Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồng phục học sinh đã xấu lại đắt, phụ huynh than trời

Cứ đầu năm học, phụ huynh lại than trời. “Con đi học đương nhiên cha mẹ phải mua đồng phục cho con. Nhưng cầm bộ đồng phục trên tay mà không khỏi băn khoăn”.

Bà Linh, phụ huynh học sinh lớp 1 trường tiểu học LTV (quận 1, TP HCM), ngán ngẩm nói như vậy về chuyện đồng phục của con. 

Bà kể phải mua cho con ba bộ đầm nữ đồng phục với giá 215.000 đồng/bộ (đó là size số 7, còn size lớn nhất dành cho học sinh lớp 5 đến 310.000 đồng/bộ), hai bộ đồng phục thể dục với giá 190.000 đồng/bộ (riêng size lớn nhất dành cho học sinh lớp 5 giá 260.000 đồng/bộ).

Nhiều phụ huynh chọn mua đồng phục bán bên ngoài do giá rẻ hơn. Trong ảnh: Mua đồng phục tại cửa hàng trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.

“Tính tổng cộng tiền mua đồng phục của cháu mất 1.025.000 đồng nhưng chất liệu vải quá xấu, nhất là đồ thể dục bởi đây là loại vải rẻ tiền, không thể thấm hút mồ hôi. Mang mấy bộ đồ của con ra chợ hỏi mua thì họ nói váy liền áo màu xanh lá cây này không có sẵn, màu xanh đen và đen thì có.

Tôi đến một cơ sở chuyên may đồng phục hỏi giá thì thật bất ngờ, họ báo giá rẻ hơn giá ở trường đến 40.000 đồng/bộ. Bạn bè tôi nói cũng chất lượng vải tệ như vậy nhưng giá bên trường con của họ rẻ hơn.

Như đồng phục nữ trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp) có giá 185.000 đồng/bộ gồm áo ngắn tay và váy, Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) có giá 180.000 đồng/bộ, trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5) giá 160.000 đồng/bộ” - bà Linh băn khoăn.

Áo ngủ, khăn quàng, balô cũng... đồng phục

 

“Con của chị mình học ở một trường tiểu học quốc tế, đồng phục rất đẹp, ấn tượng, chất liệu vải dễ thấm hút mồ hôi mà lại bền, bé mặc hai năm vẫn chưa hư, giá chỉ 187.000 đồng/bộ (dành cho học sinh nữ).

Trong khi con mình học ở Trường tiểu học LTV, quận 1 - trường công lập - đồ xấu hơn, chất liệu vải dỏm hơn, đường may ẩu hơn mà giá 215.000 đồng/bộ. Sao các trường công lập không làm được việc này?"

Phụ huynh Trường tiểu học LTV, quận 1, TP HCM.

Tương tự, bà Trang có cháu học ở một trường tiểu học nổi tiếng tại quận Gò Vấp, TP HCM, kể: “Đồng phục để đi học thì không nói, đằng này cái áo thun để các cháu học sinh bán trú mặc ngủ trưa cũng phải là... đồng phục. Ở trường của cháu tôi phải mua cho cháu ba bộ đồng phục áo sơmi trắng, quần soọc xanh, ba cái áo thun ngủ trưa, một bộ đồ thể dục, tổng cộng hết 770.000 đồng, trong đó áo sơmi giá 85.000 đồng/cái, quần short giá 80.000 đồng/cái, áo thun ngủ trưa giá 60.000 đồng/cái, đồ thể dục 95.000 đồng/bộ”.

 

Cho rằng trường bán giá cao quá, con trai bà đã mang những sản phẩm này đến Công ty may TH (quận Tân Bình) và họ báo giá với số lượng hơn 10.000 cái là áo sơmi: 55.000 đồng/cái, quần short: 45.000 đồng/cái, áo thun ngủ: 40.000 đồng/cái, đồ thể dục: 80.000 đồng/bộ, giá này còn có thể thương lượng và sẽ giảm nếu đặt may số lượng cao hơn, đồng thời sẽ có chiết khấu cho người đặt mua.

Trong khi đó, ở trường tiểu học LVT, quận Tân Phú, TP HCM: “Đến cái khăn quàng đỏ phụ huynh cũng phải mua ở trường vì tên trường đã được in hẳn vào khăn quàng. Giá bán thì mắc gấp đôi so với giá ngoài chợ mà chất lượng vải rất tệ nên nó cứ xoăn như cái lò xo” - bà Hoa, phụ huynh lớp 4, phản ảnh.

Tương tự, Trường THCS L (quận Tân Bình) ngoài việc buộc phụ huynh phải mua quần áo đồng phục cho con em, họ còn phải mua cả balô vì balô cũng phải đồng bộ, in logo của trường lên đó. Bà Minh, phụ huynh lớp 6, thắc mắc: “Giá bán balô tuy không mắc lắm nhưng con gái tôi không thích. Bởi trước đó tôi đã mua cho cháu một cái balô khác đẹp hơn, nữ tính hơn. Tôi không hiểu tại sao càng ngày các trường càng đặt ra nhiều quy định, đến cái balô mà cũng đồng phục nữa thì khổ cho phụ huynh quá”.

Đã vậy, đồng phục còn thay đổi liên tục khiến phụ huynh rất khổ sở. “Năm học trước (2014 - 2015) nhà trường quyết định thay đổi mẫu quần đồng phục thể dục của học sinh. Thời tiết ở TP HCM thường xuyên nắng nóng mà vải quần rất dày, mặt trong bằng nilông cực kỳ bí. Học sinh tiểu học rất hiếu động, chạy nhảy suốt ngày từ sáng đến chiều ở trường, ngủ trưa ở trường, mồ hôi đầm đìa mà không thoát được. Thế nên mỗi chiều đón con về, người cháu tỏa mùi khó chịu” - ông Tân, phụ huynh trường tiểu học TQT, quậnTân Bình, than thở. 

Vậy mà năm nay trường con ông lại đổi mẫu đồng phục áo sơmi nữa. Trong khi đồng phục của năm trước con ông vẫn còn mặc được.

Phụ huynh chọn mua đồng phục cho con em. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Chiết khấu có thể đến 40%

Tìm hiểu từ các nhà cung cấp dễ thấy giá cả chênh lệch khá nhiều so với giá bán ở các trường. Tại quầy bán đồng phục học sinh của chị Thanh, chợ Phú Nhuận (đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), các mẫu đồng phục được may khá cẩn thận và đẹp: Váy nữ may bằng vải siêu lụa rất mềm mại, nhẹ nhàng, áo sơmi nữ may bằng vải KT silk có thêu ở cổ áo và nẹp áo nhìn rất trang nhã, giá chỉ 110.000 đồng/bộ (loại váy liền áo giống như đồng phục nữ của trường tiểu học LTV, quận 1), nếu lấy size lớn hơn thì thêm 10.000 đồng.

Về đồng phục nam chỉ khoảng 100.000 - 130.000 đồng/bộ dành cho học sinh tiểu học tùy theo size (bao gồm quần short và áo sơmi), chị Thanh cho biết, đồng phục nữ dành cho học sinh lớp 5 loại lớn nhất giá chỉ 160.000 đồng/bộ. Riêng với loại váy rời (mặc với áo riêng) được may khá cầu kỳ, có hai dây đeo trên vai thì giá mắc hơn: từ 140.000 - 170.000 đồng/bộ (cả áo).

Đồng phục nữ Trường tiểu học quốc tế Á Châu giá 187.000 đồng/bộ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tương tự, ở chợ Cây Quéo (đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh), chúng tôi cũng ngạc nhiên với bảng giá đồng phục học sinh rẻ hơn so với giá trong trường học: áo nam size nhỏ nhất (lớp 1) giá 64.000 đồng, mỗi size cách nhau 6.000 đồng.

Quần soọc nam size nhỏ nhất giá 54.000 đồng, mỗi size chênh lệch 2.000 đồng. Váy đồng phục nữ size nhỏ nhất giá 112.000 đồng, mỗi size chênh lệch 20.000 đồng.

