Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đội quân ăn xin trên TikTok

Lợi dụng sự thương hại của người xem, nhiều TikToker tại Indonesia tạo các video livestream cho thấy vẻ khổ sở, nghèo đói nhằm lấy các món quà ảo để đổi ra tiền thật.

Trong tháng qua, nhiều người "ăn xin online" được ghi nhận xuất hiện ở Indonesia, lợi dụng các tính năng tặng quà trên ứng dụng TikTok.

Nền tảng chia sẻ video này cho phép tài khoản có 1.000 người theo dõi trở lên quay video phát trực tiếp, người xem có thể thể hiện sự ủng hộ bằng cách gửi tặng chủ kênh các món quà ảo có thể đổi thành tiền thật, theo South China Morning Post.

Làm đủ trò để kiếm quà ảo

Không giống ngoài đời thực, nơi những người ăn xin ngồi nhiều giờ dưới cái nóng như thiêu đốt hoặc đi lang thang khắp nơi để xin tiền, nhiều trong số những người ăn xin trên TikTok, chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, đổ nước sông bẩn lên người theo yêu cầu để đổi lấy quà ảo.

Một video phát trực tiếp về cái gọi là "tắm bùn" này có thể kéo dài hàng giờ. Sau khi một video tương tự lan truyền vào đầu tháng này, nhiều người đặt câu hỏi liệu những người phụ nữ trong video đang tự nguyện thực hiện hay bị các thành viên trong gia đình lợi dụng.

"Người phụ nữ này có vẻ như bị ép làm vậy, thật tội nghiệp cô ấy", người dùng TikTok ghi lại màn hình video tắm bùn lan truyền, nhận xét.

an xin tren tiktok anh 1

Các video livestream ăn xin xuất hiện nhiều trên TikTok Indonesia.

Trong video livestream khác, một số phụ nữ mặc quần áo đầy đủ thay phiên nhau tắm bùn, được phát dưới tài khoản TikTok của người hàng xóm tên Sultan Akhyar. Tài khoản này hiện đã bị xóa theo yêu cầu từ Bộ thông tin và Tin học Indonesia.

Loạt video này vấp phải phản ứng dữ dội ở Indonesia, quốc gia có lượng người dùng TikTok cao thứ 2 thế giới với 99,1 triệu, chỉ thấp hơn so với 136,4 triệu ở Mỹ.

Ngày 19/1, Sultan cho biết lần đầu làm video tắm bùn với bạn bè nhằm kiếm chút tiền từ người theo dõi trên TikTok. Những người hàng xóm sau đó đề nghị được tham gia "vì nghèo và vướng vào nợ nần".

Ban đầu, Sultan giới hạn thời gian phát trực tiếp trong 1 tiếng nhưng sau đó kéo dài hơn khi thấy lượt xem tăng và quà tặng đến. Có thời điểm, nam TikToker thậm chí phát trực tiếp trong 24 tiếng.

an xin tren tiktok anh 2

Các video đánh vào lòng thương hại của người xem. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Raimin, một trong những phụ nữ trong livestream, cho biết bà không bị ép làm vậy bởi cũng muốn kiếm tiền.

"Tôi nghèo, không có tiền mua nhu yếu phẩm, tôi sống một mình", người phụ nữ 66 tuổi nói, cho biết thêm đã làm việc này 5 lần, kiếm được 2 triệu rupiah (133 USD) cho mỗi lần lên sóng.

Một phụ nữ khác ở Gowa Regency, tỉnh South Sulawesi cũng gây chú ý khi tìm cách kiếm quà trên TikTok bằng cách cho đứa con 7 tháng tuổi uống cà phê hòa tan thay vì sữa. Bà mẹ đơn thân trước đó còn đăng video quay cảnh cho con ăn cơm chiên và gà cay, dù khai với cảnh sát rằng chỉ giả vờ làm vậy trước ống kính. Người phụ nữ làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng. Hiện các video của người này đã bị gỡ xuống.

Ngăn chặn

Bộ trưởng Nội vụ Indonesia Tri Rismaharini đã kêu gọi công chúng báo cáo các video tương tự cho chính quyền địa phương. Bà cũng kêu gọi nhân viên của mình "ngăn chặn các hoạt động ăn xin, cả ngoài đời thực và trên mạng xã hội lợi dụng người già, trẻ em, người khuyết tật và/hoặc các nhóm dễ bị tổn thương khác".

Muhammadiyah, nhóm Hồi giáo ôn hòa lớn thứ 2 Indonesia, cho biết "ăn xin và xin tiền, hàng hóa miễn phí hạ thấp danh dự con người và điều đó bị cấm trong đạo Hồi".

Ngày 29/1, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno kêu gọi những người sáng tạo nội dung tạo ra "những nội dung hay với giá trị tốt", không lợi dụng sự hào phóng của người Indonesia.

an xin tren tiktok anh 3

Indonesia có lượng người dùng TikTok cao thứ 2 thế giới. Ảnh: AP.

Ngày 30/1, Bộ Thông tin và Tin học Indonesia cho biết đã yêu cầu TikTok gỡ các video tắm bùn. Nền tảng này nói với hãng tin địa phương Merdeka rằng rất lo ngại về các video ăn xin trực tuyến và kêu gọi người dùng báo cáo bất kỳ nội dung không phù hợp nào.

Devie Rahmawati, nhà xã hội học tại Đại học Indonesia, cho biết những video như vậy có thể sẽ tiếp tục xuất hiện miễn là “có những người cảm thấy họ đã làm điều tốt khi giúp đỡ trực tiếp những người ăn xin".

Devie kêu gọi chính phủ Indonesia phổ biến tới công chúng để đảm bảo các khoản đóng góp của họ được sử dụng cho các mục đích thích hợp.

Ngày 29/1, Sultan đã xin lỗi vì các video tắm bùn và hứa sẽ tạo những nội dung tốt hơn trong tương lai.

“Tôi sẵn sàng xóa mọi thứ để các TikToker khác không làm theo. Tôi xin lỗi vì nội dung lan truyền trên tài khoản của mình”, anh nói.

Sự khắc nghiệt đằng sau món phụ kiện giá rẻ ở Ấn Độ

Vòng tay thủy tinh là món trang sức phổ biến của phụ nữ Ấn Độ. Tuy nhiên quá trình làm ra chúng nguy hiểm, tốn nhiều công sức và người thợ kiếm được chưa tới 10 USD/ngày.

Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn

Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.

Mai An

Bạn có thể quan tâm