trọng, mang tính chất sống còn đối với thí sinh.
Việc này không chỉ quyết định đến sự đậu - rớt đối với các thí sinh, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc củng cố, tăng cường niềm tin của cả xã hội đang kỳ vọng vào tính công bằng, nghiêm túc, minh bạch từ hoạt động thi cử của ngành giáo dục trong tiến trình đổi mới hoạt động thi cử đã bắt đầu khởi động ngay từ đầu năm học này.