Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đình chỉ điều tra sau ngàn ngày ngồi tù

Ðó là chuyện ông Ðào Quốc Túy (76 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM). Hiện VKSND TP đã rút hồ sơ vụ án liên quan đến ông để xem xét lại.

Ðây cũng là vụ án được đưa ra trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại TP HCM được tổ chức hồi cuối tháng 12/2014.

4 lần xử, 2 lần trắng án

Tôi bị cơ quan điều tra Công an TP HCM khởi tố, bắt giam từ ngày 25/6/1996, rồi xử sơ thẩm hai lần, phúc thẩm hai lần về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt là 15.000 USD. Ðến ngày 13/12/1999, tôi mới được cho tại ngoại.

Tôi vẫn nhớ rất rõ hôm người ta đến bắt tôi, cả tôi lẫn vợ đều không thể nào tưởng tượng được. Quãng đường từ nhà vào trại tạm giam trên xe bít bùng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trải qua nhiều đắng cay và nước mắt, cho đến giờ tôi không bao giờ quên được những tháng ngày cay đắng ấy.

Ông Đào Quốc Túy.
Ông Đào Quốc Túy.

Nguyên do của vụ việc là tôi có một thửa đất tại  quận Gò Vấp. Trong quá trình xây nhà xưởng, tôi có chào hàng thông báo nhu cầu cho thuê, trong đó có một phụ nữ ký hợp đồng với tôi, bà đặt cọc 15.000 USD. Sau đó, người này làm đơn tố cáo tôi lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặt cọc đó.

Tuy nhiên, qua hai lần xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên tôi trắng án, nhưng VKSND TP kháng nghị, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm để làm rõ một số nội dung. Trong thời gian tòa trả hồ sơ lại lần 2, ngày 13/12/1999 cơ quan điều tra Công an TP HCM ra quyết định đình chỉ bị can đối với tôi.

Dù vụ án đã được giải quyết xong, tôi vẫn cảm thấy oan ức, từ năm 2008 đến nay tôi liên tục làm nhiều đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi yêu cầu cơ quan điều tra Công an TP HCM trả lại sự trong sạch cho tôi, bồi thường danh dự nhân phẩm bởi 2 năm 8 tháng 13 ngày bị tạm giam ngồi tù là oan sai.

Hậu quả đeo bám nặng nề

Tôi không còn nhớ mình gửi đi bao nhiêu đơn thư khiếu nại. Văn bản cuối cùng của cơ quan chức năng trả lời cho tôi là quyết định giải quyết khiếu nại của VKSND TP ngày 31/10/2008.

Quyết định này cho rằng quyết định đình chỉ điều tra bị can là có căn cứ, nhưng tôi không bị oan, tôi có tội. Ðồng thời VKSND TP cũng cho biết quyết định giải quyết khiếu nại này là cuối cùng.

Người đàn ông ngồi tù oan được bồi thường sau 8 năm

Sau hơn 4.000 ngày ngồi tù oan và gần 9 năm nộp đơn đề nghị cơ quan tố tụng "trả lại" sự trong sạch, bồi thường thiệt hại, đến nay yêu cầu của ông mới được chấp nhận một phần.

Kể từ khi nhận được quyết định nêu trên, tôi không gửi đơn khiếu nại đến Viện KSND TP nữa, nhưng tôi vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng khác ở cấp trung ương.

Vụ án đã xảy ra gần 20 năm, nhưng những ngày tù tội và hậu quả của việc khởi tố, truy tố, xét xử còn đeo bám tôi rất nặng nề. Cả những cơ hội làm ăn sau này cũng bị vuột khỏi tay nếu đối tác biết rằng tôi từng bị khởi tố vì lừa đảo.

Năm nay tôi 76 tuổi, sau ngày bị bắt tôi không thể đứng trên bục giảng nữa mà phải làm quen với những công việc chân tay của người làm muối. Cái tiếng tăm về một thầy giáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản ghê gớm, khủng khiếp lắm.

Một người từng đứng trên bục giảng của một trường đại học bị truy tố tội lừa đảo, phải ra tòa, rồi báo chí đăng khiến không ít học trò, đồng nghiệp, bạn bè và cả người thân xa lánh tôi. Như vậy tôi còn dạy dỗ được ai nữa? Thậm chí những học trò của tôi có người còn không dám nhận tôi là thầy.

Tóm tắt nội dung vụ việc

Theo các bản cáo trạng của VKSND TP, ông Đào Quốc Túy và vợ được cấp một thửa đất tại Gò Vấp, ông Túy cho xây dựng nhà xưởng để cho thuê, nhưng nhận đặt cọc của hai người là ông Trần Hoàng và bà Võ Thị Thanh Hồng.

Bà Hồng nhận ra hành vi gian dối của ông Túy nên làm đơn tố cáo. Viện kiểm sát truy tố ông Túy về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất (năm 2003), TAND TP HCM cho rằng bà Hồng biết rất rõ về việc nhà xưởng đã được cho thuê mà vẫn đồng ý thỏa thuận và đặt cọc.

Thực tế sau này là ông Trần Hoàng không thuê xưởng và cuối cùng bà Hồng cũng không thuê xưởng. Bản án sơ thẩm cho rằng việc ký kết này đơn giản chỉ là hợp đồng kinh tế, tuyên ông Đào Quốc Túy không có tội. Bản án này bị bản án phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM hủy và trả hồ sơ xét xử lại.

Bản án sơ thẩm thứ hai tuyên năm 2006 tiếp tục khẳng định: không đủ căn cứ quy buộc ông Đào Quốc Túy phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. VKSND TP lại có kháng nghị, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM lại đưa vụ án ra xét xử vào năm 2007.

Bản án phúc thẩm lần hai cho rằng không thể kết luận ông Túy có gian dối hay không. Đồng thời, tòa nêu rõ ông Túy đã trả bà Hồng 35 triệu đồng, đây là tiền trả tiền đặt cọc 15.000 USD, dù bà Hồng có khai số tiền là tiền trả nợ vay.

Tòa không thể làm rõ được tại sao sau khi nhận đầy đủ tiền rồi bà Hồng mới làm đơn tố cáo... Kết cục, một lần nữa tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Ngày 27/5/2008, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự do chuyển biến tình hình, nên hành vi của ông Túy không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Cần xem lại lý do đình chỉ vụ án

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc cơ quan điều tra Công an TP HCM căn cứ giữa ông Túy và người tố cáo để cho rằng ông Túy khắc phục hậu quả, coi đây là “sự chuyển biến của tình hình” để đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự theo áp dụng khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự là hoàn toàn không đúng.

Ở đây, bản chất vụ án hay các giao dịch dân sự không thay đổi, bởi không có sự chuyển biến tình hình nào của pháp luật dẫn đến xác định hành vi trước đây bị coi là tội phạm và nay không phải là tội phạm nữa.

“Trong vụ án cụ thể này, ông Đào Quốc Túy bị hàm oan. Đoàn giám sát Quốc hội cần đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng TP HCM xem xét lại lý do đình chỉ vụ án, áp dụng nghị quyết 388 để xem xét bồi thường oan sai cho ông Đào Quốc Túy” - luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, tại hội nghị tổng kết năm 2014 và kế hoạch công tác năm 2015 của VKSND TP tổ chức ngày 23/1, ông Đoàn Tạ Cửu Long - phó viện trưởng VKSND TP HCM cho biết, một trong những mục tiêu của năm 2015 là phải kiểm soát chặt chẽ việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án và bị can, không để xảy ra việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội.

Đặc biệt chấm dứt việc lạm dụng việc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 25 của Bộ luật hình sự. Ngay sau khi có quyết định đình chỉ điều tra, viện kiểm sát cấp dưới phải báo cáo ngay cho viện kiểm sát cấp trên thẩm tra các căn cứ đình chỉ.

 

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150125/dinh-chi-dieu-tra-sau-ngan-ngay-ngoi-tu/703233.html

Theo Hoàng Điệp/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm