Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đổi mới tuyển sinh: Hoang mang, rắc rối

Nếu như mở đầu công cuộc cải cách thi cử, kỳ thi THPT Quốc gia gây ra sự “nghẽn mạch” thì hiện nay, sau 2/3 thời gian xét tuyển đợt 1, dường như đang xảy ra tình trạng hỗn độn.

Cả thí sinh và nhà trường đều mệt mỏi

Đầu giờ sáng 14/8, tại khu vực tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội, một vị phụ huynh bức xúc nói: “Rắc rối quá! Rút mới chả nộp, làm khổ con người ta”. Cán bộ tiếp nhận đơn rút hồ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ôn tồn giải thích: “Mong bác hết sức bình tĩnh, việc lấy hồ sơ có thể chỉ mất 5 phút nhưng không chỉ có thế. 

Để giúp bác có thể quay sang trường khác nộp đơn xét tuyển ngay được thì chúng tôi sẽ phải xóa tên con bác trong hệ thống phần mềm của trường thì con bác mới có thể đăng ký vào trường khác. Với hệ thống phần mềm  như hiện nay thì không thể làm ngay, mạng hôm nay rất khó vào”. Vị phụ huynh này được  hẹn chiều cùng ngày đến lấy hồ sơ.  Đó là cảnh rút, nộp hồ sơ ĐKXT của một trường ĐH được coi là “cứng” về công nghệ thông tin.

Hàng chục thí sinh và phụ huynh “bao vây” cán bộ trường ĐH Sư phạm TPHCM để xin rút hồ sơ
Hàng chục thí sinh và phụ huynh “bao vây” cán bộ ĐH Sư phạm TP HCM để xin rút hồ sơ.

'Xét tuyển vào đại học là cuộc chơi đỏ đen'

"Trong cuộc đua này, thí sinh biết mình đang đứng ở đâu vẫn có khả năng trượt đại học", độc giả Minh Phước chia sẻ với Zing.vn về thư gửi Bộ GD&ĐT.

Trường này, trong những ngày qua, thí sinh đạt điểm cao tiếp tục nộp hồ sơ và đẩy khoảng 2.000 thí sinh có điểm thấp hơn phải “tháo chạy” trong mấy ngày qua. Thí sinh muốn vào ngành CNTT của trường  này, hiện nay, phải đạt 8,8 điểm/môn mới có cơ hội. Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo nhà trường dự báo: điểm chuẩn tạm thời của trường tiếp tục tăng do thí sinh điểm cao đang nộp vào. Dự đoán sẽ có khoảng 3.000 thí sinh sẽ phải rút đơn khỏi trường này.

Tại một trường ĐH khác, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN, bà Hà Lê Kim Anh, trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường đã tiếp nhận được khoảng 76% chỉ tiêu sau NV1 nhưng vẫn lo ngại: Thí sinh nếu đỗ được trường ĐH Ngoại thương sẽ bỏ.

Nhận xét về kỳ thi, ông Đỗ  Văn Xê, Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ nói, sai lầm đầu tiên là  từ Bộ GD&ĐT khi cho mỗi thí sinh 4 NV và có thể chọn  4 ngành  làm cho thí trở nên… ảo. Tiếp theo đó, ông Xê phân tích, sự thiếu trách nhiệm của các trường ĐH: Đáng ra,  các trường phải làm danh sách minh bạch, công bố rõ ràng nhưng lại không làm thế. Hồ sơ của thí sinh nộp vào, đáng ra phải xếp theo thứ tự để thí sinh hoặc người nhà đến rút là có liền thì lại đổ đống hồ sơ như “bùi nhùi” thế thì sao tìm được ngay - đó chính là tinh thần trách nhiệm của từng trường chứ không phải từ Bộ.

Tiếp đó, theo ông Xê,  là sự hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh của phụ huynh và thí sinh. Ông Xê nói: “Người ta quy định tới ngày 20/8 mới hết hạn nộp hồ sơ thì đâu phải cần chờ trực từng phút từng giây, thức đêm thức hôm… Nếu muốn chuyển đổi thì trước ngày 20  là được!”.

Một nhà tuyển sinh khác ở khu vực Hà Nội nhận xét: Thay vì việc chờ đợi kết quả đỗ - trượt một cách thụ động như mọi năm thì năm nay thí sinh và người nhà có thể chủ động và có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình xét tuyển. Tuy nhiên, quá nhiều lựa chọn cũng tăng thêm áp lực.

“Hiện nay, áp lực đè nặng lên thí sinh và các trường. Phải xử lý một khối lượng thông tin lớn, nếu không, sẽ chỉ  trông chờ vào may rủi. Sự mệt mỏi này đã được thấy từ lâu và sẽ kéo dài trong 20 ngày. Việc này có nhẹ nhàng hơn việc thêm một kỳ thi hay không là điều cần suy ngẫm một cách nghiêm túc” - nhà tuyển sinh này nói.

TP HCM: Thí sinh “tháo chạy” lòng vòng

Ngày 14/8, hơn 2/3 chặn đường xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 đã đi qua, nhiều trường ĐH tại TP HCM tiếp tục trên đà tăng điểm khiến cuộc “tháo chạy” từ trường này sang trường khác của thí sinh ngày càng trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh và phụ huynh dù ở xa vẫn không muốn đến sở GD&ĐT địa phương và trường THPT mà lên tận trường ĐH để rút hồ sơ vì họ cảm thấy không an toàn.

