Trong bài thơ mới viết về lứa tuổi này, Nhật Nam lấy cảm hứng từ bức tranh mà người bạn Vũ Tuấn Kiệt minh họa cho cuốn sách Cuộc chiến tuổi dậy thì - tác giả Nguyễn Phương Hoa. Bức tranh vẽ cậu bé vị thành niên mong muốn thoát khỏi vỏ bọc của mình.
Bài thơ của Đỗ Nhật Nam
Một sớm nào tỉnh giấc
Thấy hoang mang mệt nhoài
Ta là ai là ai
Ta làm điều gì tốt?
Bố thì gọi “ông Khốt”
Mẹ thì kêu “bà Bô”
Chẳng muốn gặp thầy cô
Chỉ thích tìm lũ bạn
Vui đâu là việc học
Vui đâu là điểm cao
Mặt mũi mình ra sao
Mình “dễ coi” đấy chứ?
Chân tay đầy bứt rứt
Muốn xổ lồng bay đi
Mẹ cứ gọi chim ri
Đừng bay xa kẻo ngã
Thế mà mình cứ ngỡ
Mình đã là... đại bàng
Chẳng sợ chi giang san
Anh hùng -ta- là nhất
Muốn đội trời đạp đất
Muốn cân bằng thế gian
Rồi lại thấy hoang mang
Khi thấy mình... sợ gián
Mong thầy cô đừng chán
Xin bố mẹ đừng buồn
Sau chớp bể mưa tuôn
Sẽ có ngày... “đình chiến”.
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ Nam - cho biết, khi con trai vào tuổi dậy thi, chị có cách nuôi dạy riêng. Chị Điệp không bao giờ vào phòng riêng của con trai khi không được phép.
Chị hướng dẫn con làm một tấm biển treo trên cửa với hai mặt: “Xin đừng làm phiền” và “Con mời bố mẹ vào chơi”. Cách thức nuôi dạy con này giúp Nam luôn thấy mình được tôn trọng và đáp trả sự tôn trọng của bố mẹ.
Chị Điệp vui vẻ khoe mới có hình xăm nhỏ trên tay để chứng minh là người mẹ hiện đại, văn minh.
“Tôi cố gắng hòa nhịp với tuổi dậy thì của con bằng cách xăm hình. Điều đó chứng tỏ tôi luôn đón nhận những điều mới mẻ, những thay đổi nhẹ nhàng”, người mẹ nói.