Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi mới đề thi văn lớp 10

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập sắp tới tại TP HCM sẽ có nhiều đổi mới mang tính đột phá


Học sinh dự thi vào lớp 10 năm 2014 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: Người Lao Động.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM vừa công bố cấu trúc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016 theo định hướng đổi mới. Cụ thể, học sinh sẽ làm bài thi trên giấy với thời gian 120 phút. Trong đó, yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp từ 20% - 30% và yêu cầu vận dụng cao từ 70% - 80% trên tổng số điểm của bài thi.

Đề văn lớp 9 quận Gò Vấp ra cho… siêu nhân

Nhiều học sinh than trời về đề kiểm tra học kỳ II, môn ngữ văn lớp 9 tại quận Gò Vấp, TP HCM vì quá khó. Giáo viên đọc đề cũng mướt mồ hôi.

Cấu trúc đề thi mới

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, cho biết, không phải năm học 2015 - 2016, TP mới đổi mới cách ra đề. Trước đó, sở tiên phong thực hiện đề thi theo hướng đổi mới, được các địa phương khác hoan nghênh. Đề thi sẽ đánh giá đúng tư duy, năng lực của học sinh.

Năm học 2015 - 2016, đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thực hiện theo định hướng: Phần đọc - hiểu (3 điểm) yêu cầu trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về văn bản đã học trong sách giáo khoa hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa có chủ đề tương tự, phù hợp; trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về tiếng Việt; giải bài tập tiếng Việt theo yêu cầu.

Mục đích của phần này là đánh giá khả năng ghi nhớ, nhận biết, tái hiện và vận dụng các đơn vị kiến thức cơ bản, cần thiết, nền tảng đã học về văn học và tiếng Việt; đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp để đọc hiểu, tiếp nhận văn bản.

Phần đọc - hiểu cũng có thể yêu cầu học sinh tìm, đặt một nhan đề mới; hoàn thành văn bản với một kết thúc mới; sáng tạo cách dùng từ, đặt câu mới; đề ra phương pháp, cách đọc hiểu và vận dụng kiến thức mới. Mục đích là đánh giá năng lực tư duy sáng tạo, tư duy phản biện; đánh giá khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng từ nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một tình huống đặt ra.

Ở phần tạo lập văn bản (7 điểm, trong đó nghị luận xã hội 3 điểm và nghị luận văn học 4 điểm). Hình thức nội dung, đánh giá của phần này là viết bài nghị luận xã hội ngắn về một tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng đời sống gần gũi, phù hợp với lứa tuổi; viết bài nghị luận văn học về văn bản thơ hoặc truyện đã học trong chương trình ngữ văn 9. Từ đó, có những yêu cầu vận dụng cao như: So sánh, liên hệ với văn bản trong và ngoài sách giáo khoa có chủ đề, thể loại tương tự; rút ra các vấn đề mang tính khái quát về nội dung và hình thức văn học; vận dụng kiến thức để giải quyết một tình huống cụ thể trong đời sống…

Ra đề đánh giá mà như cố đánh trượt

Một đề thi hay phải thể hiện sự phân hóa cao trong việc đánh giá trình độ học sinh, vừa bảo đảm tính chính xác về từ ngữ và tư liệu; kích thích sự hứng thú, sáng tạo.

Đề thi phải tránh cảm thụ mẫu

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết, với cấu trúc đề thi như sở công bố là tốt nhưng đổi mới đề thi phải đi kèm đổi mới phương pháp dạy và học. Lâu nay, chúng ta mới chỉ dạy cho học sinh cách cảm thụ mẫu. Tức là đưa ra một bài văn, một tác phẩm rồi dạy các em cách phân tích, cảm thụ. Nhưng nếu đề thi không vào tác phẩm đó thì xem như… trật tủ. Trong khi đổi mới thật sự phải giúp học sinh có phương pháp, kỹ năng cảm thụ, để bất kỳ một tác phẩm nào cũng không làm các em lúng túng.

Một giáo viên nhiều năm ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 phân tích từ thực tế đề thi các phòng GD&ĐT vừa ra trong kỳ thi học kỳ II lớp 9 mà báo chí phản ánh cho thấy người ra đề không phân biệt được đề kiểm tra học kỳ khác với đề tuyển sinh lớp 10.

Nhưng ở một góc độ khác, có lẽ vì những người ra đề lo lắng đặt yêu cầu phải đổi mới đề thi, lo lắng học sinh của mình không quen với đề thi sắp tới của sở nên tận dụng kỳ thi học kỳ II lớp 9 làm lần tập dượt để học sinh thi thử.

Đề thi sẽ được ra theo hướng đổi mới, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường THCS hiện đang băn khoăn trong cách ôn tập cho học sinh. Một giáo viên tại quận 7 cho biết, trước đây, chẳng hạn cho học sinh ôn 10 tác phẩm mà biết chắc trong đó có 1 tác phẩm vào đề thi thì các em mới chịu học. Giờ đề thi với ngữ liệu mênh mông, cả trong sách, trên mạng, ngoài xã hội… buộc giáo viên phải ôn lại từng kỹ năng để các em thích nghi như tổng hợp, phân tích, các biện pháp tu từ...

Đáp án cũng phải mở

Theo một chuyên viên của Sở GD&ĐT TP HCM, đối với những tác phẩm văn chương nổi tiếng hay những tác phẩm mới được đưa vào đề thi thì việc cảm nhận độ “nặng” hay “nhẹ” của đề xuất phát từ con tim của mỗi học sinh.

Người thầy lâu nay yêu cầu học sinh trình độ lớp 9 phải hiểu và phân tích được như những giáo sư, tiến sĩ hoặc họ lấy cảm nhận của mình để yêu cầu học sinh phải đạt được trình cảm thụ tương đương như thế mà không đặt mình vào vị trí học sinh.

Vì vậy, để tránh học sinh chịu thiệt thòi, cách đánh giá, đáp án ở kỳ thi sắp tới cũng phải mở song song với hướng ra đề.

Những đề văn ‘gài bẫy’ học sinh gây tranh cãi

Đề văn khiến học sinh khó hiểu, mất phương hướng lập luận, không biết lựa chọn phương án trả lời... được đánh giá là "gài bẫy" học sinh.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/doi-moi-de-thi-van-lop-10-20150430215819524.htm

Theo Đặng Trinh/Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm