''Độc chiêu'' quản chồng
Nguyệt là nhân viên văn phòng, làm theo giờ hành chính. Vĩnh làm việc ở một công ty tư nhân. Sau ngày cưới, Nguyệt đã tuyên bố thẳng là trưa nào Vĩnh cũng phải ghé đón mình đi ăn trưa đâu đó.
Ảnh minh họa |
1. Chiều hôm trước, Vy lại ẵm con về nhà mẹ. Trời mưa, cả mẹ lẫn con đều tím tái, lạnh run. “Cho sáng mắt ổng ra. Con chiều chuộng riết, ổng sinh hư... Đúng là có phước mà không biết hưởng!”. Vy cộc cằn trả lời câu hỏi của mẹ, nửa như giãi bày nửa như hờn lẫy.
Cái “hư” của chồng Vy chỉ là tật hay đi nhậu với bạn bè mỗi buổi chiều. Nói cho công bằng, thời gian đầu sau khi cưới, anh cũng chiều vợ, đi làm về là ghé cơ quan rước Vy, vợ chồng ghé chợ mua thức ăn hay tạt đâu đó ăn uống trước khi về nhà. Anh còn nói vui: “Như vầy đỡ mất công hò hẹn, chờ đợi em như hồi đó...”. Vy cũng vui.
Chuyện bắt đầu từ một bữa nhậu nhân dịp ông bạn ngoài quê vô chơi. Không từ chối được vì lý do quá chính đáng, anh gật đầu nhận lời và cẩn thận xin phép “phu nhân”. Vy tươi cười bảo: “Thôi anh đi đi kẻo anh em chờ. Nhưng mà nhớ về sớm nghen!”. Anh vui vẻ phóng xe đi, lòng thầm khen vợ mình tâm lý hết biết. Anh không nghĩ là cuộc nhậu hôm đó kéo dài đến gần 23 giờ. Bạn lâu ngày gặp nên cứ rà rê hết chỗ này tới chỗ khác. Bao nhiêu chuyện chảy tràn...
Anh chỉ còn đủ sức để về đến nhà và mở cánh cổng. Sáng hôm sau, chuông điện thoại réo anh dậy lúc 7 giờ. Anh ngạc nhiên thấy mình nằm trên giường, thơm tho, sạch sẽ như không có chuyện gì xảy ra. Trên bàn gần đó là ly trà nóng và một tô cháo để sẵn.
Vy giận, đón xe ôm đi làm, không thèm nhắn tin để lại. Anh có hơi ngài ngại nhưng vẫn vô tư xơi hết tô cháo rồi đi làm. Anh gọi, vợ không bắt máy. Đến chiều mới nghe Vy gọi điện bảo anh rước về. Chín giận mười hờn của vợ chồng trẻ nhanh chóng tan biến.
Nhưng có lần thứ nhất thì có lần thứ hai, ba, lần thứ... n! Những ông bạn nhậu của anh “khích” kiểu gì không biết mà anh nhậu quên cả vợ! Cho tới lúc có con, Vy chịu hết xiết. Hai năm trời, đêm nào anh cũng về nhà trong trạng thái nửa say nửa tỉnh như vậy. Vy cũng đã làm mọi cách từ năn nỉ, khuyên can, cằn nhằn đến khóc lóc... nhưng chồng vẫn chứng nào tật nấy. Lần này cũng vậy. Đã vậy, Vy đi cho biết mặt!
Đúng như Vy dự đoán, chỉ hôm sau, anh tìm đến xin lỗi và ca bài... “xin hứa”. Được thể, Vy bắt chồng làm “bản cam kết”, trong đó “điều khoản cho phép” chỉ cho anh nhậu tối đa hai lần mỗi tuần và không được về sau 22h. Nếu không, Vy sẽ đi luôn! Thấy vợ làm dữ, anh đành chấp nhận cho êm chuyện.
2. Nguyệt là nhân viên văn phòng, làm theo giờ hành chính. Vĩnh làm việc ở một công ty tư nhân. Sau ngày cưới, Nguyệt đã tuyên bố thẳng là trưa nào Vĩnh cũng phải ghé đón mình đi ăn trưa đâu đó, ngồi tán dóc cho qua giờ nghỉ trưa rồi ai về sở nấy. Chiều, hết giờ Vĩnh phải ghé đón vợ về nhà. Nếu hôm nào có việc đột xuất không thực hiện đúng “lịch trình”, thế nào chồng cũng nhận được hàng loạt cuộc điện thoại của vợ hỏi xem anh đang ở đâu, làm gì.
