Đó là mô hình trường học vừa học, vừa làm du lịch, vừa kinh doanh của trường Trung học cơ sở Tả Van, Sa pa.
Thầy Đỗ Văn Tân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Pa cho biết: “Trường Trung học phổ thông dân tộc bán trú Tả Van có lợi thế là nơi có thể làm du lịch, với dòng suối Mường Hoa đẹp như tranh.
Tả Van còn là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Mông, Dáy, Dao; có bãi đá cổ, ngôi nhà cổ, có nghề điêu khắc đá, thêu ren truyền thống, có nền văn hóa đa sắc… đang là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn trường phổ thông dân tộc bán trú Tả van để xây dựng mô hình nhà trường gắn với du lịch và kinh doanh”.
“Trước hết chúng tôi dựa vào nội lực và sau đó là tìm các nguồn lực khác. Đây là hành trình vô cùng gian nan,nhưng hứa hẹn rất nhiều triển vọng” - thầy Trần Xuân Thanh, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tả Van cho biết.
Trong thời gian ngắn, trường đã tổ chức được 3 tổ điêu khắc trên đá gồm 45 em; 1 tổ thêu ren 15 em và 1 lớp học tiếng Anh du lịch gồm 30 em.
Em Giàng Thị Khứ cho biết: “Em thêu chưa đẹp. Bạn Hạng Thị Súng thêu đẹp nhất. Bức thêu của bạn đã có du khách nước ngoài ghé qua trường mua. Điều này động viên chúng em rất nhiều”.
Chúng tôi đến phòng trưng bày sản phẩm của các em học sinh. Rất nhiều quần áo, các bức thêu được trưng bày ở đây. Nhiều du khách dừng lại ngắm các họa tiết, các đường thêu và gật đầu mãn nguyện.
Tại phòng thực hành điêu khắc, các em Hạng A Páo, Hầu A Chua, Sùng A Dũng, Sùng A Chỉnh đang được thầy giáo Tấn Đình Thi- Giáo viên Mỹ thuật hướng dẫn cách bố cục, uốn lượn cho chữ mềm mại như rồng bay phượng múa.
“Mỗi tuần, các em được học 3 buổi chiều do các thầy cô giảng dạy. Ngoài ra các em còn được học ở các cơ sở sản xuất. Chúng tôi liên hệ và nhờ Nghệ nhân Đỗ Xuân Tựa hướng dẫn thêm về nghệ thuật thư pháp trên đá; Nghệ nhân Nông Thị Nghì hướng dẫn tổ thêu ren. Các em được các nghệ nhân cầm tay chỉ việc nên nhanh tiến bộ” - thầy Thanh chia sẻ.
Học tiếng Anh để giao tiếp với du khách nước ngoài đã khiến cho HS Tả Van hứng thú. Cô giáo Bùi Thị Nhung - GV tiếng Anh cho biết: “Do nhu cầu giao tiếp thường xuyên với du khách, nên chúng tôi chú trọng tạo môi trường đối thoại bằng tình huống giao tiếp và tổ chức các sê mi na nhỏ, trong đó cho các em soạn văn bản ngắn giới thiệu quê hương, nhà trường, gia đình và các sản phẩm các em làm.
Ngạc nhiên là các em HS người Mông sau thời gian học tập có thể giao tiếp với người nước ngoài, tiêu biểu là em Hạng A Này (9B) và Nông Thu Huyền (9A).