Theo chị Hường - Công ty may TĐ (Hà Nội), đồng phục học sinh có nhiều mức giá khác nhau tùy theo kiểu dáng, chất liệu sản phẩm cũng như số lượng đặt hàng. Mức chiết khấu cho mỗi hợp đồng từ 10 - 15%, nếu số lượng lớn chiết khấu có thể lên đến 40%. Mặt khác, trong hợp đồng cũng có thể ghi mức giá theo đề nghị của bên đặt hàng.

Chị Phương, chủ một xưởng gia công đồng phục học sinh lớn tại TP HCM, cho biết, thường thì từ đầu năm học này đã rục rịch chuẩn bị hợp đồng cho năm học tới.

Chất liệu vải các trường thường chọn cho đồ thể dục là thun PE, thun cào có giá rất rẻ và loại vải này rất kém, trẻ em mặc rất khó chịu, nóng và không thấm mồ hôi.

Thậm chí một chủ doanh nghiệp may mặc còn chia sẻ: “Khác với các mặt hàng thời trang, đồ đồng phục học sinh, đặc biệt đồng phục cho các trường công lập không lo lỗi mốt. Về chất lượng cũng ít trường đòi hỏi cao nên nhiều doanh nghiệp may mặc tập trung vào phân khúc này.

Chạy được những hợp đồng gia công đồng phục học sinh là chúng tôi an tâm về doanh số”. Chủ doanh nghiệp này còn cho hay một số doanh nghiệp không có xưởng may thì lo kiếm hợp đồng sau đó đưa cho các xưởng bên ngoài gia công từng công đoạn như cổ áo, thân áo, nhuộm, in phù hiệu trường...

Do đó, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau gay gắt về giá cũng như tìm mọi cách “lấy lòng” lãnh đạo các trường.

Đồ họa: Tuổi Trẻ.

Chất lượng quá tệ

Không những giá cả mà bức xúc nhiều nhất của phụ huynh là về chất lượng đồng phục, bà Trang phân tích:

“Tôi cứ nghĩ nhà trường đặt mua với số lượng nhiều giá sẽ giảm hơn so với ngoài chợ. Thực tế thì ngược lại. Đã vậy đường may xiêu vẹo, mũi chỉ thưa, đường vắt sổ lỏng lẻo, những sợi chỉ thừa dài loằng ngoằng chỉ rút nhẹ là tuột hết chỉ.

Quần thể dục làm bằng chất liệu gì không rõ, mỏng nhưng cứng ráp như được dệt bằng những sợi nilông, cả áo thun, áo sơmi, quần cũng được may bằng chất liệu vải mỏng pha nhiều nilông chất lượng rất kém”.

Đồng phục nữ Trường tiểu học công lập LTV, quận 1, TP HCM có giá 215.000 đồng/bộ. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Riêng bà Mai, phụ huynh lớp 1 trường tiểu học C, quận 10, lại kể: “Tôi không quan tâm lắm đến giá cả xem nó mắc hay rẻ nhưng thật sự cả mẹ và con đều rất khó chịu với chất lượng của sản phẩm. Bé mới đi học được ba ngày thì quần đã rách toạc ở đáy. Đem ra thợ thì họ cười, nói tôi chưa có kinh nghiệm, đồng phục học sinh khi mua ở trường về phải đem đi may lại một lượt rồi mới mặc được chứ”.

Chuyện của bà Mai cũng là nỗi lòng của ông Tuấn: “Bé nhà tôi đi học mà áo bị rớt nút, bung nách, quần rách đáy... là chuyện thường ngày.

Dù có may lại thật kỹ thì tình trạng quần rách đáy vẫn thường xuyên xảy ra vì nhà cung cấp tiết kiệm vải, may đáy quần rất chật...”.

* Tên các phụ huynh đã thay đổi.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150825/dong-phuc-hoc-sinh-da-xau-lai-dat/957903.html

Theo Thiên Tường - Bình Yên/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm