Nhà trường cho học sinh tự chọn đăng ký phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Sở sẽ có văn bản phê bình các đơn vị chỉ tổ chức một nghề phổ thông.
Giáo viên dạy nghề phải có bằng chuyên môn (ĐH, CĐ chuyên ngành) thuộc các nghề phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành; hoặc giáo viên Vật lý, Công nghệ đối với nghề Điện tử, Điện dân dụng; giáo viên Nữ công (giáo viên có trình độ chuyên môn tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ sư phạm kỹ thuật) đối với nghề nấu ăn, thêu, cắt may; giáo viên Sinh học, Công nghệ đối với nghề trồng rừng, làm vườn, nuôi cá.
Giáo viên phụ trách giảng dạy nghề phổ thông phải có giáo án khi lên lớp. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị để giúp học sinh phát hiện và làm chủ kiến thức.
Đối với các tiết thực hành, giáo viên phải kiểm tra trước các trang thiết bị, khắc phục kịp thời; kiên quyết không đưa vào sử dụng những thiết bị đã hỏng, không đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trước khi thực hành, thường xuyên lưu ý, nhắc nhở các em những qui định bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn lao động như: không đùa giỡn khi thực hành, tư thế thực hành đúng, trang phục gọn gàng… Sau khi kết thúc tiết thực hành cần rút kinh nghiệm trước tập thể lớp.
Ngoài việc tổ chức giảng dạy nội dung bài học và tổ chức cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực hành; giáo viên cần giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức sau mỗi chương hoặc kiểu bài…
Việc tổ chức học nghề của cấp THCS phải kết thúc chương trình trước ngày 30/6/2016 để đảm bảo công tác tổ chức đăng kí thi nghề phổ thông của học sinh.
Sở GD&ĐT lưu ý: Do đặc thù của đội ngũ giáo viên có chuyên môn đủ điều kiện làm giám khảo trong kì thi nghề thủ công theo quy chế tổ chức kì thi hiện hành, Sở chỉ tổ chức thi các nghề: Tin học văn phòng, Điện dân dụng , Trồng rừng, Làm vườn, Nuôi cá.