Để truyền tải những cảm xúc đẹp đẽ về tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có sự góp công rất lớn của 3 diễn viên nhí: Thịnh Vinh, Trọng Khang, Thanh Mỹ thể hiện bộ ba vai diễn: Thiều - Tường - Mận. Những thiên thần của đạo diễn Victor Vũ đã hóa thân thành những cô, cậu bé thôn quê nghèo vùng ven biển bằng tất cả sự tự nhiên, ngây thơ và cảm xúc tinh khôi sẵn có. Đã lâu lắm rồi sau những Hùng Thuận hay Lan Hà, chúng ta mới có lại những diễn viên nhí nổi bật và ấn tượng như vậy. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và đào tạo tài năng diễn viên nhí đang là vấn đề quan tâm của người trong giới.
Tìm kiếm không dễ
Đạo diễn Victor Vũ cho biết khi bắt tay thực hiện bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một trong những điều anh lo lắng, trăn trở nhất là làm sao tìm được 3 diễn viên nhí phù hợp với nhân vật. Bởi những đứa trẻ là linh hồn của bộ phim, nếu diễn viên không tốt sẽ dễ… thất bại. Phải mất một thời gian dài từ việc lựa chọn ra 50 bức ảnh từ hàng trăm bức ảnh được gửi về cho đến khâu catsting (thử vai), Victor Vũ mới chọn được 3 gương mặt là Thanh Mỹ, Trọng Khang và Thịnh Vinh. Cả 3 gương mặt này đều đã tham gia đóng phim trước đó. Có lẽ trong số các diễn viên nhí này, không có nhiều gương mặt sáng giá, vừa hợp vai lại vừa có khả năng diễn xuất đã buộc đạo diễn phải chọn 3 gương mặt quen thuộc. Thế mới thấy để tìm được diễn viên nhí mới, mang tính phát hiện thật sự không dễ dàng.
Đạo diễn Victor Vũ (trái) hướng dẫn diễn xuất cho diễn viên nhí trên trường quay phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp) |
Là người có kinh nghiệm làm phim thiếu nhi gần 10 năm nay nhưng đạo diễn Lê Bảo Trung mới đây khi làm phim Bảo mẫu siêu quậy đã chia sẻ: “Tôi phải trằn trọc rất nhiều đêm vì không biết mình sẽ tìm diễn viên ở đâu và liệu có tìm ra gương mặt phù hợp với ý muốn ban đầu hay không”. Cuối cùng, anh cũng phải chạy đôn chạy đáo đi lùng sục khắp mọi nơi, từ trường học đến các nhà văn hóa trong thành phố và các tỉnh lân cận, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Đạo diễn Tường Phương từng phải trần ai đi khắp nơi suốt mấy tháng liền mà không tìm được 3 diễn viên nhí phù hợp cho phim của mình, cuối cùng phải lên tận Châu Đốc mới thấy. “Đây là công việc rất gian nan, mất quá nhiều thời gian và công sức. Đã không ít lần tôi định bỏ cuộc” - đạo diễn Lê Bảo Trung nói. Đạo diễn Nhuệ Giang không ít lần nản chí khi cứ phải tìm kiếm diễn viên nhí ròng rã suốt 6 tháng cho vai Thu trong phim Tâm hồn mẹ.
Đạo diễn nào cũng mong muốn diễn viên nhí phải đáp ứng được 2 tiêu chí là ngoại hình hợp vai và biết diễn xuất. Song, nói như đạo diễn Nguyễn Minh Chung, để tìm được diễn viên như vậy khó như mò kim đáy biển bởi thường diễn viên có ngoại hình thì lại không biết diễn xuất và ngược lại. Nhiều đạo diễn đã ưu tiên chọn yếu tố hợp vai trước, còn chuyện diễn được hay không sẽ… tính sau. Đó cũng là lý do sau khi tìm được 3 diễn viên nhí, đạo diễn Tường Phương phải nhờ các giảng viên của Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP HCM dạy diễn xuất. Đạo diễn Quốc Thịnh cũng từng đưa các nữ diễn viên nhí trong bộ phim Hương cỏ dại đến một người có kinh nghiệm dạy diễn xuất để các em học hỏi vì các cô bé này không hề biết diễn xuất là gì. Học xong mấy tháng trời, các diễn viên nhí này mới vào vai được nhưng diễn xuất cũng chỉ ở mức bình thường.
Diễn xong rồi thôi
Đạo diễn Nguyễn Minh Chung cho rằng không thể đòi hỏi các diễn viên nhí diễn xuất chuyên nghiệp vì hiện nay, việc đào tạo, phát triển những măng non này chưa được quan tâm. “Khi làm phim, các đạo diễn đều đi tới các nhà văn hóa, đội kịch để tìm. Đây là nơi cung cấp diễn viên nhí chủ yếu” - đạo diễn của Kính vạn hoa nói thêm. Song theo nhiều đạo diễn, các diễn viên nhí nơi đây có kinh nghiệm đứng trước ống kính nhưng không phải bao giờ cũng hợp với vai diễn trong phim của họ. Vậy nên, nhiều người đã phải tìm những tài năng mới rồi đào tạo. Thế nhưng, việc dạy diễn xuất chỉ là tạm thời, mang tính… chữa cháy để đáp ứng cho một vai diễn trong phim nào đó rồi thôi.
Hiện nay, cũng có các lớp học, câu lạc bộ đào tạo diễn viên nhí tại các nhà văn hóa, trường học hoặc ở nhà nhưng không thường xuyên. Nói như một đạo diễn rằng sự cố gắng này rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu giảng dạy, đào tạo và số lượng còn ít ỏi. Đó là lý do khi tìm vai An cho phim Đất phương Nam, đạo diễn Vinh Sơn cũng kiếm diễn viên nhí từ nhà văn hóa, đội kịch thiếu nhi nhưng kết quả vẫn không có em nào hợp với vai diễn. Hùng Thuận là diễn viên được phát hiện tình cờ và diễn xuất bằng bản năng. Nhưng bản năng trời phú đâu thể nào tồn tại lâu dài mãi, cần phải được nuôi dưỡng, đào tạo. Nói như đạo diễn Vinh Sơn: “Vấn đề là khi đã được phát hiện và tỏa sáng như Hùng Thuận, chúng ta cần có chiến lược phát triển ngay sau đó”. Không có nơi đào tạo khởi nguồn, cũng không có chiến lược đào tạo, phát triển sau khi tài năng tỏa sáng chính là lý do khiến điện ảnh Việt đánh rơi nhiều tài năng.
Lãng phí tài năng
Ở các nước phương Tây, diễn viên nhí sau khi được phát hiện sẽ được chuyển vào sống ngay tại trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa được học về văn hóa vừa được học về diễn xuất. Nền điện ảnh các nước cũng chú trọng đầu tư, áp dụng các chính sách, chiến lược bảo đảm quyền lợi và cơ hội phát triển lâu dài cho các em. Còn ở Việt Nam, mong muốn một nơi đào tạo diễn viên nhí thật sự chuyên nghiệp để có một nguồn diễn viên nhí ổn định và chất lượng cho các dự án phim xem ra còn quá xa vời. Một đạo diễn thở dài: “Tôi rất tiếc khi từng thấy Hùng Thuận, Lan Hà… tỏa sáng rồi vụt tắt. Diễn viên nhí tài năng đã ít ỏi mà chúng ta con quá lãng phí”. Đạo diễn Nguyễn Minh Chung bức xúc: “Số lượng phim thiếu nhi quá ít nên các tài năng nhí đóng xong 1 phim rồi… thôi. Không ai mặn mà với việc làm phim thiếu nhi dẫn đến chuyện đào tạo cũng bị bỏ quên”.