Xung quanh sự kiện Ngày Trái Đất (22/4), nhiều mặt tối của thời trang nhanh đã bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông.
Ví dụ, thời trang nhanh thường gắn với việc bóc lột sức lao động nhân công, gia công bằng vật liệu tổng hợp rẻ tiền, độc hại. Tuy nhiên, các báo cáo cũng dự đoán thị trường này sẽ tăng trưởng từ 91,23 tỷ USD vào năm 2021 lên 99,23 tỷ USD trong năm 2022.
Nhưng thời trang nhanh không phải vấn đề duy nhất của ngành thời trang. Theo USC AnnenbergMedia, những bộ đồ giả lông cũng gây tác động tiêu cực đến môi trường không kém.
Đồ giả lông lên ngôi
Đối lập với thời trang nhanh, đồ giả lông thú lại nhận được những đánh giá tích cực. Xu hướng này cũng sẽ bùng nổ mạnh trong thời gian tới khi vấn đề đạo đức của việc dùng lông thú thật bị chỉ trích nhiều.
Ưu điểm của giả lông là giá cả phải chăng. Việc dùng lông giả cũng khiến những con vật bớt chịu cảnh đau đớn. Suốt thời gian qua, các nhóm bảo vệ quyền động vật như PETA đã liên tục làm những chiến dịch chống lại việc sử dụng lông thật.
Sức ép dư luận khiến đồ giả lông lên ngôi, kể cả với giới thời trang cao cấp. Ảnh: USC AnnenbergMedia. |
Luồng dư luận ủng hộ quan điểm từ bỏ lông thú thật trong thời trang là rất lớn. Đến nỗi, các thương hiệu xa xỉ như Prada, Gucci, Dolce & Gabbana, Stella McCartney, Hermès đã từ bỏ đồ lông thú và tìm kiếm những vật liệu thay thế.
Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề đạo đức được giải quyết, câu chuyện thời trang bền vững lại được nhắc đến.
Không tốt như tưởng tượng
Các thương hiệu bình dân như Shein, H&M và Forever 21 có nhiều sản phẩm giả lông. Với giá thành rẻ, chất liệu đồ giả lông chỉ được làm từ polyme, có nguồn gốc than, nước và dầu mỏ - tất cả được gọi là nhiên liệu hóa thạch.
Theo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, 11,3 triệu tấn chất thải dệt may đã được người Mỹ đổ vào những bãi chôn lấp trong năm 2018.
Và các chất liệu tạo ra lông thú giả đều thuộc nhóm khó tái chế. Thực tế, nó vẫn có thể được tái chế nhưng các cơ sở nhỏ, trung bình gần như không thể xử lý được. Việc tái chế tốn kém và họ có lựa chọn tốt hơn là ném nó vào bãi rác khi hết vòng đời.
PGS Victoria Petryshyn cho biết lông thú giả được làm từ rất nhiều sợi dẻo acrylic. Các nghiên cứu chỉ ra những sợi vải làm từ acrylic, polyester... khi rã trở thành hạt vi nhựa nhỏ li ti, không thể nhìn bằng mắt thường. Các sinh vật dưới nước ăn hạt này rồi trở thành đồ ăn trên bàn của con người. Và vi nhựa cũng được tìm thấy cả trong nước đóng chai.
Đồ giả lông cải thiện tình trạng ngược đãi động vật trong giới thời trang nhưng cũng gây tác động xấu đến môi trường. Ảnh: Vogue. |
Mặt khác, do làm từ các vật liệu rẻ tiền, đồ giả lông không có độ bền cao. Giá thành rẻ cũng khiến tâm lý người mua không tiếc tiền để đổi một bộ đồ mới.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thời trang giả lông có tác động tích cực đến vấn đề nhân đạo với động vật. Do đó, cách tốt nhất để duy trì tính bền vững trong thời trang là người mua cần tự thay đổi thói quen của mình.
Theo USC AnnenbergMedia, có một số cách bạn có thể thực hiện như:
- Giảm lãng phí bằng cách không mua quần áo theo các xu hướng nhất thời. Những món đồ này thường rẻ và bị vứt đi nhanh chóng.
- Sử dụng lại đồ cũ và biến tấu chúng thành đồ mới. Có nhiều trang web để bạn tham khảo cách ứng dụng đồ cũ và sửa sang thành phụ kiện sành điệu, hợp mốt.
- Mua đồ từ các cửa hàng đồ cũ với giá cả hợp lý. Ngoài ra, tặng hoặc bán lại những món đồ còn tốt để người khác có thể sở hữu bộ đồ chất lượng với giá phải chăng.