Slimv tên thật là Cao Văn Vịnh. Giới trẻ yêu thích chàng phù thủy âm thanh này không chỉ bởi độ “chất” trong cách chơi nhạc mà còn bởi vẻ ngoài gần gũi thân thiện.
Slimv đến với âm nhạc từ 7 tuổi, anh theo học tại khoa Piano Nhạc Viện Hà Nội. Tiếp đó, niềm đam mê sáng tác thúc đẩy anh tiếp tục theo học 8 năm tại khoa lý luận sáng tác chỉ Huy của học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Có thể nói, nền tảng Piano tốt đã giúp anh dễ dàng trong việc học sáng tác.
Dù chỉ mới 26 tuổi nhưng Slimv đã kinh qua rất nhiều bar lớn nhỏ ở Hà Nội và có cơ hội làm việc với rất nhiều ngôi sao nổi tiếng trong và ngoài nước. Không chỉ thế, anh còn tham gia với vai trò là nhà sản xuất trong rất nhiều sản phẩm âm nhạc được giới trẻ yêu mến.
Slimv - DJ hàng đầu Việt Nam. |
- Từng tham gia sản xuất âm nhạc với trong rất nhiều ca khúc hit như Rơi, Thu Cuối, Yêu nữ… vậy, bạn đánh giá thế nào về những nhạc sĩ trẻ hiện nay của Việt Nam?
- Trước tiên tôi xin đính chính lại, ở Việt Nam đa phần mọi người cho rằng cứ viết lời bài hát là nhạc sĩ, sáng tác một hai tác phẩm cũng là nhạc sĩ. Điều đó là hoàn toàn sai lầm.
Bởi trong tiếng Anh nhạc sĩ tương đương với "composer", tức là những người đầu ngành trong một lĩnh vực của âm nhạc ví dụ như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam) hay Trần Mạnh Hùng (Trưởng khoa sáng tác đại học Văn hoá Nghệ thuật qquân Đội Hồ Chí Minh)… hoặc những người có đóng góp to lớn và tạo thành một dòng âm nhạc riêng của mình trong âm nhạc trước đây ví dụ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phú Quang…
Còn đương đại ở Việt Nam thì có anh Quốc Trung hay anh Huy Tuấn và một số ít người khác đạt đến ngưỡng này. Còn lại ở nước ngoài thì đa phần những người sáng tác ca khúc họ gọi là "song writer" - những người chuyên viết ca khúc ví dụ như David Foster (I Swear, Un Break My Heart…)
Những người vừa sáng tác và vừa biểu diễn như Adam Levine hay Justin Timberlake… họ cũng không bao giờ sử dụng từ "composer" cho bản thân mình mà thay vào đó là "artist" - nghệ sĩ.
Về câu hỏi của bạn thì tôi xin trả lời rằng những người sáng tác âm nhạc trẻ mà tôi may mắn được làm việc họ thực sự rất tài năng. Tuy rằng họ ít được đào tạo bài bản mà đa phần là tự mày mò nhưng quả thực họ đã đưa được cá tính riêng vào trong những tác phẩm âm nhạc của họ.
Tuy nhiên chính vì sự thiếu hụt trong việc được đào tạo sáng tác cơ bản đã khiến nhiều người trong số đó bị phụ thuộc vào cảm hứng sáng tác mà dễ dàng bị vướng vào vòng lặp của việc đơn điệu trong các tác phẩm sau này, không đa dạng được trong sáng tác như các nhạc sĩ được đào tạo bài bản như anh Quốc Trung hay Đỗ Bảo…
Đam mê âm nhạc từ cấp ba. |
- Cơ duyên nào đưa bạn đến với nghề DJ?
- Học cấp 3 lúc mới tiếp cận với Internet và các video trên Youtube tôi đã há hốc miệng và không thể rời mắt khỏi màn hình khi được xem các buổi trình diễn âm nhạc điện tử ở nước ngoài.
Trong mắt tôi lúc đó họ như những ảo thuật gia làm hàng chục nghìn khán giả phấn khích và hoà mình vào trong âm nhạc của họ. Chính từ đó, DJ trở thành mục tiêu của tôi.
- Là người từng tham dự nhiều chương trình âm nhạc với sự góp mặt của những DJ hàng đầu thế giới như Steve Aoki hay Afrojack. Vậy theo bạn, có sự khác biệt nào giữa DJ Việt Nam và nước ngoài?
- Theo tôi khác biệt lớn nhất là DJ nước ngoài họ tự sản xuất âm nhạc của mình, khán giả khi đi xem các show DJ, họ muốn trực tiếp nghe và xem người đã sáng tác ra những sản phẩm âm nhạc như vậy.
Tuy nhiên ở Việt Nam thì số lượng DJ có thể tự sản xuất nhạc khá là ít mà đa phần mọi người coi DJ là những người mix bài này với bài khác, nối bài này với bài kia. Do vậy DJ Việt Nam ít có người tạo được thương hiệu cá nhân của mình, tạo ra được âm nhạc của chính mình.
- Môi trường làm việc của DJ thường là các quán bar, đây là nơi được cho có rất nhiều cám dỗ. Bạn đã vượt qua chúng như thế nào?
- Bất kỳ công việc nào cũng có cám dỗ, từ nhân viên ngân hàng, bác sĩ hay cả lái xe Taxi.
Làm DJ thì việc thường xuyên biểu diễn trong các quán Bar là điều chắc chắn. Ví dụ như cám dỗ bởi sự dễ dãi của nghề nghiệp, ai cũng thích biểu diễn trước nhiều khán giả nhưng nếu rơi vào một hôm vắng khách thậm chí không có khách thì chính bản thân mình không được phép chơi nhạc lung tung hay bật nhạc cho có. Đó là một điều xúc phạm và coi thường với chính nghề nghiệp của mình.
Hoặc cám dỗ bởi rượu, bia, thuốc lá… Mọi người lên bar là để giải toả những căng thẳng của họ, để bỏ lại những vất vả của đời thường. Nhưng người làm DJ thì không được phép như thế. Khi lên bar tức là bạn đang trong công việc của mình, bạn không thể vừa làm việc vừa uống rượu, hút thuốc… bởi lúc đó bạn phải phục vụ những khán giả.
Nghề DJ có nhiều cám dỗ. |
- Còn những câu chuyện gạ tình, chúng có thật sự tồn tại như người ta vẫn đồn thổi?
- Giống như những DJ khác, tôi thường xuyên được khách hàng chúc rượu, bia. Tôi cũng thừa nhận mình nhận được khá nhiều những tin nhắn hay cuộc gọi làm quen của các khách hàng nữ rất xinh đẹp, hấp dẫn và cả của những khách hàng nam trang trọng và lịch sự.
Với những khách hàng nữ thì đó quả là những thử thách với cá nhân tôi, nhưng có lẽ tôi khá là nhát hoặc chưa tìm được người phù hợp nên chưa được rơi vào cái bẫy nào cả (cười).
Còn khách hàng nam thì đơn giản lắm, tôi chỉ cần trả lời là: "Rất cảm ơn đã quan tâm đến tôi, nhưng tôi chỉ quan tâm đến giới nữ". Và sau đó họ rất lịch sự xin lỗi tôi.
- Bar, sàn thường là nơi vui chơi của rất nhiều người trong giới anh chị. Có bao giờ bạn vô tình lại trở thành nạn nhân của những cuộc ẩu đả ấy chưa?
- Tôi chưa gặp phải tình huống đó bởi những nơi tôi làm an ninh rất tốt.
- Nhiều người nói rằng muốn mix nhạc hay, các DJ phải sử dụng chất kích thích, điều này có đúng không?
- Điều này hoàn toàn không đúng thậm chí nó là điều hết sức nguy hiểm.
Sự chuẩn xác là yếu tố tối quan trọng của một DJ. Nếu bạn không tỉnh táo thì điều gì đảm bảo bạn có thể nhận biết được cái gì hay, cái gì không hay trong set nhạc của chính mình.
- Tôi từng nghe nhiều DJ nói rằng họ rất khó có được người yêu vì mọi người vẫn đang có định kiến rất lớn về nghề này. Còn Slimv thì sao?
- Trong chuyện tình cảm của cá nhân, tôi nghĩ rằng cả hai phải rất hiểu và tin tưởng công việc của nhau. Nhiều người nghĩ rằng yêu DJ thật khó vì công việc của họ luôn bao quanh bởi những cám dỗ nhưng trong cuộc sống, có công việc nào không có cám dỗ.
- Ngoài vai trò là DJ, bạn còn tham gia rất nhiều các hoạt động khác. Chia sẻ nhiều hơn về điều đó xem nào...
- Tôi cũng đang là thành viên trong nhóm sản xuất âm nhạc Master Fader của Cuti’s Studio, tại đây chúng tôi có các dự án sản xuất âm nhạc với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ khác nhau.
Và hiện tại tôi cũng đang là thành viên trong Ban điều hành của dàn nhạc giao hưởng Rhapsody Philharmonic phụ trách mảng âm nhạc điện tử.
Chàng trai này sẽ tiếp tục học thạc sĩ và thực hiện nhiều dự án âm nhạc trong tương lai. |
- Nhiều việc như thế, ắt hẳn bạn có rất nhiều dự định cho tương lai?
- Ngày 23/6 tôi đã báo cáo tốt nghiệp học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và sắp tới có thể tôi sẽ học tiếp lên cao học. Đó là ưu tiên trước mắt của tôi. Ngoài ra, tháng 7 tới tôi sẽ có chuyến lưu diễn tại Anh và sau đó là tham gia sản xuất và biểu diễn vài show âm nhạc điện tử tại Hà Nội và TP.HCM.
Sau đó tôi sẽ bắt tay vào tiến hành sản xuất album của Rhapsody Philharmonic, một album mà chúng tôi đã ấp ủ từ cách đây 4 năm khi mới thành lập dàn nhạc. Album viết cho dàn nhạc giao hưởng đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi sử dụng các chất liệu âm nhạc dân gian của Việt Nam rồi sau đó phối lại cho dàn nhạc giao hưởng làm cho những chất liệu âm nhạc đó gần gũi hơn với khán giả đương đại. Có thể nó còn ngây ngô bởi dẫu sao chúng tôi vẫn còn trẻ và còn phải học hỏi nhiều. Nhưng kệ chứ. Chúng tôi vẫn cứ làm.
Tiếp đến là chương trình Rhapsody No10: NonStop do tôi làm đạo diễn âm nhạc. Đây là chuỗi chương trình của Rhapsody Philharmonic mà qua đây chúng tôi muốn đưa cảm nhận âm nhạc của riêng chúng tôi đến với những nhà sản xuất và những khán giả trung thành của chúng tôi. Có thể nó không dễ nghe lắm với nhiều người nhưng đây là âm nhạc của chúng tôi.