Hàn Quốc phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động già đi nhanh chóng. Nhưng xu hướng mới “bihon”, hay còn gọi là từ chối kết hôn, đang trở nên phổ biến ở nước này.
“Bihon” khác với một từ có âm tương tự là “mihon”. Trong khi từ trước biểu thị quyết định tự nguyện sống độc thân, từ sau chỉ đơn giản chỉ tình trạng chưa kết hôn.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người Hàn Quốc lựa chọn lối sống “bihon", một số doanh nghiệp địa phương đã quyết định thay đổi chính sách, cung cấp cho những nhân viên chưa kết hôn phúc lợi tương tự dành cho nhân viên đã kết hôn, theo Nikkei Asia.
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chọn không kết hôn và lập gia đình. Ảnh: Reuters. |
Chính sách "bihon"
Vào tháng 1, LG Uplus, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn, đã giới thiệu một chương trình hỗ trợ những nhân viên thích sống độc thân. Những người tuyên bố nguyện vọng này trên bảng tin của công ty sẽ được trợ cấp một tháng lương cơ bản và 9 ngày nghỉ có lương - những đặc quyền tương tự dành cho nhân viên khi kết hôn.
Công ty cho biết chương trình được thiết kế để tôn trọng lối sống đa dạng. Hiện tại, chỉ những người từ 43 tuổi trở lên, có kinh nghiệm làm việc ít nhất 10 năm tại công ty mới đủ điều kiện, nhưng LG Uplus có kế hoạch giảm dần yêu cầu. Cho đến nay, 6 nhân viên đã nộp đơn đăng ký.
Hai năm trước, NH Investment and Securities trở thành công ty Hàn Quốc đầu tiên triển khai chương trình “bihon”. Công ty môi giới sẽ trao tiền mặt tương đương một tháng lương cho những nhân viên từ 45 tuổi trở lên, từng tuyên bố ý định không lập gia đình.
Công ty cho biết hành động này nhằm đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các nhân viên đã kết hôn và chưa kết hôn, đồng thời cung cấp lợi ích "tử tế" cho người chọn sống độc thân.
Trong khi đó, cửa hàng bách hóa Lotte, do Lotte Shopping điều hành, sẽ tặng cho nhân viên đủ điều kiện một cây trồng trong nhà, thay vì bó hoa cưới, ngoài tiền mặt và ngày nghỉ có lương.
Các công ty áp dụng chính sách "bihon" cho biết họ đã đáp lại lời kêu gọi từ những nhân viên chưa lập gia đình để khắc phục tình trạng bất công tại nơi làm việc.
Các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc thường cung cấp khoản trợ cấp giáo dục hào phóng cho nhân viên có con. Một số thậm chí còn gánh vác học phí đại học cho con cái của nhân viên. Điều này dẫn đến khoảng cách lương trên thực tế giữa nhân viên có con và không có con.
Một số công ty Hàn Quốc đã cung cấp phúc lợi cho nhân viên từ chối kết hôn. Ảnh: Reuters. |
Nhân khẩu học tại Hàn Quốc thể hiện rõ xu hướng xa rời hôn nhân. Theo một cuộc khảo sát do Statistics Korea thực hiện vào năm 2020, 42,5% người ở độ tuổi 30 không có vợ hoặc chồng, tăng 13,3 điểm % so với một thập kỷ trước đó.
Dữ liệu cho thấy 50,8% nam giới ở độ tuổi 30 còn độc thân. Tình trạng nhân viên chưa lập gia đình gia tăng đang khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh phúc lợi để giữ chân nhân tài.
Thoạt nhìn, những lợi ích như vậy dường như khuyến khích người dân sống độc thân và đi ngược lại nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tỷ lệ sinh. Nhưng một số chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ “bihon” cũng thúc đẩy các nhân viên đã kết hôn sinh thêm con.
Shin Kyung Ah, giáo sư xã hội học tại Đại học Hallym, cho biết nhiều phụ nữ đi làm ngần ngại sinh con thứ hai vì sợ tăng gánh nặng cho đồng nghiệp.
“Nếu trợ cấp cũng được trao cho nhân viên chưa lập gia đình, thì những nhân viên đã lập gia đình sẽ dễ dàng sinh thêm con hơn”, bà nói.
Quay lưng với hôn nhân
Quan điểm truyền thống về hôn nhân ở Hàn Quốc đã thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, 26,7% số người được hỏi cho biết họ "phải" kết hôn vào một thời điểm nào đó.
Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 17,6% trong một cuộc thăm dò được thực hiện vào năm ngoái.
Trong cuộc khảo sát gần đây do Hankook Research thực hiện, lý do thường được đưa ra nhất để không kết hôn là "chi phí hôn nhân tăng". Tiếp theo là "gánh nặng tâm lý liên quan đến việc sinh con và nuôi dạy con cái", cùng quan điểm coi hôn nhân là "một sự lựa chọn chứ không phải là yêu cầu bắt buộc trong cuộc sống”.
Một yếu tố khiến nhiều người Hàn Quốc không muốn kết hôn là chi phí nhà ở cao. Hệ thống thuê nhà ở nước này yêu cầu một khoản tiền đặt cọc bảo đảm trả trước lớn.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, giá nhà ở khu vực thủ đô Seoul tăng mạnh khiến các cặp vợ chồng mới cưới khó tìm được nhà ở vừa túi tiền. Cha mẹ cũng cần bỏ ra một số tiền lớn cho việc giáo dục con cái để đảm bảo chúng thành công trong học tập.
Joongseek Lee, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trong khi Hàn Quốc vẫn là một xã hội tập thể và gia trưởng, xu hướng "ở một mình hoặc độc lập khi có cơ hội" đang không ngừng gia tăng.
Trong khi thái độ với hôn nhân đang thay đổi, những kỳ vọng truyền thống vẫn còn tồn tại. Đối với phụ nữ, điều này bao gồm kết hôn trước 30 tuổi, nghỉ việc để làm mẹ và nội trợ toàn thời gian. Đối với đàn ông, đó là mua nhà và trở thành trụ cột gia đình, theo Guardian.
Một người đàn ông chưa lập gia đình ở độ tuổi 30 cho biết anh hoàn toàn ủng hộ các mối quan hệ nhưng không phải là mối quan hệ liên quan đến kết hôn.
"Hôn nhân khiến tôi cảm thấy bị ràng buộc với xã hội", anh nói. "Tôi cũng tự hỏi liệu các con tôi có hạnh phúc ở đất nước này khi chúng lớn lên hay không".
Sự trỗi dậy của nữ quyền, bắt đầu vào khoảng năm 2016 ở Hàn Quốc, cũng giúp thúc đẩy trào lưu “bihon” ở phụ nữ.
Trong bối cảnh đó, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống 0,78 vào năm 2022, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng kiềm chế tỷ lệ sinh giảm và tăng dân số lao động nhưng cho đến nay, nước này vẫn chưa đảo ngược được xu thế trên.
Năm 2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đề xuất hạ thấp độ tuổi nhập học xuống một tuổi để khuyến khích người dân tham gia lực lượng lao động sớm hơn. Nhưng ông rút lại ý tưởng này sau khi nhận thấy phản ứng dữ dội từ phía công chúng.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.