Để xác định được nghề nghiệp tương lai phù hợp với bản thân, chương trình định hướng cho học sinh ba mục tiêu cụ thể: Xây dựng tư duy chủ động - Đánh thức sức mạnh tiềm ẩn - Xác định mục tiêu tương lai. Từ đó giúp các bạn học sinh THPT có những thông tin cần thiết trong định hướng, sự lựa chọn các ngành học phù hợp với khả năng và sở thích của mình, giải đáp những thắc mắc của học sinh xung quanh vấn đề chọn ngành, chọn nghề, chọn trường, giúp các em có những kiến thức cơ bản về các loại hình nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp...
Tại buổi Hội thảo, chuyên viên tâm lý, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long chia sẻ rằng không ít bạn trẻ không xác định được những nghề nghiệp nào phù hợp với bản thân mình để mà phấn đấu cho nghề nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, không ít bạn trẻ quá phụ thuộc vào ngành học, “đóng khuôn” những tiêu chí, đặt ra những mục tiêu vượt tầm mà bản thân phải đạt được để mình trở thành người thành công trong sự nghiệp, để rồi, khi các bạn thất bại, các bạn buồn chán, buông thả, xem nhẹ giá trị bản thân mình và mất rất nhiều thời gian để tìm lại chính mình.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long và học sinh tham gia chương trình DHTL tại TP.HCM |
Thạc sĩ chia sẻ thêm, muốn thành công, trước hết, bạn trẻ cần xác định bản thân của mình là ai, thế mạnh của mình bằng cách phân tích SWOT (Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - hách thức), xác định được giá trị bản thân, bạn bắt đầu “khoanh vùng” các ngành phù hợp với khả năng của bạn và bắt đầu hoạch định nghề nghiệp tương lai.
Các bạn học sinh tham gia trò chơi xếp máy bay giấy |
Thông qua trò chơi xếp máy bay giấy, thầy Long phát cho mỗi học sinh 1 tờ giấy A4, mỗi bạn sẽ xếp thành một chiếc máy bay, và phóng vào không trung xem của ai bay xa nhất, có một bạn học sinh cho vò chiếc máy bay thành một cục giấy và ném thật xa. Thầy khen bạn thông minh và lý giải sự linh hoạt của bạn học sinh trong cách nhìn nhận vấn đề, trò chơi mở ra một cách nhìn nhận mới: con đường thành công nhanh nhất là tạo ra sự khác biệt phù hợp. Tùy vào từng tình thế, hoàn cảnh, những sự thay đổi và bước đột phá, sự khác biệt sẽ giúp chúng ta sẽ thành công. Và để làm được điều đó, chúng ta cần chuẩn bị cho mình nền tảng vững chắc để có thể dự đoán và “gánh” được những rủi ro có thể gặp trong quá trình thực hiện.
Khi được hỏi về mục đích tham gia buổi hội thảo, bạn Nguyễn Dạ Nga Huy - học sinh trường THPT Trưng Vương (quận 1) thổ lộ: "Em đến với chương trình để tìm được cơ sở chọn ngành, con đường học tập và theo đuổi nghề nghiệp của em sau này", còn bạn Hà Cẩm Thư - học sinh trường Võ Trường Toản, quận 12 cho biết: "Đây là dịp để em tìm hiểu thêm về Đại học Kinh tế TP.HCM. Qua sự chia sẻ của thầy Long, em thấy mình cần suy nghĩ nhiều hơn về việc xây dựng kế hoạch nghề nghiệp và nền tảng cần thiết để thực hiện ước mơ của mình. Sự học không chỉ ở trường đại học - em quan tâm đến câu nói này của thầy”.
Kết thúc buổi tư vấn, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long nhấn mạnh: "Bạn muốn thành công thì trước hết bạn hãy biết mình là ai, mình đang ở đâu và bạn cần chuẩn bị tốt những gì để thực hiện đúng một tiêu của mình".
Chương trình Định hướng tương lai đồng thời được diễn ra tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Tp. Tân An, tỉnh Long An, với sự chia sẻ của Giảng viên tâm lý học, Thạc sĩ Đào Lê Hòa An, nhạc sĩ - ca sĩ Sỹ Luân và 1.000 học sinh THPT tại tỉnh Long An.
Ca sĩ Sỹ Luân giao lưu với học sinh Long An |
Ths Nguyễn Hữu Long tặng hoa cho học sinh có cách ứng xử linh hoạt (TP.HCM) |
Tư liêu: CLB Truyền thông SAC