'Điều khiển' hormone để giảm cân
Giảm cân bằng ăn kiêng, tập thể dục, hút mỡ... hầu như chị em đều đã trải qua. Nhưng giảm cân bằng hormone? Bạn đã nghe bao giờ chưa?
Các hormone trong cơ thể không chỉ góp phần vào chức năng hoạt động của các cơ quan mà còn là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc, ham muốn. Vì vậy, hãy lợi dụng chức năng ấy để biến hormone thành công cụ giảm cân hữu hiệu.
Ghrelin
Ghrelin được tiết ra từ bao tử. Nó phát tín hiệu tới não khiến bạn nhanh cảm thấy đói. Khi bạn tăng cường các hoạt động giúp giảm calorie trong cơ thể thì nồng độ ghrelin lại được kích thích để tăng cao. Hay nói cách khác, cơ thể bạn không bao giờ có thể thích nghi với việc ăn kiêng, cũng sẽ không ngừng phát ra tín hiệu cần được ăn. Điều đó cũng lý giải vì sao duy trì cân nặng đôi lúc còn khó hơn cả việc giảm cân vậy.
Nhưng tin vui là nồng độ ghrelin vẫn có thể được giảm chỉ bằng những bài tập thể dục cường độ cao và thường xuyên. Áp dụng được chúng trong chế độ giữ dáng của mình là bạn đã nắm được chìa khóa giảm cân và duy trì cân nặng rồi đấy.
Leptin
Leptin là loại hormone mang tên adipokine tạo ra từ các tế bào mỡ. Chúng tương tác với não bộ để cơ thể ăn ít hơn và đốt cháy nhiều calorie. Để tối đa hóa độ nhạy của leptin, đơn giản nhất là hãy ngủ đủ giấc và thêm vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình các loại rau củ xanh và đỏ, các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa. Giảm cân cũng là yếu tố thúc đẩy độ nhạy của hormone và giảm cân được chừng nào thì leptin càng hoạt động hiệu quả chừng ấy.
Adiponectin
Cũng là một loại adipokine, nhưng trái ngược với leptin, adiponectin chỉ tiết ra nhiều khi cơ thể càng săn chắc, gọn gàng. Nó giúp cơ bắp sử dụng carbonhydrate để tạo thành năng lượng, tăng cường sự trao đổi chất, hạn chế cơn thèm ăn của bạn.
Cách tạo ra nhiều lượng adiponectin trong cơ thể cũng rất đơn giản, chỉ cần bạn chịu khó di chuyển trong ngày và thay thế toàn bộ carbonhydrate trong bữa ăn với các chất béo đơn không bão hòa (có trong dầu oliu, trái bơ...)
Insulin
Insulin đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể và là chìa khóa để cơ thể phục hồi sau những bài tập, tạo cơ bắp và duy trì lượng đường tối đa trong máu. Mặc dù vậy, khi lượng hấp thụ carbonhydrate cao và insulin dư thừa, nó sẽ ức chế quá trình phân hủy và đốt cháy chất béo trong cơ thể. Nhằm hạn chế quá trình đó xảy ra, cố gắng chỉ nạp carbonhydrate từ rau củ, trái cây, giảm lượng tinh bột và các loại ngũ cốc ngay sau khi tập thể dục.
Kích thích hormone có lợi
Thực đơn giàu protein, ít carbonhydrate sẽ kích thích glucagon và cholecystokinin - 2 loại hormone tăng cường đốt cháy chất béo và làm chậm tốc độ tiêu hóa, tức hạn chế cơn thèm ăn. Thực hiện các bài tập cường độ cao trong thời gian ngắn. Đừng quên một giấc ngủ sâu và đủ là yếu tố quan trọng để bài tập có hiệu quả. Thỉnh thoảng hãy tự thưởng bản thân bất cứ món ăn gì. Điều đó sẽ giảm cơn thèm ăn của bạn một cách đáng kể và tạo động lực để những bài tập sau đó đạt hiệu quả hơn.
Theo Mẹ yêu bé