Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc điều hành khối Nhân sự và Cố vấn Kinh doanh của nền tảng công nghệ tuyển dụng TopCV Việt Nam, nhận định rằng 2023 và 2024 đều là năm mà thị trường tuyển dụng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của kinh tế vi mô và vĩ mô.
Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng 2023 và Nhu cầu tuyển dụng 2024 của Top CV, 75,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định vẫn tiếp tục gia tăng số lượng nhân viên, đặc biệt với 3 nhóm ngành: Kinh doanh/Bán hàng, IT - Phần mềm, Marketing/Truyền thông/Quảng cáo.
Vì vậy, ứng viên có ý định chuyển đổi công việc vẫn có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt trong giai đoạn này. Để “lọt vào mắt xanh” của nhà tuyển dụng, nhân sự cần trang bị kiến thức đầy đủ về các vòng đánh giá năng lực, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho mỗi vòng phỏng vấn.
Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực Kinh doanh/Bán hàng, IT - Phần mềm, Marketing/Truyền thông/Quảng cáo vẫn thể hiện nhu cầu tuyển dụng cao. Ảnh minh hoạ: Pexels/Alexander Suhorucov. |
Doanh nghiệp vẫn tuyển
Đối với các công ty có nhu cầu gia tăng nhân sự trong năm 2024, mức tăng phổ biến là 16-30% (trên tổng quy mô doanh nghiệp). 37,5% đơn vị mong muốn đạt được con số này.
30,8% doanh nghiệp lại dự định tăng số lượng người lao động lên mức 0-15%.
Nhìn chung, nhân sự có từ 1-3 năm kinh nghiệm là nhóm được tuyển dụng nhiều nhất. Nhân viên dưới 1 năm kinh nghiệm là nhóm được chiêu mộ nhiều thứ 2.
Nhóm ngành “khát nhân sự” nhất là Kinh doanh/Bán hàng. IT - Phần mềm và Marketing/Truyền thông/Quảng cáo là 2 lĩnh vực tiếp theo thể hiện mong muốn chiêu mộ người lao động lớn.
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm là ngành nghề nằm ở cuối danh sách, không có nhu cầu gia tăng nhân sự nhiều.
Các nhà tuyển dụng luôn kỳ vọng tìm kiếm nhân sự phù hợp với vị trí và dễ dàng gắn kết cùng công ty. Nhằm “tuyển đúng, tuyển trúng”, doanh nghiệp thường áp dụng quy trình phỏng vấn nhiều vòng để đánh giá chính xác mức độ phù hợp của ứng viên và nâng cao chất lượng nhân sự đầu vào.
Hiểu rõ đặc thù các vòng phỏng vấn
Khi doanh nghiệp tổ chức đánh giá năng lực nhiều vòng, yêu cầu và mục đích cho từng vòng có sự khác biệt. Các công ty thường có 2 vòng phỏng vấn chính, có thể bổ sung thêm nếu cần thiết.
- Vòng sơ loại: Thường có đại diện bộ phận nhân sự phụ trách nhằm đánh giá và sàng lọc sơ bộ (Với bước này, nhiều công ty có thể kết hợp các bài kiểm tra đánh giá năng lực nhân sự).
- Vòng phỏng vấn (thường chia thành 2 vòng): Ứng viên tham gia phỏng vấn lần lượt với quản lý trực tiếp của vị trí tuyển dụng và cấp trên của cấp quản lý trực tiếp (nếu ứng viên thuộc vị trí quan trọng).
Bên cạnh đó, số vòng phỏng vấn có thể thay đổi/rút ngắn tuỳ thuộc vào các yếu tố như đặc thù của từng vị trí (ví dụ: vị trí thiên về kỹ thuật cần nhiều bước/cấp đánh giá) và quy trình tuyển dụng của từng doanh nghiệp (sự chuẩn hoá).
Mỗi vòng đánh giá năng lực thường có đặc điểm, mục tiêu riêng, song vẫn phải đảm bảo một số yếu tố chung. Ảnh minh hoạ: Pexels/MART PRODUCTION. |
Mỗi vòng phỏng vấn đều có mục đích khác nhau. Tuy nhiên, các vòng đều phải đảm bảo 3 yếu tố sau.
- Sự nhất quán và khách quan trong quá trình phỏng vấn, giúp doanh nghiệp tuyển chọn các nhân tài phù hợp về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn và văn hoá doanh nghiệp. Họ là những người có khả năng đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.
- Đảm bảo chất lượng tuyển dụng với quy trình rõ ràng cho tất cả bộ phận của doanh nghiệp.
- Đảm bảo sự công bằng và chuyên nghiệp cho các ứng viên trong quá trình ứng tuyển.
Chiến lược cho ứng viên
Bên cạnh hành trang như CV, Portfolio và thư xin việc ấn tượng, ứng viên cần lưu ý thái độ trước, trong và sau buổi phỏng vấn để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Trước khi tham gia phỏng vấn, nhân sự cần nghiên cứu thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, thực hiện phỏng vấn giả lập, ghi nhớ tên và chức vụ của những người phỏng vấn, lưu ý ăn mặc chỉn chu và giữ tâm trạng thoải mái.
Trong buổi đánh giá năng lực, ứng viên nên áp dụng một số chiến thuật để “lọt vào mắt xanh” của doanh nghiệp.
Không đơn chỉ liệt kê thành tích
Nếu chỉ chăm chú kể về những thành tích và con số, người lao động khó tạo ra ấn tượng tốt đối với người đại diện doanh nghiệp. Thay vào đó, ứng viên có thể mô tả cách thức làm việc với đội nhóm, ứng biến thế nào để đạt thành tích một cách ngắn gọn và súc tích, qua đó khoe khéo kinh nghiệm và kỹ năng mềm.
Thành thật về những yếu điểm, thể hiện mong muốn hoàn thiện bản thân
Nhân sự không nên che giấu những yếu điểm dù ở vòng sơ loại hay khi tham gia phỏng vấn cùng các cấp quản lý. Thay vào đó, ứng viên nên cho thấy sự nhận thức của bản thân về những điểm cần hoàn thiện đó. Nếu có kế hoạch hành động cụ thể, ứng viên nên thẳng thắn chia sẻ.
Lợi thế chủ động
Sự chủ động được thể hiện qua cách ứng viên nêu ra những giá trị thực tiễn có thể đóng góp cho tổ chức. Ngoài ra, sự tự tin thông qua ngôn ngữ cơ thể cũng là lợi thế của mỗi nhân sự, để lại dấu ấn tích cực cho nhà tuyển dụng.
Ứng viên nên ứng dụng chiến thuật khôn ngoan để ghi điểm với nhà tuyển dụng trong các vòng phỏng vấn. Ảnh minh hoạ: Pexels/Kindel Media. |
Sau khi kết thúc phỏng vấn, nhân sự có thể gửi email cho nhà tuyển dụng nhằm cảm ơn những người phỏng vấn đã dành thời gian và cơ hội ứng tuyển cho mình, đồng thời thể hiện sự quan tâm đối với vị trí này.
Nếu ứng viên đã nhận thông báo về thời gian phản hồi dự kiến, việc giữ liên lạc với nhà tuyển dụng nhằm đảm bảo cập nhật thông tin kịp thời. Ngoài ra, nhân sự nên đánh giá lại các câu trả lời của mình, đảm bảo sự đồng nhất và hoàn thiện hơn cho vòng phỏng vấn tiếp theo.
Người lao động cũng cần chuẩn bị phương án cho các kịch bản như ứng tuyển thành công hoặc kết quả chưa như mong đợi.
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyến dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không?