Cán bộ, người dân tỉnh Nghệ An cùng góp sức, góp của làm bánh để gửi ra các tỉnh phía bắc. Ảnh: Mặt trận Nghệ An. |
Sáng 10/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại tỉnh Nghệ An ra lời kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc chịu thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Trong thư kêu gọi, chủ tịch Võ Thị Minh Sinh nêu rằng: "Phát huy truyền thống đoàn kết và đạo lý tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An kêu gọi mở rộng tấm lòng nhân ái, tích cực hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra".
Đơn vị cũng cam kết sẽ chuyển số tiền quyên góp để giúp đỡ đồng bào các tỉnh phía bắc để khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian nhanh nhất. Người dân, các tổ chức, cá nhân có thể quyên góp đến số tài khoản của Ban Cứu trợ tỉnh Nghệ An, thời gian từ ngày 10/9 đến ngày 30/10/2024.
Cán bộ, người dân tỉnh Nghệ An làm được khoảng 10.000 chiếc bánh để hỗ trợ các tỉnh phía bắc gặp lũ lụt. Ảnh: Mặt trận Nghệ An. |
Thông tin với Tri Thức - Znews về hoạt động hỗ trợ đồng bào vùng lũ, ông Lê Văn Ngọc, Phó chủ tịch thường trực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, cho biết dù mới phát động từ buổi sáng, tỉnh đã nhận được khoảng 144 triệu đồng từ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ủy ban cũng phát động người dân gói bánh chưng, bánh tét để gửi đến vùng lũ với tinh thần "ai có tiền góp tiền, ai có gạo góp gạo". Ngay trong ngày 10/9, rất nhiều người dân trên địa bàn đã tập hợp để nhanh chóng chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh. Sau khi bánh được nấu chín, tỉnh sẽ ngay lập tức chuyển đến tay người dân vùng lũ.
Nhóm người từ Hà Tĩnh đến Thái Nguyên hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
Người dân tỉnh Hà Tĩnh cũng nhanh chóng góp sức, góp tiền hỗ trợ đồng bào. Ngay trong sáng 10/9, một nhóm người dân tỉnh này có mặt ở tỉnh Thái Nguyên sau khi nhận điện thoại từ một người bạn quen biết. Cả nhóm dùng thuyền hỗ trợ các hộ gia đình đang mắc kẹt trong lũ, đưa đến nơi an toàn.
"Người dân ở đây rất bất ngờ khi biết chúng tôi từ miền Trung. Họ không quen với cảnh lũ lụt như ở quê tôi, nên nỗi lo sợ hiện rõ trong ánh mắt. Nhưng khi được chúng tôi đưa lên thuyền, những nụ cười và lời cảm ơn chân thành đã khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến đi", một thành viên trong nhóm chia sẻ với Báo Hà Tĩnh.
Cũng trong thời gian này, tỉnh Hà Tĩnh trích ra 2,1 tỷ đồng, chuyển đến Ban Vận động cứu trợ các tỉnh phía bắc để giúp chính quyền, người dân vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh chủ trì triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng lời kêu gọi, phát động về ủng hộ nhân dân các tỉnh phía bắc đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời.
Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho các tỉnh phía bắc. Ảnh: Báo Quảng Bình. |
Tỉnh Quảng Bình - nơi chịu thiệt hại do nhiều đợt mưa bão hàng năm - cũng phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc để khắc phục hậu quả lũ lụt.
Cụ thể, để kịp thời chia sẻ, động viên các địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cho các tỉnh phía bắc. Số tiền này sẽ được chuyển đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Bên cạnh đó, Báo Quảng Bình thông tin tại lễ phát động vào sáng 10/9, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký và trực tiếp quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị bão lũ, thiên tai với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Một nhóm người dân huyện Lệ Thủy đưa thuyền ra các tỉnh phía bắc để cứu hộ người dân vùng lũ. Ảnh: Truyền hình Lệ Thủy. |
Riêng tại huyện Lệ Thủy, bên cạnh lời kêu gọi từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của huyện, người dân huyện còn chủ động chung tay góp sức để hỗ trợ các tỉnh đang gặp lũ lớn.
Một đại diện của ủy ban thông tin với Tri Thức - Znews rằng từ chiều 10/9, các tình nguyện viên của xã Ngư Thủy Bắc đã mang thuyền đến tỉnh Thái Nguyên để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Đây là hoạt động do người dân địa phương tự phát động và thực hiện.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.