Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Động lắc tại viện tâm thần là trường hợp độc nhất vô nhị ở Việt Nam'

Nếu nhân viên trong bệnh viện không bao che, làm ngơ, đối tượng Nguyễn Xuân Quý không thể tự cải tạo phòng bệnh thành nơi để tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy.

mua ban mua tuy o benh vien tam than anh 1

Đây là nhận định của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, về vụ việc của đối tượng Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội).

Ông nhấn mạnh: “Đây là vụ việc nghiêm trọng. Việc Nguyễn Xuân Quý cải tạo phòng bệnh thành 'động bay lắc' là trường hợp độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đối tượng này biến phòng bệnh như 'chỗ không người' để buôn bán ma túy, kết hợp hoạt động mại dâm là không thể chấp nhận được".

Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế cũng cho biết vụ việc Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi) cầm đầu băng nhóm mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I gây chấn động và làm xấu hình ảnh của cơ sở điều trị người bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, trần tình của lãnh đạo bệnh viện về việc không hay biết sự việc này cũng khiến nhiều người bức xúc.

"Chuyện tày đình xảy ra trong viện, lãnh đạo không thể không biết"

Về việc bệnh nhân tự cải tạo phòng điều trị nhưng lãnh đạo khoa, bệnh viện trần tình "không hay biết", Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định: "Nếu nhân viên trong bệnh viện không bao che, làm ngơ, đối tượng Quý không thể tự cải tạo phòng bệnh thành nơi để tàng trữ, sử dụng trái phép ma tuý".

Một bác sĩ tại TP.HCM cũng khẳng định: "Chuyện tày đình xảy ra trong bệnh viện như thế, lãnh đạo không thể không biết, thậm chí có liên quan. Riêng lãnh đạo khoa chắc chắn phải biết. Bệnh nhân cũng không thể có quyền tự xây dựng, thay đổi phòng ốc trong phòng điều trị nếu không có sự đồng ý của nhân viên bệnh viện".

Ngoài ra, bác sĩ này cho biết nhiều năm trong ngành, ông chưa bao giờ thấy sự việc tương tự. "Người nhà, bệnh nhân mang đồ vào bệnh viện đều phải thông qua bảo vệ, nhân viên, lãnh đạo khoa, ban giám đốc, nhất là vật tư cồng kềnh để cải tạo, xây phòng ốc. Họ không thể tự tiện, muốn làm gì cũng được", ông nói thêm.

mua ban mua tuy o benh vien tam than anh 2

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Thạch Thảo.

Chia sẻ với Zing, một bác sĩ chuyên khoa Tâm thần khác cũng nhận định không thể biện minh do bệnh nhân thân thiết, nhân viên y tế mất cảnh giác. "Việc sửa chữa, thay đổi kết cấu phòng điều trị, biến thành nơi 'bay lắc' không thể nào không biết. Tôi không tin giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa lại không dám ý kiến về hành vi phạm pháp này và không thể không biết", bác sĩ này nói.

Chuyên gia này cho biết cách đây nhiều năm, bệnh viện tại TP.HCM phát hiện một số đối tượng trà trộn để mua bán chất ma túy. Sự việc bắt nguồn từ một bệnh nhân tìm cách móc nối với đối tượng bên ngoài. Sau đó, hành vi này đều bị bảo vệ, nhân viên y tế phát hiện và trình báo cơ quan chức năng.

mua ban mua tuy o benh vien tam than anh 3

Những vật dụng còn sót lại trong "phòng bay lắc" của Nguyễn Xuân Quý tại bệnh viện. Ảnh: Thạch Thảo.

Sai phạm cần làm rõ khi quản lý bệnh nhân

Ngày 7/12/2020, Bộ Y tế có Quyết định số 5091 về việc "Ban hành tạm thời Quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh". Theo đó, khoa/buồng/khu điều trị nội trú của đối tượng này phải được bố trí riêng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Trong quá trình điều trị, cơ sở y tế không để người bệnh tự ra khỏi khu vực điều trị. Khi đưa người bệnh ra khỏi khu điều trị để đi khám/hoạt động liệu pháp, nhân viên y tế phải đi cùng giám sát và được bàn giao giữa người quản lý và đưa đi.

Tuy nhiên, kết quả của cơ quan điều tra cho thấy Quý đã tổ chức mua bán ma túy ngay trong khuôn viên bệnh viện. Các đối tượng lấy danh nghĩa người nhà bệnh nhân để giao dịch, mua bán và sử dụng ma túy. Ngoài ra, Quý còn đưa gái "dịch vụ" vào phòng để thác loạn. Đối tượng này cải tạo phòng điều trị trong bệnh viện thành một phòng có tường cách âm, lắp loa, đèn trang trí, cửa sổ được dán kín.

Theo Quyết định số 1895 ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế, giám đốc bệnh viện là người đứng đầu, có nhiệm vụ quản lý, sử dụng có hiệu quả các thiết bị y tế và tài sản khác trong bệnh viện. Tuy nhiên, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, lại khẳng định bản thân không biết việc Quý biến phòng bệnh thành "phòng bay".

Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ đều không đồng tình với giải thích của lãnh đạo bệnh viện là "bệnh nhân tự ý cải tạo phòng bệnh vì người này muốn có không gian riêng tư". Nguyên nhân là khi điều trị, bác sĩ cần để bệnh nhân tâm thần có sự giao tiếp trong không gian mở.

mua ban mua tuy o benh vien tam than anh 4

Vị trí phòng điều trị của Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Đồ họa: Phương Trâm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ sự việc này xảy ra khi Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng, chống ma túy.

"Chúng ta phải xem lại quan điểm và nghiêm khắc hơn trong công tác phòng, chống ma túy, không chỉ người mua bán, sử dụng mà cả người gián tiếp, chẳng hạn vô trách nhiệm cũng phải bị xử lý", bà Phong Lan nói.

Bà Lan cho rằng thời gian tới, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra bệnh viện vì tội phạm có thể cho rằng đây là nơi an toàn.

"Vụ việc ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành y tế khi uy tín của toàn ngành đã được nâng lên trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, quan điểm của Bộ trưởng Y tế và Ban cán sự Đảng là phải xử lý nghiêm, không bao che, không có vùng cấm", ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Ngoài những người đã bị Bộ Y tế đình chỉ công tác, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng Công ty Hồng Phát (công ty bảo vệ do bệnh viện thuê, ký hợp đồng) cũng phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.

Ngày 31/3, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP Hà Nội - đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Xuân Quý - người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) cầm đầu.

Đối tượng này đã cải tạo phòng điều trị trong bệnh viện thành một phòng có cách âm, lắp loa, đèn trang trí để sử dụng và mua bán ma túy. Quý còn bị cáo buộc đã mời bạn bè, gọi những cô gái làm nghề tự do vào bệnh viện để sử dụng chất cấm.

Chiều 1/4, Bộ Y tế đã quyết định tạm đình chỉnh công tác với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo cơ sở này đình chỉ công tác chuyên môn các cá nhân liên quan, gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho đối tượng Nguyễn Xuân Quý.

'Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã làm đúng quy trình điều trị'

Do đặc thù riêng, lãnh đạo bệnh viện cho biết bác sĩ có thể khám cho bệnh nhân tâm thần ở mọi lúc, mọi nơi, không nhất thiết tại phòng điều trị.

Bích Huệ - Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm