Sáng 5/5, bà Lê Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương, cho biết nhà trường đã xử lý 4 em nữ sinh tham gia đánh nhau ngoài trường học.
Nhóm nữ sinh trường THPT Hùng Vương đánh nhau. Ảnh cắt từ clip. |
Kết quả kiểm tra cho thấy tổng cộng 4 em nữ sinh tham gia vụ đánh nhau rồi tung clip lên mạng. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường đã phối hợp với Công an thị trấn Buôn Trấp xác minh làm rõ. Nhà trường đình chỉ học có thời hạn với 4 em này dưới sự giám sát của gia đình và nhà trường.
“Hiện, 3 em đã trở lại trường học còn một em chưa hết thời hạn. Mặc dù các em bị đình chỉ, cứ 2 ngày, nhà trường lại cử giáo viên mang tài liệu, bài vở đến nhà cho các em học. Việc đình chỉ ở đây nhằm làm gương cho những em khác đồng thời cũng 'giơ cao đánh khẽ' giúp các em cân bằng lại tâm lý để khi đến trường không còn e ngại với bạn bè”, bà Vân chia sẻ.
Trước đó, chiều 16/4, mạng xã hội Facebook xuất hiện clip 2 nhóm nữ sinh trường THPT Hùng Vương lời qua tiếng lại rồi xông vào dùng mũ bảo hiểm đánh nhau loạn xạ. Vụ việc được xác định xảy ra tại khu vực Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp).
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng các cháu đang tuổi đến trường nên trong quá trình làm sáng tỏ sự việc ngoài sự vào cuộc của công an thì nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm đóng một vai trò hết sức quan trọng nhằm giúp các em cân bằng tâm lý và không lặp lại hành vi bạo lực.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần phải mạnh tay xử lý những em tham gia đánh nhau để làm gương cho các em khác, bởi thời gian vừa qua việc tham gia đánh nhau hội đồng ở độ tuổi đến trường liên tục xảy ra trên cả nước.
Về vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho biết vấn đề văn hóa học đường rất quan trọng trong môi trường giáo dục. Hàng năm, sở ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các đơn vị cơ sở nhằm đảm bảo sự trong lành môi trường giáo dục.
Sự việc nhóm nữ sinh đánh nhau vừa qua vô cùng đáng tiếc. Tuy nhiên việc xử lý cần khéo léo, vừa kỷ luật mang tính chất tích cực, vừa động viên nhắc nhở các em làm sao để các em hiểu và nhận thức được pháp luật thật tốt.
"Các em còn bồng bột nên cần có sự tham gia giáo dục của phụ huynh và nhà trường. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên sâu sát nắm bắt tâm lý học sinh để xử lý các tình huống, tránh chuyện đáng tiếc như vụ việc qua", thầy Khoa chia sẻ.