Sáng 14/8, sau một đêm ngủ trên xe khách từ Đắk Lắk về TP HCM, Nguyễn Thị Mỹ Dung mặt mũi phờ phạc ngồi chờ rút hồ sơ tại ĐH Y dược TP HCM. Dung cho biết, 5 giờ chiều 13/8, một mình em bắt xe giường nằm để về TP HCM. Đến khoảng 4 giờ 30 phút sáng nay (ngày 14/8) thì tới bến xe miền Đông, sau đó gọi điện nhờ người thân ở gần đó đến đón về nhà nghỉ. “Đây là lần đầu tiên em đi xa một mình, cả đêm nằm trên xe em không chợp mắt được vì hơi sợ…”, Dung kể.

Dung năm nay thi được 21,5 điểm, nộp hồ sơ vào ngành Kỹ thuật Y học, Điều dưỡng (hệ ĐH) và ngành Dược học (hệ CĐ) từ ngày 3/8. Tuy nhiên, đến nay em phải rút hồ sơ vì không còn hy vọng. “Năm trước hai ngành Kỹ thuật Y học, Điều dưỡng lấy 20-21 còn CĐ Dược học lấy 14 điểm nên ít nhất em cũng đậu được hệ cao đẳng. Vậy mà năm nay điểm lên quá trời, 2 ngành ĐH điểm tăng em không nói, giờ hệ CĐ tăng đến 8 điểm, lên mức 22 điểm nên em phải ngậm ngùi rút hồ sơ”, Dung nói.

Theo đó, sau khi rút hồ sơ, Dung đang phân vân chọn một trong hai trường là ĐH Nguyễn Tất Thành và CĐ Bách Việt (vì hai trường này có ngành dược). “Em phân vân quá, nhưng kiểu gì chiều nay em cũng phải chọn 1 trong 2 trường để kịp lên xe về lại Đắk Lắk trong tối nay”, Dung tâm sự.

Thí sinh Nguyễn Trần Thúy Vy cùng mẹ là Nguyễn Thị Phương Anh cũng lặn lội từ An Giang để lên ĐH Ngoại thương TP HCM rút hồ sơ. Vy cho biết, “Em thi được 23,5 điểm, nộp đơn vào ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP HCM nhưng giờ vị trí của em không còn nằm trong chỉ tiêu của trường nên hai mẹ con tức tốc lên đây rút hồ sơ để nộp qua ĐH Kinh tế TP HCM”.

Tương tự, tình trạng thí sinh rút từ trường tốp trên có điểm cao sang các trường tốp giữa và từ các trường tốp giữa chạy sang trường tốp dưới đang diễn ra khá nhiều theo hướng lòng vòng khiến không ít phụ huynh và thí sinh đau đầu, mệt mỏi và tốn kém…

Trong khi đó, điểm xét tuyển vào nhiều trường đang tăng từng ngày. Ngày 14/8, ĐH Y dược TP HCM ngành Bác sĩ đa khoa hiện chỉ còn 349 chỉ tiêu nhưng có 392 thí sinh có điểm từ 27,75 trở lên. ĐH Bách khoa TP HCM có điểm chuẩn tạm thời nhiều ngành tăng vọt so với cách đây vài ngày trước, mức điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến các ngành đều từ 21 điểm trở lên, ngành Điện - Điện tử từ 24,5 điểm.

ĐH Kinh tế TP HCM tính đến chiều 14/8, thí sinh muốn vào trường này tối thiểu phải đạt từ 22,75. Tương tự, ĐH Sài Gòn, ĐH Mở TP HCM, ĐH Công nghiệp Thực Phẩm TP HCM, ĐH Tài nguyên Môi trường TP HCM… cũng liên tục tăng điểm.

Ý tưởng thiết kế một kỳ thi quốc gia là nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho thí sinh nhưng hiệu quả cuối cùng đã không như chúng ta mong muốn. Dư luận cho rằng tình hình ngày càng phức tạp và một số chuyên gia nói rằng kỳ thi này đã thất bại khi để người ta chờ đợi 2-3 ngày mới rút - nộp được hồ sơ. Xu hướng của thế giới là thi cử không làm khó dễ cho học sinh.

Chúng ta, hiện nay, theo số liệu mới công bố, có khoảng 174.000 cử nhân thất nghiệp và nhiều cử nhân phải đi học thêm trường nghề để có việc làm. Vậy đổi mới thi cử là phải làm thế nào để phân luồng tốt, để chốt được bao nhiêu người học nghề, bao nhiêu người học đại học chứ không phải để tổ chức thi này thi khác, kết hợp này kết hợp khác khiến cho nhân dân vất vả và các trường ĐH thi nhau tuyển. 

Chả nước nào, với điều kiện tương đương, có tới hơn 400 trường ĐH, CĐ và ai cũng tuyển, cũng đào tạo trong khi con số thất nghiệp ngày càng tăng! Đổi mới thi cử để phân luồng mới là làm đúng tinh thần Nghị quyết 29!

 Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục)

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Bộ GD&ĐT còn chủ quan

Phụ huynh và thí sinh mệt mỏi xét tuyển ĐH những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thất bại khi áp lực xã hội còn cao hơn những năm trước.

http://www.tienphong.vn/giao-duc/doi-moi-tuyen-sinh-hoang-mang-rac-roi-896755.tpo

Theo Hồ Thu - Nguyễn Dũng/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm