Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Độc lực của sâu bướm hình bộ tóc giả

Nếu vô tình chạm phải gai của sâu bướm Puss, nạn nhân sẽ bị sốt, phát ban, nổi hạch và rất đau đớn.

NBC DFW đưa tin bé Adrie Chambers (5 tuổi, ở Texas, Mỹ) đang chơi đùa tại sân của nhà trẻ thì bất ngờ bị một con vật lạ nhìn như búi tóc giả rơi xuống cánh tay. Ngay lập tức, cánh tay của cô bé bị tê liệt, bỏng rát và phải nhập viện cấp cứu, điều trị bằng steroid.

Theo Business Insider, năm 2018, một thiếu niên ở Florida cũng gặp tình trạng tương tự khi tình cờ giẫm phải loài vật trên.

Thủ phạm của những tai nạn trên là sâu bướm Puss - côn trùng có ngoại hình như một búi tóc giả dài nhưng ẩn chứa nọc độc nguy hiểm nhất nước Mỹ.

Ghi nhận từ tạp chí Tropical Medicine and Hygiene, năm 1923 và 1951, sâu bướm Puss hoành hành khiến các trường công lập của bang Texas (Mỹ) phải đóng cửa vì mức độ nghiêm trọng của nó gây ra.

sau buom co noc doc nguy hiem nhat nuoc My anh 1

Sâu bướm Puss - loài côn trùng có nọc độc nguy hiểm tại Mỹ. Ảnh: National Geographic.

Cảm giác đau đớn gấp nhiều lần ong bắp cày đốt

Sâu bướm Puss là loài côn trùng thường trú ngụ ở bờ biển Đông giữa Florida và New Jersey, Mỹ. Tuy nhiên, chúng có thể di trú và sống ở Arkansas, Texas. Gần đây, nhiều trường hợp báo cáo bị sâu bướm Puss đốt ở bang Virginia.

Theo hướng dẫn về loài côn trùng này của Đại học Florida (Mỹ), sâu bướm Puss khi còn là ấu trùng sẽ có màu vàng, chuyển dần sang xanh lục kèm các sợi gai thưa, mảnh. Sau mỗi lần thay lông, lớp gai của ấu trùng sâu bướm Puss ngày càng rậm rạp.

sau buom co noc doc nguy hiem nhat nuoc My anh 2

Vết tổn thương trên da của nạn nhân bị sâu bướm Puss đốt. Ảnh: The Sun.

Đến khi trưởng thành, tổ hợp gai này chứa nọc có độc lực mạnh. Tuyến nọc độc nối với thân, các gai bị che khuất bởi lớp lông mềm dài.

Khi trưởng thành hoàn toàn, cơ thể của sâu bướm Puss bị che phủ gần như 100% bằng lớp lông dày. Tuy nhiên, đầu và vòi trứng của chúng vẫn lộ ra khi di chuyển, ăn lá.

Do đó, không ít người tò mò sờ, chạm hoặc vuốt lớp lông sặc sỡ này và bị nọc độc tấn công. Đại học Florida xếp Puss vào loại sâu bướm có nọc độc nguy hiểm nhất tại Mỹ.

Thức ăn của sâu bướm Puss là lá sồi, cây du. Các loại cây này thường được trồng nhiều ở công viên, trường học, những khu vực công cộng vì chúng tạo bóng râm mát.

Sở hữu vẻ ngoài mềm mại nhưng ít ai biết sâu bướm Puss chứa nọc độc rất nguy hiểm. Bình thường, chúng sẽ không chủ động tấn công con người. Tuy nhiên, nếu ai đó chạm vào, chúng lập tức xù lông, phóng các gai chứa độc bám lên da.

Theo nhà côn trùng học Don Hall (Đại học Florida, Mỹ): "Vết đốt của sâu bướm gây cảm giác đau như bị ong bắp cày đốt. Tuy nhiên, cảm giác sẽ tồi tệ hơn nhiều. Cơn đau ập đến ngay lập tức, thậm chí khiến bạn tổn thương xương".

Mức độ đau đớn của vết đốt phụ thuộc vị trí bị nọc độc tấn công và lượng gai cắm trên da. Thông thường, cơn đau khi bị ong bắp cày đốt kéo dài một giờ. Với sâu bướm Puss, nạn nhân có thể đau đớn lan sang khu vực lân cận và kéo dài tới 12 giờ.

Theo nhà côn trùng học David Wagner tại Đại học Connecticut, Mỹ, nạn nhân sẽ có dấu hiệu sốt, sưng hạch, ngứa, cảm giác bỏng rát sau đó chuyển thành phát ban. Gai của chúng bám trên da có thể gây ra cơn đau dữ dội, để lại vết tụ máu, sưng tấy.

Ông Wagner miêu tả cơn đau đớn của người bị nọc độc sâu bướm Puss tấn công tương tự viêm khớp nặng trong nhiều giờ.

Cách phát hiện và xử lý khi bị đốt

Ngoại hình của sâu bướm rất đặc trưng bởi lớp lông dày, màu sắc sặc sỡ và mượt như tóc giả. Do đó, chúng ta không nên tò mò chạm hay giẫm chân lên nó.

Nhà côn trùng học Ric Bessin (Đại học Nông nghiệp Kentucky, Mỹ) trả lời phỏng vấn của USA Today: "Nếu tình cờ bạn gặp loài sâu trên, hãy lấy que hoặc vật dụng nào đó để di dời nó ra xa. Chúng ta tuyệt đối không nên đến gần hay chạm vào". Chuyên gia này cũng lý giải bộ lông mềm mại, màu sắc của sâu bướm Puss là do hiện tượng aposematic để ngăn cản những kẻ săn mồi.

Khi bị nọc độc của sâu bướm Puss tấn công, nguyên tắc đầu tiên đó là chúng ta không dùng tay phủi các gai. Hành động này có thể khiến nọc độc bám lên các vùng da khác, quần áo và gây tổn thương lan rộng.

Thay vào đó, bạn nên dùng que hoặc vật nào đó để loại bỏ sâu bướm. Tiếp đến, nạn nhân cần tắm càng sớm càng tốt để rửa sạch lông và hạ nhiệt cho vùng da bị tổn thương. Khi gai bám lên da, nó lập tức cắm vào lớp biểu bì và tiêm nọc độc, gây bỏng rát. Tắm với nước mát, sạch, giúp nạn nhân giảm bớt hiện tượng dị ứng.

Nhà côn trùng học David Wagner cho rằng chúng ta không nên hoảng sợ khi gặp sâu bướm Puss. Bởi đặc thù của nó là không chủ động tấn công con người. Ngoài ra, nó cũng rất hiếm gặp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên mặc quần áo dài tay khi đi lại ở các khu vực có bụi cây rậm rạp, nhất là những tán sồi.

Nọc độc của Puss được đánh giá là nguy hiểm nhất trong các loài sâu bướm tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa có ca tử vong nào được ghi nhận khi bị loài này đốt. Chủ yếu tổn thương xảy ra trên da và cảm giác đau đớn kéo dài.

Loài sâu bướm có nọc độc nguy hiểm xuất hiện tại Mỹ

Loài sâu bướm Puss được tìm thấy ở bang Virginia (Mỹ) gây phát ban, nôn, sưng hạch, sốt cho nạn nhân chạm phải nó.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm