ĐỘI NỮ LÂN SƯ RỒNG HIẾM CÓ
Những cô gái trong đội lân sư rồng Tú Anh Đường chỉ 13-18 tuổi, song đã đạt thành tích cao ở các giải đấu toàn quốc, giữ nhiều kỷ lục Guinness Việt Nam. Bằng đam mê và tài năng, họ dần khẳng định vị trí của mình trong một bộ môn nam giới gần như thống trị.
Tiếng nhạc, chập cheng, trống dồn dập làm huyên náo cả một góc phố ở thị trấn Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Không gian sôi động thu hút đám đông, khiến hàng chục người tò mò, tấp xe vào lề, ngó xem cho bằng được.
Bên trong cửa hàng, đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường đến từ thành phố Cần Thơ đang biểu diễn cho một sự kiện khai trương.
Dưới cái nóng hơn 35 độ C, 15 thành viên tập trung hoàn thành từng tiết mục múa lân, múa rồng.
“Bạn gái kia đánh trống, múa lân hay quá”, một khán giả thích thú reo lên. Đám đông còn lại cũng lập tức vỗ tay nhiệt thành hơn hẳn khi nhận ra nhiều thành viên trong đoàn biểu diễn hôm nay là nữ, một điều hiếm hoi trong các đoàn lân sư rồng.
Được cổ vũ, các cô gái càng hào hứng, mỗi động tác nhào lộn, tung hứng đẹp mắt được thực hiện hoàn hảo. Bộ đồ diễn sặc sỡ sắc màu khiến tiết mục thêm lôi cuốn và bắt mắt.
Chuyến xe diễn tỉnh lúc 5h sáng
Khoảng 4h, khi trời vẫn còn tối đen, Dương Thị Trúc An (sinh năm 2007) được người thân chở đến khu tập của đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ). Hôm nay, Trúc An sẽ cùng đoàn đi diễn tại tỉnh Trà Vinh.
Khi em tới, mọi người trong đoàn gần như đã có mặt đông đủ. Trong khi những thành viên nam khiêng, sắp xếp đạo cụ lên xe, các bạn nữ tranh thủ kiểm tra lại lần cuối đồ đạc cần mang theo từ quần áo diễn cho đến thiết bị âm thanh, ánh sáng.
“Mỗi lần đi diễn tỉnh là lại lu bu như Tết vậy đó ạ. Mệt nhưng vui”, Trúc An vừa nói, tay vừa dùng keo gắn lại vài chi tiết trên chiếc đầu lân. Là một trong những thành viên trẻ nhất, song sau nửa năm theo đoàn, cô bé 13 tuổi này tỏ ra khá thạo việc.
Tú Anh Đường hiện có khoảng 50 thành viên trong độ tuổi 13-20. Đa phần còn là học sinh cấp 2, cấp 3 nên việc học văn hóa ở trường vẫn là ưu tiên hàng đầu. Với mỗi lần diễn show, sự kiện, số lượng người tham gia không chỉ phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng mà còn dựa trên lịch học của các thành viên.
Trong lần đi diễn này, tất cả đi chung một xe tải. Đạo cụ, đồ đạc chiếm phần lớn diện tích, hơn 10 người phải ngồi chen chúc nhau trong phần còn lại của thùng xe tải.
Không gian chật hẹp nên người đứng, người phải ngồi thu chân trong suốt 2 tiếng di chuyển. Những thành viên nữ, nhỏ tuổi như Trúc An được các anh chị lớn nhường cho chỗ giữa, tranh thủ chợp mắt. Xe lăn bánh lúc 5h là khi trời còn tờ mờ, vượt hơn 80 km đến thị trấn Càng Long cũng là lúc trời sáng hẳn.
Ngáp ngắn, ngáp dài, những thiếu niên vẫn còn đầy vẻ ngái ngủ, uể oải trên gương mặt khi xe đến điểm diễn. Thế nhưng, không ai bảo ai, tất cả đều nhanh tay nhanh chân chuyền đạo cụ xuống xe, sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy theo hướng dẫn của khách hàng.
Khi mọi thứ đã vào vị trí, tất cả thành viên từ đội múa lân, múa rồng, đội trống cho đến Thần Tài, ông Địa đều mặc quần áo chuẩn bị sẵn sàng. Tùy từng chương trình, khách có thể yêu cầu chờ 1-2 tiếng. Nguyên tắc của đoàn là không ai được rời vị trí trong khi chờ diễn.
