“Tái hiện” bữa cơm tất niên quen thuộc của gia đình, gọi video call chúc Tết bố mẹ, hay cố gắng “đoàn tụ muộn” cùng cả nhà… là những việc bạn có thể làm để vượt qua nỗi buồn nơi xa quê hương.
Tái hiện bữa cơm tất niên quen thuộc
Bữa cơm tất niên luôn là thời điểm được mong chờ, vì đây là lúc tất cả thành viên trong gia đình được đoàn tụ sau thời gian dài xa cách. Ngày cuối năm, ai cũng muốn xắn tay giúp mẹ nấu ăn, cùng bố bày chén đĩa, những lời thăm hỏi, chuyện trò dường như tuôn trào bất tận.
Nếu không thể về nhà quây quần với bố mẹ trong bữa cơm tất niên, hãy thử tái hiện những món ăn quen thuộc, hương vị thân thương đã theo mình từ khi ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Bữa cơm tất niên cùng gia đình là là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa trong dịp Tết. . |
Chị Hồ Thu Hiền (TP.HCM) cho biết, kể từ khi lấy chồng, chị rất hiếm khi về Nghệ An đón Tết cùng bố mẹ. “Dù không được ở bên gia đình, nhưng tôi vẫn nấu bữa cơm tất niên theo kiểu của mẹ, với một số món khác biệt chỉ nhà tôi ăn, cùng cách nêm nếm truyền thống gia đình. Nhờ đó, tôi có cảm giác cả nhà vẫn ở bên nhau”, chị Hiền nói.
Tái hiện bữa cơm tất niên của bố mẹ không chỉ giúp bạn cảm thấy như đã về nhà, mà còn là động lực để người trẻ chuẩn bị cái Tết chu đáo, không qua loa, dù ở một mình hay với gia đình riêng.
Gọi video call chúc Tết bố mẹ
Nhờ sự phát triển của công nghệ, mọi người có thể nhìn thấy, nghe giọng của nhau vào bất kỳ lúc nào. Gọi video call thăm hỏi và chúc Tết gia đình cũng là cách được những người con xa quê tận dụng tối đa, vừa để cập nhật tình hình gia đình và bản thân, vừa đỡ nhớ nhà.
Anh Nguyễn Trọng Hiếu (Đà Nẵng) kể lại dịp Tết năm ngoái, anh làm việc trong nhà máy ở xa và đang chạy tiến độ cho kịp hoàn thiện đơn hàng trả khách, nên không kịp về ăn Tết cùng bố mẹ.
Chúc Tết bằng giọng nói và hình ảnh giúp mọi người có cảm giác gần gũi hơn. |
“Nhờ gọi video call, được nhìn thấy mình vẫn khỏe mạnh, vẫn có bữa cơm tất niên cùng nhiều anh em đồng nghiệp, phòng ốc của công ty vẫn có trang trí hoa mai, hoa đào… bố mẹ yên tâm hơn hẳn. Mình cũng cảm thấy bớt nhớ nhà, vẫn có thể thăm hỏi và chúc Tết các cụ”, anh Hiếu nhớ lại.
Nếu một lý do nào đó khiến bạn phải ăn Tết xa nhà, hãy gọi video call cho gia đình, thay vì chỉ nhắn tin hay gọi điện thông thường. Được giao tiếp bằng cả giọng nói và hình ảnh giúp mọi người có cảm giác gần gũi hơn, những ngày Tết nhờ đó cũng trở nên diệu kỳ.
Về nhà vào mùng 2 Tết
Trải qua năm 2020 khó khăn về kinh tế, nhiều người trẻ đi xa lập nghiệp bày tỏ sự phân vân không biết có nên về nhà ăn Tết, bởi chi phí đi tàu xe, máy bay những ngày này đòi hỏi một khoản tiền không nhỏ, đặc biệt với gia đình trẻ.
Anh Vũ Tiến Hạnh (TP.HCM) bộc bạch, năm vừa qua công ty làm ăn không tốt, cả anh và vợ đều không có thưởng Tết. Gia đình 3 người quyết định ở lại đến mùng 2 Tết mới về Hà Nội đoàn tụ với ông bà.
Chỉ cần cả nhà nhớ đến nhau, ngày Tết sẽ luôn diệu kỳ. |
“Bố mẹ mình và nhà vợ đều hiểu và thông cảm, nên không bắt vợ chồng phải về đúng ngày. Ngược lại, vé máy bay mùng 2 Tết trở đi có giá mềm hơn, gia đình mình vẫn có thể về nhà ăn Tết, chỉ là chậm hơn mọi người một ngày thôi”, Hạnh phân tích.
Chị Ngọc Linh, vợ anh Hạnh cho biết, mọi người vẫn sẽ tổ chức ăn “tất niên online” trước khi được về nhà.
Ngày Tết là dịp để mọi người được nghỉ ngơi và trò chuyện, chia sẻ những điều tích cực. Vậy nên, dù ở gần hay ở xa, chỉ cần cả nhà nhớ đến nhau là đủ để tạo nên một cái Tết diệu kỳ cho tất cả mọi người.
Zing cùng Coca-Cola đồng hành thực hiện tuyến bài “Điều giản dị làm nên Tết diệu kỳ” nhằm lan toả niềm vui và hy vọng về Tết diệu kỳ cùng một năm mới lạc quan. Từ ngày 9/1 đến 5/2, bạn cũng có thể chung tay cùng Coca-Cola thực hiện các hành động nhỏ làm nên Tết diệu kỳ tại đây.
Bình luận