Trong cuộc họp báo chiều 9/9, Bộ GD-ĐT đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và làm căn cứ thi đại học sẽ được tổ chức từ 2015.
Xem chi tiết 9 điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại đây.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT. |
- Thí sinh tự do sẽ tham dự thi kỳ thi này như thế nào?
- Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với cả hai mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi của mình.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với khối thi của trường mà mình lựa chọn để xét tuyển, chứ không phải thi các môn không phục vụ xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn.
- Cấu trúc, nội dung đề thi của kỳ thi THPT quốc gia?
- Ban soạn thảo sẽ kế thừa những thành công của đề thi năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu lớp 12.
Đề thi, vừa có phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản nâng cao. Đây là dữ liệu đủ tin cậy để xét tuyển ĐH, CĐ.
Đề thi không tách riêng phần dành cho xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ. Chỉ có một đề thi và có câu hỏi nâng cao để đủ phân loại thí sinh làm cơ sở căn cứ vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Việc xét công nhận tốt nghiệp vẫn tương tự như năm 2014 gồm kết quả thi kết hợp với điểm đánh giá quá trình.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học từng năm theo hướng phát triển năng lực. Cùng với đó, tỷ lệ các câu hỏi khó, yêu cầu cao sẽ tăng lên. Học sinh sẽ phải làm quen với các câu hỏi yêu cầu phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức liên môn và liên hệ với thực tế.
Việc đổi mới nội dung đề thi sẽ được tiến hành từng bước để không gây sốc cho thí sinh.
- Việc tổ chức thi theo cụm sẽ diễn ra như thế nào để tránh tình trạng quá tải?
- Việc thiết kế kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những gì tốt nhất của ba chung. Việc giao tổ chức các cụm thi cho các trường, địa phương căn cứ vào các tiêu chí sau năng lực trường đại học về đội ngũ, cơ sở vật chất; lưu lượng học sinh lớp 12 ở địa phương; thuận tiện đi lại cho học sinh.
Dựa trên các tiêu chí này, Bộ sẽ mở rộng số lượng cụm thi phù hợp, vừa sức tải của trường, địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ tính toán trên các cở sở 4 cụm trong kỳ thi đại học vừa qua. Dự kiến mỗi cụm có khoảng 30.000-40.000 thí sinh trở lại, không sợ quá tải.
- Các thí sinh sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng?
- Khác với những mùa thi trước, ở kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả, thí sinh sẽ đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu cụ thể. Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định (công bố trước ngày 1/1/2015).
Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Với thay đổi này, Bộ GD-ĐT hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt.
Bộ cũng sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên mạng.
- Lợi ích của các thí sinh khi tiến hành tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?
- Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi ba chung trước đây.
Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh.