Nhiều người vào nhà ma để tìm cảm giác rùng mình sợ hãi như một truyền thống lâu đời vào mùa hè Nhật Bản. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Còn nhiều tháng nữa mới đến Halloween nhưng những ngôi nhà ma ám của Nhật Bản lại đông khách hơn bao giờ hết. Nhiều người vào đây để tìm cảm giác rùng mình sợ hãi như một truyền thống lâu đời vào mùa hè Nhật Bản.
Sợ đến “toát mồ hôi lạnh”
Những cái bóng mặc kimono đi dọc theo cung đường tăm tối. Chúng cất từng bước chậm rãi trong khi miệng không ngừng rên rỉ. Phía sau là những màu đỏ tạo cảm giác rùng rợn.
Đây là yếu tố giúp các ngôi nhà ma của Nhật Bản trở nên hút khách giữa mùa hè, đặc biệt là vào tháng 8.
Trong văn hóa Nhật Bản, mùa hè thường gắn liền với cái chết vì người ta tin rằng linh hồn tổ tiên sẽ về thăm gia đình vào lễ o-Bon giữa tháng 8 - một dịp lễ mà người Nhật Bản đặt ra để tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên.
Cổng vào nhà ma của khu giải trí Namjatown. Ảnh: Appetite For Japan. |
Việc ghé thăm những ngôi nhà ma ám cũng được xem là cách giải nhiệt giữa mùa hè. Nhà ma Nhật Bản thường lắp đặt điều hòa mát mẻ để bảo đảm khách tham quan luôn cảm thấy rùng mình (vì sợ hãi hoặc lạnh). “Tôi thấy lạnh từ xương tủy khi bước vào bên trong”, Misato Naruse, 18 tuổi, chia sẻ.
Tại công viên giải trí Namjatown, những ngôi nhà ma ám được thiết kế theo chủ đề một thị trấn bỏ hoang của Nhật Bản. Nơi đây có đầy rẫy ma quỷ và không ít cạm bẫy được ban tổ chức chuẩn bị để dọa khách tham quan.
“Trong tiếng Nhật, chúng tôi thường nói ‘kimo ga hieru’, nghĩa là ‘làm lạnh gan’, ‘lạnh đến mức nổi da gà’ mỗi khi ai đó bị dọa ma”, ông Hiroki Matsubara, đại diện của nhà ma Bandai Namco Amusement, cho biết. “Cảm giác ‘lạnh sống lưng’ trong nhà ma sẽ giúp du khách tận hưởng cảm giác mát mẻ giữa mùa hè Nhật Bản”.
Những người thiết kế nhà ma Nhật Bản tự tin làm người tham quan phải sợ đến "toát mồ hôi lạnh". Ảnh: Margee Kerr. |
Misato Naruse đi cùng bạn cùng lớp là Himari Shimada. Cả hai vừa chạy khỏi thị trấn ma ám của công viên giải trí Namjatown. Chia sẻ với Japan Times, Naruse cho biết cô đến đây “để giải nhiệt”.
“Tôi và bạn toát mồ hôi lạnh mà không hề hay biết. Không rõ là do điều hòa được chỉnh ở nhiệt độ quá thấp hay quá sợ nhưng đây quả thật là một điểm đến lý tưởng giữa mùa hè”, Naruse chia sẻ trong khi người bạn của cô vẫn còn sợ hãi và không nói nên lời.
Truyền thống nghe chuyện ma vào mùa hè
Theo The Japan Times, mùa hè ở Nhật Bản đang ngày càng nóng hơn do biến đổi khí hậu.
“Năm ngoái, trời rất nóng nhưng năm nay còn nóng hơn. Tôi tự hỏi mùa hè sẽ nóng như thế nào trong vài năm tiếp theo”, Naruse nói.
Nhật Bản vừa trải qua tháng 7 nóng nhất từ khi các dữ liệu thời tiết được ghi nhận cách đây 126 năm. Nhiệt độ của xứ sở hoa anh đào đang cao hơn mức trung bình 2,16 độ C.
Chỉ riêng khu vực trung tâm Tokyo, 123 người đã tử vong vì sốc nhiệt khi đợt nắng nóng khắc nghiệt càn quét Nhật Bản. Số lượng xe cấp cứu được huy động trong tháng 7 cũng đạt kỷ lục tại Tokyo, theo chính quyền địa phương.
Nhiều ngôi nhà ma ám ở Nhật Bản còn treo bảng “Ở đây chúng tôi có cơn rùng mình giúp bạn thổi bay cái nóng mùa hè” để thu hút khách tham quan.
Theo ông Hirofumi Gomi, người có 30 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế những ngôi nhà ma, nguồn gốc của ý tưởng vào nhà ma để tránh nóng xuất phát từ một loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản.
Ông Hirofumi Gomi là người có 30 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế những ngôi nhà ma. Ảnh: Nippon.com. |
“Các nhà hát kabuki thời xưa thường rất ít khách vào mùa hè vì khán giả không muốn chen chúc trong một nhà hát ngột ngạt, không có điều hòa”, ông kể.
Theo ông, để thu hút người đến xem, các chủ nhà hát quyết định chuyển từ thể loại kịch kabuki tình cảm sang kịch kinh dị với nhiều thiết bị tạo ra cảm giác “lạnh sống lưng”. Nhờ đó, khán giả đi xem kịch kabuki đông trở lại.
“Đối với những người đang khó chịu vì nhiệt độ, những hiệu ứng hình ảnh rợn người và chuyện ma hấp dẫn sẽ là vũ khí hiệu quả để đánh bay cái nóng”, ông Gomi chia sẻ. “Đó là lý do mà những ngôi nhà ma ám có thể giúp bạn cảm thấy mát mẻ giữa mùa hè khắc nghiệt”.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.