![]() |
Du khách trẻ có xu hướng chi mạnh cho những chuyến du lịch khi còn tuổi trẻ. Ảnh: Nguyễn Anh Văn. |
Quan niệm "sống không thể thiếu du lịch", Hải Băng (sống tại Hà Nội) thường chia đôi thu nhập mỗi tháng, một phần tiết kiệm cho những kế hoạch khác, một phần dành cho những chuyến du lịch dài ngày. Đơn cử là tháng 4 sắp tới, cô chi 3.000 USD (khoảng 76 triệu đồng) cho chuyến khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình).
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hải Băng bày tỏ: "Mỗi người đều có đam mê và mục tiêu riêng. Có người tích góp mua nhà, xe hoặc ổn định cuộc sống, có người đầu tư kinh doanh, còn tôi chọn tiết kiệm để đi du lịch. Tôi nghĩ mình chỉ có một lần để sống, trải nghiệm mới là điều quý giá nhất nên không cảm thấy phí phạm".
Cô cho biết thêm mỗi chuyến đi đều là dịp khám phá vùng đất mới, đưa bản thân vượt khỏi giới hạn an toàn. Như trong chuyến du lịch Tà Xùa (Sơn La) vừa qua, cô có trải nghiệm khó quên khi trekking "sống lưng khủng long" với vực sâu thăm thẳm 2 bên. Khi đến nơi, ngắm khung cảnh thiên nhiên, cảm giác chinh phục khiến cô thích thú.
Du lịch trước, tích góp sau
Theo một báo cáo về xu hướng du lịch của PMG, một công ty nghiên cứu thị trường, 65% Gen Z và 72% Millennials cho biết họ không tiếc tiền cho du lịch, đồng thời dẫn đầu về nhóm du khách gia tăng chi tiêu du lịch so với các thế hệ trước.
Năm 2024, báo cáo Cất cánh cùng ngành du lịch năm (khảo sát trên 30 triệu người) từ mạng quảng cáo trực tuyến Cốc Cốc cũng cho thấy 70% người trẻ ở độ tuổi 25-34 sẵn sàng chi từ 5 triệu đồng trở lên cho một chuyến đi.
![]() ![]() |
Hải Băng dành 50% thu nhập cho những chuyến du lịch. Ảnh: Hải Băng. |
Ưu tiên trải nghiệm hơn tích lũy vì "chỉ sống một lần trên đời" là quan điểm của một bộ phận du khách trẻ. Giá trị sống của nhóm này đang dần thay đổi, khi những chuyến đi được đặt lên trên mục tiêu vật chất. Mỹ Duyên (sống tại TP.HCM, làm việc trong lĩnh vực xây dựng) là một trường hợp như vậy.
Định kỳ 2 tháng/lần, cô và người yêu đều dùng hết ngày nghỉ phép để cùng du lịch nghỉ dưỡng tại các vùng biển từ Nam ra Bắc. Mỗi chuyến đi khoảng 7-8 triệu đồng trở lên. Hiện cô chỉ tích góp một khoản nhỏ để phòng trừ bệnh tật, ngoài ra không có khoản nào cho những mục tiêu vật chất lớn.
"Tôi nghĩ mình còn trẻ nên tranh thủ đi, tận hưởng cuộc sống, đến khi qua ngưỡng 35-40 lại không còn đủ sức khỏe để trải nghiệm. Những năm trước, tôi chỉ dám dành 2-3 triệu đồng cho một chuyến du lịch, mỗi năm đi khoảng 1-2 nơi. Từ năm 2023, tôi quyết định chi mạnh hơn, đi nhiều hơn. Tôi muốn khám phá thế giới ngoài kia trước, vì có tiết kiệm cũng rất lâu mới đạt mục tiêu tậu nhà, sắm xe", Duyên nói.
Gen Z này cho biết sau chuyến đi Phan Thiết (Bình Thuận) hồi đầu năm, cô và người yêu sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho 4 chuyến du lịch sắp tới. Cuối năm nay, cô dự định chi khoảng 30 triệu đồng cho chuyến đi Nhật Bản.
![]() ![]() |
Cặp đôi Gen Z thường xuyên đi du lịch cùng nhau, thay vì tích góp. Ảnh: Mỹ Duyên. |
Báo cáo về xu hướng du lịch của PMG cũng chỉ ra rằng một số du khách trẻ khác sẵn sàng cắt giảm chi tiêu hàng ngày cho các bữa ăn bên ngoài (60%), mua sắm (57%) và cà phê (54%) để có thể chi nhiều hơn cho chuyến du lịch.
Trong năm 2024, Minh Thoa (sống tại Bà Rịa - Vũng Tàu, làm việc trong lĩnh vực giáo dục) cũng "dốc" cạn tiền lương, bớt những buổi đi cà phê và tự nấu ăn tại nhà để dành dụm chi phí cho những chuyến du lịch chất lượng hơn.
Cô cho biết: "Sau 2 năm dịch gò bó, tôi trân trọng thời gian được đi khắp nơi, ngắm cảnh đẹp. Thu nhập mỗi tháng của tôi hơn 10 triệu, trừ sinh hoạt phí còn 5-6 triệu, tôi ở cùng ba mẹ nên không mất tiền nhà, giờ giảm thêm chi phí ngoài nên có thể thoải mái vi vu. Nếu tiết kiệm, mỗi năm tôi có khoảng 60 triệu đồng, nhưng tôi dành số tiền này cho du lịch. Thay vì bỏ lỡ nhiều chuyến đi bằng cách nói mình không đủ tiền, tôi cố gắng làm nhiều để đi nhiều".
Hết tiền, nhưng nhiều trải nghiệm
Nghiên cứu Xu hướng du lịch và Dự đoán du lịch năm 2024 của Booking.vn cho thấy 61% du khách Gen Z tại Việt Nam đi du lịch để thư giãn, 29% mong muốn kết nối sâu hơn với bản thân. Trên MXH, phần lớn du khách trẻ thích chia sẻ hình ảnh, video về chuyến du lịch, kèm theo quan điểm "nghèo nhưng vẫn có trải nghiệm, có kỷ niệm".
![]() |
Anh Văn trong chuyến đi Ladakh (Ấn Độ) vào tháng 4/2024. Anh dành 30% thu nhập để du lịch. Ảnh: Nguyễn Anh Văn. |
Nguyễn Anh Văn (sống tại TP.HCM) lên kế hoạch du lịch Pakistan tháng 4, Đài Loan tháng 7, Singapore và Indonesia tháng 9, Bắc Kinh tháng 11, cùng nhiều chuyến trong nước vào cuối tuần. Theo anh, du lịch là cách "sống có lãi", cụ thể lãi ở trải nghiệm, mở mang tầm nhìn, giải tỏa áp lực.
"Nhiều tình huống gặp phải trên hành trình giúp tôi linh hoạt và nhìn nhận cuộc sống đa chiều hơn. Ngoài ra, tôi còn được kết nối với nhiều người giỏi và học hỏi nhiều điều mới từ họ. Chẳng hạn như chuyến đi Ladakh (Ấn Độ) giúp tôi thay đổi hoàn toàn góc nhìn về đất nước này. Cảnh vật hùng vĩ, hoang sơ, khác với Ấn Độ đông đúc, náo nhiệt như trên truyền thông", anh nói.
Thừa nhận chi nhiều cho những chuyến đi, nhưng Anh Văn vẫn ưu tiên du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa. Anh chưa bao giờ xem du lịch như một cuộc chơi tùy hứng, thay vào đó là kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, từ tài chính, công việc đến lịch trình.
"Dù chỉ trống 2 ngày cuối tuần, tôi vẫn tranh thủ đi những chuyến ngắn nhưng đáng giá. Để có thể đi nhiều nhưng vẫn cân bằng chi phí, tôi chọn du lịch tự túc, tìm vé bay giá ưu đãi. Nhờ vậy, tôi tối ưu được chi phí, tận hưởng hành trình theo cách riêng", Văn bày tỏ.
![]() |
Với nhiều du khách trẻ, trải nghiệm du lịch cũng là một dạng của cải. Ảnh: Minh Phụng. |
Trong khi đó, Minh Phụng (sống tại TP.HCM) lại cho rằng du lịch là một cách đầu tư cho bản thân. Anh làm 2 công việc cùng lúc, chi tiền du lịch trước, sau đó trở về làm việc. Từ khi đi nhiều, mỗi sáng thức dậy, anh đều có động lực mãnh liệt để lao vào công việc, hoàn thành sớm và đợi đến ngày xách balo đi.
Đến hiện tại, Minh Phụng chi nhiều nhất cho chuyến đi Pakistan năm 2024, chi phí khoảng 50 triệu đồng. Chuyến đi ít nhất là phượt 6 tỉnh miền Tây, tốn khoảng 3,5 triệu đồng cho 4 ngày 3 đêm.
"Mỗi chuyến đi là những trải nghiệm khác nhau, giống như đọc xong quyển sách do mình viết, hoặc xem một bộ phim do mình làm đạo diễn. Sau những chuyến đi, tôi thấy tâm hồn mình không già cỗi, tinh thần phấn chấn, đồng thời có thêm động lực trong cuộc sống. 'Nếu một ngày đôi chân ngừng lại thì thà anh đi chết ngay', nghe hơi tiêu cực nhưng đúng là vậy, cuộc sống ổn định không phù hợp với tôi", anh bộc bạch.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'