Gần 2 tiếng chờ đợi dưới nắng gắt, tấm áo diễn của các cô cậu học sinh đều đã ướt đẫm mồ hôi. Thế nhưng, trên những khuôn mặt hây hây đỏ vẫn là sự hào hứng, phấn khích không hề giấu giếm. Nhỏ tuổi nên hiếm khi được đi diễn xa, Trúc An và một số thành viên khác thậm chí không thể ngồi yên một chỗ vì hồi hộp. Cứ 5-10 phút, cả đám lại nhao nhao hỏi người dẫn đoàn xem bao giờ mới được diễn.
Vượt qua đại dịch nhờ đội lân nữ
Tú Anh Đường là một trong những đoàn lân hiếm hoi của Việt Nam có đội nữ, với 16 thành viên trong độ tuổi 13-18, do ông Lương Ấn Đường thành lập vào năm 2008.
Ban đầu, khi có ý định đào tạo lân nữ, ông Đường không được nhiều người ủng hộ, kể cả đồng nghiệp. “Người ta nói rằng chỉ có thanh niên trai tráng, có sức khỏe dồi dào, dẻo dai mới đủ tư cách điều khiển bộ 3 linh thú, tham gia thi đấu, góp mặt trong các sự kiện quan trọng”.
Thế nhưng, nghĩ là làm, ông Đường bắt đầu chiêu mộ các học trò nữ. Ban đầu chỉ có 1-2 người, rồi người này truyền tai người kia, nhóm nữ đến học cứ ngày càng đông. “Nam có điểm mạnh của nam và nữ có điểm mạnh của nữ. Và chắc chắn rằng môn lân sư rồng này không chỉ dành riêng cho nam giới”.
Miệt mài theo đuổi công việc, sau hơn 10 năm, đội lân nữ của Tú Anh Đường hiện giữ hơn 5 kỷ lục Guinness Việt Nam: Nữ VĐV duy nhất Việt Nam múa lân trên cột 7 m, Đôi nữ VĐV duy nhất Việt Nam múa lân trên mai hoa thung, Đội múa sư tử nữ duy nhất Việt Nam, Đội múa rồng nữ trẻ nhất Việt Nam… được công nhận 2 kỷ lục Guinness châu Á: Nữ VĐV duy nhất châu Á múa lân trên cột cao nhất và Tứ lân nam, nữ duy nhất châu Á múa lân thả liễn trên mai hoa thung.
Thậm chí giờ đây, các lân nữ lại trở thành yếu tố hấp dẫn, giúp Tú Anh Đường nhận được nhiều sự quan tâm, có thêm nhiều show diễn.
“Giống hầu hết đoàn lân khác, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong mùa dịch. Nhưng nhờ nhiều yếu tố, trong đó có cả đội lân nữ, chúng tôi vẫn có thể vượt qua, duy trì hoạt động đến hôm nay”, ông Đường nói.
Nguyễn Thùy Hương (sinh năm 2003) bắt đầu theo học tại Tú Anh Đường vào cuối năm 2019. Chỉ sau nửa năm luyện tập, Hương đã giành giải nhất nội dung múa rồng của Cuộc thi Lân - Sư - Rồng toàn quốc lần thứ 7 diễn ra đầu năm nay.
Thành công như vậy, nhưng ban đầu, em không được gia đình ủng hộ. Trong mắt nhiều phụ huynh, bộ môn này quá nguy hiểm và thường gắn với nhiều định kiến không mấy hay ho. Nhưng vì thấy con gái quá đam mê, cha mẹ Hương cũng phải cho em tham gia.
Những ngày đầu, em luôn được người thân đưa đi chở về và thậm chí phải viết cam kết không được lơ là việc học, phải giữ thành tích tốt ở trường. Cha mẹ Hương vẫn không hoàn toàn ủng hộ con theo đuổi đam mê này và nghĩ chắc con gái cũng chỉ nổi hứng nhất thời mà thôi.
Thế nhưng, vài tuần, vài tháng rồi đến cả năm nay, đều như vắt tranh, cứ sau giờ học chiều, khoảng 17h, Hương lại đến tập cùng anh chị em trong đội lân sư rồng. “Cứ học được một động tác, bài tập mới, em lại càng hứng thú. Giờ chỉ cần nghỉ tập một ngày là em lại thấy ngứa ngáy tay chân”.
Có lần, Hương cùng một bạn nam trong đoàn ôn lại các bài múa lân cơ bản. Bình thường, em luôn là người đứng trước, còn bạn nam là người đứng sau nâng đỡ. Thế nhưng, hôm nay, vị trí được hai người hoán đổi cho nhau.
Khi thực hiện đến động tác lân nhảy lên đầu, người sau cho người trước ngồi lên đầu, bạn nam có vẻ khá ngập ngừng, nhưng Hương vẫn đầy tự tin nói mình làm được. Và ngay lần thử đầu tiên, cô gái 17 tuổi nhấc bổng bạn nam rồi đưa lên đầu. Động tác gọn gàng, dứt khoát khiến những người xung quanh phải vỗ tay trầm trồ.
Sau một năm chứng kiến con gái giữ đúng lời hứa, cha mẹ Hương giờ đây không còn cấm cản nữa. Cả hai thậm chí còn mừng khi thấy con ngày càng khỏe mạnh, chăm chỉ vận động và bỏ được nhiều thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn, nghiện smartphone.
Nên duyên vợ chồng từ đội lân
Lê Yến Quyên (sinh năm 1994) là một trong những học trò nữ đầu tiên của ông Đường và đến hiện tại vẫn gắn bó với đoàn Tú Anh Đường. Cô được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nữ vận động viên duy nhất Việt Nam múa lân trên cột cao 7 m.
Với Yến Quyên, Tú Anh Đường vẫn luôn là gia đình thứ hai. Bởi đó không chỉ là nơi cho cô những người bạn có cùng đam mê ở tuổi 14-15, người thầy dìu dắt mình trong suốt 10 năm qua, mà còn cho Quyên gặp tình yêu của đời mình.
Năm 2018, Yến Quyên kết hôn cùng Huỳnh Văn Đức (sinh năm 1993) - cũng là một thành viên của đoàn Tú Anh Đường. Ban đầu, Quyên và Đức là bạn tập chung trong các nội dung thi đấu đôi. Cả hai từng giành nhiều giải thưởng và xác lập kỷ lục Đôi nam nữ duy nhất Việt Nam múa lân trên cột cao 7 m.
Đức nói ấn tượng đầu tiên của anh về vợ là một cô gái mạnh mẽ và rất có máu liều. Trong suốt 3 năm luyện tập để chinh phục cây cột cao 7 m, Yến Quyên nhiều lần sứt đầu mẻ trán, chân tay bầm tím vì bị té. Thế nhưng, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Đầu năm nay, vợ chồng Yến Quyên đón con gái đầu lòng, bé Da Ua. Sau khi lập gia đình và sinh con, hai vợ chồng Quyên không còn tham gia biểu diễn hay thi đấu nhiều. Thay vào đó, cả hai trở thành huấn luyện viên, phụ trách việc đào tạo lớp trẻ ở Tú Anh Đường.
Trong đoàn, Quyên vẫn thường được đàn em gọi thân mật là “chị hai” hay “hai Quyên”. Nhiều bạn mới vào đoàn không biết lý do nhưng thấy các anh chị lớn gọi vậy nên cứ gọi theo. Còn các thành viên lâu năm hơn giải thích đó là cách mọi người thể hiện sự tôn trọng và yêu quý với “cô giáo” Quyên.
Ngoài công việc ở đoàn lân, Quyên và chồng còn công tác tại một trung tâm y tế ở địa phương. Cứ sau giờ làm, hai vợ chồng lại chở con gái đến Tú Anh Đường để hướng dẫn mọi người tập.
Dù mới 8 tháng tuổi, bé Da Ua rất dạn dĩ với người lạ. Hết qua tay người này lại đến người khác bế ẵm, cô bé không hề quấy khóc hay đòi cha mẹ. Mỗi lần nghe tiếng trống, tiếng chiêng, thấy mọi người tập múa trên mấy cây cột, bé lại toét miệng cười, hoa tay múa chân loạn xạ.
Thấy vậy, mọi người trong đoàn cười nói: “Con bé lại múa lân đó. Nó nghe tiếng trống rồi học múa từ trong bụng mẹ kia mà”.