Mỗi lần muốn bù khú với bạn bè, chồng lại phải tìm cách nói dối vợ. Nhưng cũng chỉ đi được một lúc là tin nhắn liên tiếp bay tới nhắc nhở khiến cho Vĩnh đứng ngồi không yên! Bữa nhậu có khi hỏng bét vì những tin nhắn đó. Nhiều bữa Vĩnh thoái thác với bạn: “Bả làm quá, đừng đi vui hơn”. Nhưng rồi anh cũng đi.
Phượng, cô nhân viên trong cơ quan tôi, có “chiêu” quản chồng đã đời: “Em nói ổng ngày nào cũng có thể uống một chút với anh em, với điều kiện không muộn quá 20 giờ để còn ăn cơm với gia đình. Nếu ổng đi quá giờ đó, em sẽ không gọi điện nữa. Về nhà là em không nói chuyện, ít nhất cũng hai ngày! Mà sau mỗi lần như vậy hình như ổng... biết sợ em, ít về trễ, ít đi nhậu. Lâu lâu đi nhậu cùng bạn bè, ổng đều thông báo trước và có thể về muộn hơn nhưng em sẽ nhắn tin, kiểu như “anh về sớm nghe, em chờ đấy” nên dù có nhậu đi nữa ổng cũng về nhà trước 21 giờ”.
3. Tuy nhiên, mấy bà vợ có tuyệt chiêu quản chồng đừng... tưởng bở! Không phải ông chồng nào cũng dễ dàng chấp nhận thực hiện cái kỷ luật như vậy đâu. Như anh chồng Vy, sau khi “ký cam kết” tuy tình hình có khá hơn trước rất nhiều nhưng anh lại bảo rằng chỉ vì đã cảm thấy biết... thương vợ con hơn nên không muốn về trễ nữa thôi.
Anh cũng nói, không thể nào thực hiện răm rắp các điều khoản vợ đưa ra một cách máy móc, bởi lẽ vì công việc, đôi khi không tài nào giữ chặt kỷ luật nhà được. Và mỗi lần như thế, Vy lại chuẩn bị tư thế cho chồng... ra đường, thậm chí không mở cửa để chồng ngồi ở ngoài mà không hề chịu nghe một lời giải thích!
Dù đã nhiều lần hứa “anh sẽ sửa” nhưng Vĩnh vẫn luôn về nhà muộn với đủ lý do. Về nhà lúc nào cũng thấy vợ khóc lóc, anh động lòng hứa hẹn sẽ về trước 22 giờ, nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, anh lại đi mất hút...
Tôi có đứa em gái, cũng đã lập gia đình, có con cái. Cô này đáo để lắm nhưng cũng không giữ chồng ở nhà theo ý mình được. Không gặp thì thôi, hễ gặp là cô lại cằn nhằn việc ông chồng “mê chơi, bỏ vợ con”. Mà thật ra, thỉnh thoảng anh ta mới cà phê cà pháo với bạn bè chừng một hai giờ để “thu thập thông tin vỉa hè” và xả stress sau một ngày căng thẳng ở công sở.
Thật ra, tạo cho mỗi người thói quen về nhà đúng giờ là một việc làm cần thiết bởi trong gia đình, các thành viên cần phải có thời gian gặp gỡ, chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng đều nên thỏa thuận với nhau trên tinh thần thông cảm, hiểu biết và có trách nhiệm. Bởi nếu đặt ra kỷ luật thì phải thực hiện. Quản lý thời gian quá khắt khe sẽ tạo nên sự căng thẳng, bức bách, dễ dẫn tới những xung đột không đáng có trong đời sống vợ chồng. Thay vì vậy, bạn nên tạo một không khí đầm ấm, vui vẻ hơn ở bên ngoài để... níu chân chàng về. Nụ cười, lòng tin cậy và tình yêu thương luôn là yếu tố cần thiết để giữ ngọn lửa gia đình luôn ấm áp và đủ sức gắn kết mọi thành viên trong gia đình, chứ không phải là những cam kết lạnh lùng kia.
Theo Người Lao Động