Quân đội Hà Lan tham gia một cuộc tập trận ở Bắc Cực. Nguồn: Bộ Quốc phòng Hà Lan. |
Khi 600 lính thủy đánh bộ Hà Lan khoét lỗ trên một vịnh hẹp bị đóng băng ở Na Uy vào tháng trước, rồi lần lượt trượt vào đó, mọi thứ dường như đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Hoạt động này là một phần trong bài huấn luyện của họ ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, khi đến lúc quay trở lại mặt băng, trong bộ đồ mùa đông ướt sũng, họ gặp phải một vấn đề bất ngờ: Trời quá ấm.
“Thông thường, kỹ thuật là khi ra khỏi mặt nước, bạn lăn khô mình trong tuyết khô, nhưng bây giờ nhiệt độ là 8 độ C. Vì vậy, lớp băng trên cùng hoàn toàn ướt”, Phó đề đốc Jeanette Morang, thuộc Hải quân Hoàng gia Hà Lan, cho biết.
Những thách thức đối với lực lượng quân sự ở một nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm 60 độ C không phải là điều gì đó mới. Thiếu ván trượt - hoặc kỹ năng sử dụng chúng - đã cản trở nỗ lực của quân đồng minh trong việc giúp Na Uy đẩy lùi quân Đức vào năm 1940.
Tuy nhiên, những khó khăn đó lại càng lớn hơn, khi biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ biến động mạnh hơn và thời tiết khắc nghiệt hơn trong một môi trường luôn đẩy những người lính đến giới hạn.
Thách thức mới
Băng vĩnh cửu đang tan hay những tảng băng khó đoán trên mặt hồ và biển, thậm chí là mưa, đang tạo ra những thách thức mới trên khắp Bắc Cực.
CNBC dẫn một báo cáo vào cuối năm 2022 cho biết Bắc Cực đang trở nên ẩm ướt và nhiều bão hơn do biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng cho biết năm 2022 là năm nóng thứ 6 được ghi nhận ở khu vực này.
Đồng thời, căng thẳng địa chính trị đang nâng cao tầm quan trọng quân sự của khu vực này, khi sự nóng lên toàn cầu mở ra cho khu vực những cơ hội kinh tế mới. Điều đó bao gồm những tuyến thương mại hái ra tiền và tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác.
Trung tá Simen Sandum, quan chức tại một đơn vị thuộc NATO, cho biết nhu cầu về các năng lực tác chiến ở Bắc Cực ngày càng tăng, khi các thành viên của tổ chức này bắt đầu tập trung nhiều hơn vào phía bắc.
Na Uy từ lâu đã là lựa chọn hàng đầu của NATO cho hoạt động huấn luyện ở phía bắc vì có điều kiện thời tiết đa dạng. Vào tháng 3, hàng nghìn binh sĩ đang bất chấp thời tiết lạnh giá và tham gia huấn luyện trên bộ, trên không và trên biển quanh Na Uy như một phần của cuộc tập trận “Cold Response” của NATO.
Thủy quân lục chiến Hà Lan trèo ra khỏi mặt băng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan. |
NATO cho biết khoảng 30.000 quân từ 27 quốc gia, trong đó có Mỹ, đang tham gia cuộc tập trận kéo dài đến ngày 1/4, theo New York Post.
Giới chức quốc phòng cho biết cuộc tập trận thử thách sự hợp tác của lực lượng quân sự trong môi trường Bắc Cực với địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, khi sự nóng lên ở Bắc Cực tăng tốc, ông Sandum cho biết quốc gia này, cùng với phần lớn khu vực Scandinavia, đang chứng kiến sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn của nhiệt độ hay điều kiện tuyết,...
Ở nhiệt độ âm 60 độ C, da bị đóng băng trong chưa đầy một phút, song quá ấm cũng có thể là một vấn đề, đặc biệt nếu nhiệt độ thay đổi nhanh chóng.
Mồ hôi cần được kiểm soát; độ ẩm làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt và chứng bợt da chân. Nơi trú ẩn tạm thời ở Bắc Cực cũng cần được trang bị để làm khô quần áo.
“Nếu bạn bị lạnh và bị ướt, bạn sẽ càng lạnh hơn. Và điều đó có thể ảnh hưởng đến nhuệ khí, thể chất và khả năng tâm lý của đơn vị, khi thực hiện các chiến dịch. Vì vậy, tôi hoàn toàn hiểu khi những người lính nói rằng điều kiện tồi tệ nhất là khoảng 0 độ C”, ông Sandum chia sẻ.
Khi tuyết rơi vào bên trong thiết bị, tan chảy rồi đông lại, thiết bị có thể gặp trục trặc. Nhiệt độ dao động quanh mức đóng băng có nhiều khả năng cần đến các hóa chất trên đường băng để giảm băng. Điều đó có thể làm hỏng động cơ của máy bay chiến đấu, trừ khi chúng được làm sạch ngay lập tức.
Khó khăn hơn
Emma Melby, một người lính tham gia cuộc tập trận chung Viking ở Na Uy, cho biết súng trường tấn công có thể bị kẹt.
“Đôi khi chúng tôi phải mở súng ra chỉ để lau chùi. Đôi khi, chúng tôi phải làm ấm nó”, cô nói về khẩu súng HK416 của mình.
Trong khi đó, Walter Berbrick, Giám đốc nhóm nghiên cứu Bắc Cực tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết việc truyền đi thông điệp về tác động của biến đổi khí hậu trở nên quan trọng hơn nhiều trong môi trường này.
Ông cho biết máy bay hoạt động khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ và áp suất không khí. Điều đó đồng nghĩa một số đường băng ở Bắc Cực có thể cần được mở rộng để có không khí ấm hơn và ẩm hơn.
“Các hệ thống vũ khí và đạn dược đó sẽ cần phải thích ứng với những điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt và sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng đó”, ông nhận định.
Mia Leoh, một người lính Na Uy khác, đã trải qua sự thay đổi như vậy trong cuộc tập trận chung Viking gần đây, khi nhiệt độ giảm từ 5 độ C xuống âm 28 độ C trong một tuần.
Xe chiến đấu bộ binh CV90 gần Bardufoss, Na Uy, trong cuộc tập trận chung Viking với lực lượng NATO vào ngày 8/3. Ảnh: Bloomberg. |
Tính cơ động trở nên phức tạp hơn. Người lính cần phải mang theo nhiều thiết bị hơn và thậm chí yêu cầu về thực phẩm cũng thay đổi. Bloomberg lý giải rằng nhiệt độ lạnh hơn đòi hỏi khẩu phần có hàm lượng calo cao hơn.
Trong khi đó, tuyết ướt thì lại nặng hơn và việc bị ướt sẽ rút ngắn thời gian bạn có thể ở bên ngoài. “Khi chúng tôi đang chạy, điều đó thực sự khó khăn - chúng tôi rất nhanh mệt mỏi. Chúng tôi đang tập luyện trong những điều kiện khó khăn hơn để trở nên tốt hơn trong những điều kiện dễ dàng hơn”, cô nói thêm.
Các quốc gia Bắc Cực có băng vĩnh cửu, như Mỹ và Canada, đang gặp những thách thức về kỹ thuật. Một báo cáo từ Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm ngoái đã kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các căn cứ ở Bắc Cực và cận Bắc Cực.
Báo cáo kết luận rằng các nhà lãnh đạo đã không làm đủ để thích ứng với những thay đổi liên quan đến khí hậu.
Sindre Hagensen, một trung sĩ thuộc Tiểu đoàn Pháo binh Na Uy với 25 năm kinh nghiệm, thời tiết khắc nghiệt hơn, khó dự đoán hơn khiến không còn nhiều chỗ cho những sai sót. Mọi chi tiết nhỏ đều cần được cân nhắc kỹ, từ việc ghi nhớ nơi bạn đặt găng tay đến dọn tuyết vướng vào xe trước khi tuyết tan và đông lại.
“Chúng tôi thích điều kiện lạnh và ổn định hơn”, ông Hagensen nói.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.