7h40, những học sinh dự thi IMO năm 2017 tại Brazil về đến Hà Nội. Vừa đặt chân xuống sân bay, PGS.TS Lê Anh Vinh - Trưởng đoàn Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế - cho biết: Trải qua chuyến bay rất dài, ông và học sinh rất hạnh phúc vì nhận được sự chào đón của mọi người.
Nhận định về học trò trong đội tuyển thi Olympic quốc tế, thầy Vinh không khỏi tự hào: “Đề thi năm nay không thuộc sở trường của đội tuyển, nhưng các em đã rất xuất sắc . Cụ thể, sở trường của các em là hình học và đại số, nhưng phần này chỉ có 2 bài. 4 bài khác trong đề thi thuộc về số học”.
Trưởng đoàn gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao từ khâu chọn đội tuyển đến tập huấn, đưa thí sinh dự thi; các địa phương, nhà trường phát hiện tài năng và ươm mầm cho các em.
Thầy Lê Anh Vinh gửi lời tới các bậc phụ huynh: Con đường đi theo Toán học rất vất vả, các em may mắn được gia đình luôn sát cánh, hỗ trợ.
“Trong 3 tháng cùng làm việc với học trò, đạt được thành tích này không khiến thầy bất ngờ vì tinh thần học tập say mê của các em”, thầy Vinh nói với chàng trai mang huy chương về cho Việt Nam.
Hoàng Hữu Quốc Huy (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng hai thí sinh đến từ Iran và Nhật Bản có điểm số cao nhất kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Đón đoàn tại sân bay, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, chia vui cùng thầy cô, gia đình thí sinh. Ông Trinh bắt tay, chụp ảnh cùng bà Nguyễn Thị Nam - mẹ của em Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa). Dũng đạt 28 điểm, giành huy chương vàng.
Ông Trinh chia sẻ bà Nam là người mẹ tuyệt vời khi một mình nuôi dạy Dũng nên người, từ bao khó khăn vất vả.
Bà Nam cho biết: “Từ lớp 1 đến lớp 3, tôi tự dạy học cho Dũng, mỗi tối đều dạy Toán nâng cao. Đến năm lớp 4, cháu tự học và không cho tôi dạy nữa”.
Hoàng Hữu Quốc Huy (Bà Rịa - Vũng Tàu), nam sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi, nói: “Em rất hạnh phúc khi trở về Việt Nam trong sự tiếp đón của mọi người. Sắp tới, em dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau đó sẽ thực hiện một số dự định”.
Theo ông Mai Văn Trinh, thành tích của đoàn dự thi Toán Olympic quốc tế năm nay cao nhất trong lịch sử, một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong hệ thống trường chuyên, với định hướng phát triển đại trà, tập trung mũi nhọn, trên cơ sở nâng cao dân trí, phát triển nhân tài.
“Chúng tôi tự hào và hạnh phúc nhưng không ngạc nhiên vì thành tích của các em. Bởi, đây là những nỗ lực đã được xây đắp từ nhiều năm, dưới sự cố gắng của từng cá nhân, nhà trường. Đặc biệt, Bộ trưởng GD&ĐT rất quan tâm việc tuyển chọn, bồi dưỡng, nên đã tập trung cho học sinh được sống và đam mê với môn học, giúp các em kết nối với những người từng đoạt giải trước đây, khai thác các phòng thí nghiệm của các trường đại học, tiếp cận phương pháp nghiên cứu tốt nhất. Từ đó, các em không bỡ ngỡ khi bước ra quốc tế”, ông Mai Văn Trinh nói.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT có chính sách cụ thể cho học sinh đoạt giải quốc tế. Ngoài việc tôn vinh, tuyên dương, bộ có các đề án như 911, 599 với các chương trình học bổng từ ngân sách Nhà nước để vun đắp tài năng.
“Bộ GD&ĐT đang xây dựng phát triển nguồn nhân lực phát triển cao, trong đó có chính sách phát triển học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, phục vụ cho kinh tế xã hội trong tương lai, đặc biệt là nền cách mạng 4.0”, ông Trinh bày tỏ.
Kỳ thi IMO năm nay có 112 đoàn tham dự với hơn 600 thí sinh, diễn ra từ 12 đến 23/7 tại Brazil.
Học sinh Việt Nam đoạt 4 huy chương vàng, gồm các em: Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu, 35 điểm); Lê Quang Dũng (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, 28 điểm); Nguyễn Cảnh Hoàng (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, 28 điểm); Phan Nhật Duy (THPT chuyên Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, 25 điểm).
Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử hơn 40 lần dự thi Olympic Toán quốc tế của Việt Nam.