Tối 27/10, một người đàn ông đổ dầu hỏa, châm lửa đốt chiếc balo chứa một con mèo tại phố Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa, Hà Nội). Sau khi thực hiện hành vi, người này rời khỏi hiện trường.
Nhờ sự cứu giúp của người dân, chú mèo không tử vong song đã bị bỏng nặng.
Sự việc được camera an ninh của người dân ghi lại và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều người muốn biết với hành động hành hạ vật nuôi này, người chủ có bị xử phạt không?
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị
Trước đây, hành động đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi được coi là một lựa chọn hành vi của cá nhân. Người chủ có quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn hành vi đó.
Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi có hiệu lực vào tháng 4, hành vi này được xếp vào nhóm bị cấm thực hiện.
Khoản 1, Điều 29 Nghị định này quy định người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.
Theo Luật Chăn nuôi 2018, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác được con người thuần hóa, chăn nuôi và nằm ngoài danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, hành vi tẩm dầu hỏa, đổ xăng đốt balo đựng mèo của nam thanh niên có thể được xếp vào nhóm hành vi hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi và bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Chú mèo bị tẩm dầu hỏa thiêu sống. Ảnh: Trạm Cứu hộ chó mèo Hà Nội. |
Việc người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi có thể bị xử phạt trong khi pháp luật lại chưa có chế tài phù hợp đối với những người giết mổ, ăn thịt vật nuôi.
Về vấn đề này, cần nhìn nhận rằng các quy định của pháp luật cấm hay cho phép con người thực hiện một hành vi nhất định hình thành từ các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung và được gọi là quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật có tính xã hội và tính đạo đức.
Trong khi tính xã hội phản ánh khuynh hướng nhận thức, phát triển tâm lý của người dân trong xã hội thì tính đạo đức thể hiện những quan điểm của con người trong một cộng đồng về cái thiện, ác, sự công bằng, bình đẳng... hay những phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội.
Những quan điểm này do điều kiện của đời sống vật chất xã hội quyết định. Trên cơ sở những quan điểm đó, bộ quy tắc ứng xử được hình thành. Tính xã hội, đạo đức trải qua quá trình lập pháp được chắt lọc, nâng lên thành quy phạm pháp luật.
Thực tế chỉ ra rằng tại Việt Nam, việc giết hại, ăn thịt vật nuôi vẫn là một thói quen phổ biến, lâu đời và chưa thể thay đổi ngay. Khi tính xã hội và đạo đức chưa thể đảm bảo, việc ban hành các quy phạm pháp luật về việc cấm giết mổ, ăn thịt vật nuôi là chưa phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội và không đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa pháp luật cho phép người dân được quyền thoải mái tra tấn, hành hạ, giết mổ vật nuôi. Khoản 2, Điều 29 Nghị định 14/2021 đã có quy định về việc xử phạt 3-5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ đánh đập hoặc không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ. Điều này đã góp phần hạn chế, giảm thiểu sự tùy tiện trong việc giết mổ vật nuôi tại Việt Nam.