PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT - đặc trách về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện, ông là Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới.
Ông Thống chia sẻ với Zing.vn bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn cá nhân về câu chuyện đổi mới giáo dục ở Việt Nam nói chung và viết sách giáo khoa nói riêng.
Từ lâu, nhiều người phê phán hiện tượng“vọng ngoại”, chạy theo nước ngoài. Cứ đi một nước nào đó về lại hết lời ca ngợi nước ấy
Người đọc được tài liệu của Hàn bảo giáo dục Hàn Quốc tốt nhất. Người biết chương trình của Nhật thì cho rằng Nhật hay. Một người gọi điện thoại cho tôi lớn tiếng bảo sao không theo chương trình của Tây. Một thầy đọc tài liệu của Trung Quốc lại khuyên nên theo chương trình của Tàu…
Tôi lắng nghe tất cả, thấy ai nói cũng hay, nhưng chung quy hình ảnh "nồi lẩu" vẫn nổi lên và anh chàng“đẽo cày giữa đường” lại lù lù hiện về.
Mỗi nước một hoàn cảnh, điều kiện
Do gắn với chuyên môn hàng ngày, tôi có đi, đọc, nghiên cứu về giáo dục một số nước, nhất là về chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình và sách giáo khoa môn học Ngữ văn. Từ lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa năm 2000 đến lần này (2017), tôi đã nghĩ nhiều về chuyện học tập kinh nghiệm của những nước có nền giáo dục phát triển.
Tôi luôn nghĩ với bối cảnh hiện nay, không học người, cứ một mực “mũ ni che tai”, chẳng biết người ta dạy cái gì và dạy thế nào; chỉ khư khư ôm lấy cái bồ kinh nghiệm, cho dù đó là những kinh nghiệm rất quý đi nữa, thì giỏi lắm cũng chỉ là ông đồ gàn. Suốt ngày chỉ quanh quẩn ở làng Mùi, vuốt ve và tấm tắc khen cái tràng kỷ tre mòn bóng của nhà mình, rồi lớn tiếng chê bai mấy cái salon, đệm mút, đệm cỏ, đệm bông gòn… là đồ vứt đi.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Báo Tin Tức. |
Chiều ngược lại, cứ thấy người có gì mới lại chạy theo, hớt váng, cắt ngọn, thêm chỗ này, bớt chỗ kia… rồi lớn tiếng nhân danh hiện đại, nhân danh cập nhật khoa học để tụng ca người và quay lại phê phán chương trình, sách giáo khoa nước mình…, thì giỏi lắm cũng chỉ thành anh chàng nấu lẩu.
Đó là chưa nói, trong cái lĩnh vực chương trình và sách giáo khoa mênh mông “bể Sở, mây Tần” ấy, việc đọc được, tiếp cận và hiểu được đầy đủ những tài liệu chính thống, thông tin mới mẻ, đáng tin cậy rất khó.
Không ít trường hợp cùng đưa thông tin về giáo dục một nước nhưng mỗi người mỗi kiểu, rất khác nhau, thậm chí ngược nhau. Đó cũng là chưa nói từ chương trình, sách giáo khoa đến việc tổ chức dạy học cụ thể của họ thế nào lại càng khó hơn, vì phải đến tận nơi, dự giờ của họ thật nhiều… may ra mới thấu, mới hiểu. Còn biết bao điều kiện đi kèm nữa mới thực hiện được chương trình như của họ.
Vậy nên, cứ mỗi lần nghe ông nào đó lớn tiếng khuyên nhủ nên học chương trình của Nhật, Mỹ, Pháp hay một nước phát triển, tôi rất muốn nói lại rằng: Chúng tôi cũng rất muốn học theo các nước như ông khuyên, nhưng liệu có thay được từ môi trường tự nhiên - xã hội, chính sách… đến bát gạo, đồng lương của mỗi giáo viên. Ông có biết mỗi nước có một hoàn cảnh rất khác biệt hay không?
Không nên học nguyên si nước ngoài
Chuyện học tập nước người đã nhiều lần đặt ra như thế và cho đến nay vẫn có ý kiến đề nghị cứ lấy nguyên chương trình của các nước phát triển về mà dùng, tội gì phải nghiên cứu tốn tiền.
Mấy tháng trước đây cũng vừa rộ lên trên truyền thông ý kiến nước ta sẽ nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa của Phần Lan, một đất nước có nền giáo dục tốt nhất nhì thế giới. Đúng lúc đó, tôi đang dự lớp tập huấn về phát triển chương trình giáo dục tại Đại học Potsdam (Cộng hòa liên bang Đức).
Tôi mang vấn đề có nên nhập khẩu chương trình và sách giáo khoa ra hỏi GS Bernd Meier, một trong những GS có uy tín của Đức về lĩnh vực này. Ông cười và nói:“ Học nước ngoài thì rất cần và nên học, nhưng nhập khẩu nguyên si thì không nên”.
Tôi gặng hỏi tiếp về lý do và xin minh chứng về chuyện không nên nhập khẩu. Ông nói: “Toán học là khoa học chung của toàn thế giới, nhưng giáo dục toán học phải mang màu sắc của mỗi nước. Giáo dục về khoa học tự nhiên đã thế huống chi khoa học xã hội”.
Ông kể cho tôi nghe một ví dụ. Khi mới thống nhất đất nước (1990), nước Đức muốn mang toàn bộ chương trình và sách giáo khoa của Tây Đức áp đặt cho Đông Đức. Thế mà thất bại. Cùng một đất nước, cùng một dân tộc, cùng nói tiếng Đức, cùng văn hóa Đức… thế mà không được, huống chi hai nước khác biệt nghìn trùng.
Vậy nên, chúng ta cần học người, học các nước phát triển về giáo dục, nhưng chỉ là học xu thế chung, học định hướng tất yếu và vận dụng vào nước mình một cách sáng tạo, phù hợp. Trong lĩnh vực nào cũng thế, không thể cứ thấy người làm được rồi học người theo lối bê nguyên si, áp dụng máy móc, khô cứng vào cho mình, trong khi điều kiện của mình rất khác người.
Để có nền giáo dục khỏe mạnh, trước hết phải bắt đầu từ nội lực; từ sự cố gắng của Nhà nước để có một chính sách phù hợp và một đường lối đúng đắn; đến sự chia sẻ, đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực hết mình của ngành giáo dục. Khi đó, việc học nước ngoài mới thực sự có ý nghĩa, hiệu quả và hữu ích.
Các Nghị quyết của Đảng đều khẳng định giáo dục là sự nghiệp của toàn dân; cũng có nghĩa là toàn xã hội có liên quan, phải cùng chịu trách nhiệm và nhất là phải chung tay góp sức vì giáo dục.
Giáo dục không phải là ốc đảo. Mình ngành giáo dục cố gắng cho dù hết sức thì cũng chỉ giống như anh chàng tự túm lấy tóc mình mong nhấc mình lên.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Văn năm 1979, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1994 và được phong PGS năm 2006.
Ông có hơn 20 năm chuyên nghiên cứu về phát triển chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình Ngữ văn; tác giả của chương trình Ngữ văn hiện hành (chương trình năm 2000); tác giả và chủ biên của nhiều bộ sách giáo khoa Ngữ văn và sách tham khảo từ lớp 6 đến lớp 12.
Từ 2012- 2016, ông là Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, đặc trách về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện tại, ông là Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới.